Góc nhìn mới sau kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025

Kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, các chuyên gia giáo dục đã đưa ra những góc nhìn liên quan đến nội dung này.

 Thí sinh tham gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 - Ảnh: Hồng Nhung

Thí sinh tham gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 - Ảnh: Hồng Nhung

"Việt Nam chưa đủ điều kiện bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT"

Trao đổi với phóng viên Báo PNVN, TS. Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, cho rằng nước ta không nên bỏ Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Bởi dù thành công hay còn tồn tại những khiếm khuyết qua các năm tổ chức nhưng kỳ thi là một sự kiện quan trọng, đánh giá kết quả của 12 năm học phổ thông. "Việc đánh giá này là rất cần thiết", ông Khuyến nhấn mạnh.

Một trong những lập luận khác để bảo lưu quan điểm "không nên bỏ Kỳ thi tốt nghiệp THPT" theo ông Khuyến đó là vấn đề kiểm soát chất lượng giáo dục. Ở những quốc gia mà hệ thống giáo dục chưa được kiểm soát chất lượng một cách đồng đều, nơi mà việc đánh giá có thể quá chặt chẽ hoặc quá lỏng lẻo, cùng với tình trạng bệnh thành tích, gian lận thi cử… còn tồn tại thì việc duy trì một kỳ thi quốc gia là bắt buộc. Vị chuyên gia giáo dục này đánh giá, Kỳ thi tốt nghiệp THPT đang thể hiện đúng với tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW năm 2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Nghị quyết này yêu cầu phải giảm bớt phiền hà, tốn kém cho người học và gia đình. Việc tổ chức một kỳ thi quốc gia tốt, đảm bảo chất lượng, vừa để xét tốt nghiệp THPT, vừa làm cơ sở để xét tuyển vào đại học, cao đẳng chính là thực hiện tinh thần của "kỳ thi 2 trong 1" này.

Thí sinh tham gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025

Thí sinh tham gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục trường THPT Đinh Tiên Hoàng, cho rằng, việc bỏ Kỳ thi tốt nghiệp THPT phải có lộ trình và bắt buộc "phải làm tốt khâu nền tảng, tức là cơ sở trường học phải làm tốt". Ông Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh, các nước tiên tiến đã bỏ các kỳ thi tương đương vì họ kiểm soát được điều kiện nền tảng như: việc kiểm tra, đánh giá học sinh được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc trong suốt quá trình học; nếu có sai phạm như gian lận, nâng điểm, phải phát hiện và xử lý ngay. Tuy nhiên, ông Lâm thừa nhận rằng ở Việt Nam, điều này "chưa làm được". Chính vì thế, đây chưa phải là thời điểm nước ta bỏ Kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Trường đại học tuyển sinh theo cách nào?

TS. Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. Ảnh: Hưng Anh

TS. Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam: "Ở nước ta, nền giáo dục vẫn còn tồn tại những tiêu cực nên nếu bỏ một kỳ thi mang tầm cỡ quốc gia thì sẽ không có thang bậc nào để đánh giá quá trình rèn luyện, học tập của 12 năm học".

TS. Lê Viết Khuyến cho rằng việc mỗi trường đại học tự tổ chức thi tuyển sinh sẽ gây ra sự tốn kém và phiền hà cho người học và gia đình. Và với hiện trạng hàng trăm trường đại học tồn tại như ở Việt Nam thì việc mỗi trường tự tổ chức thi sẽ là lãng phí. Đề cập đến việc một số trường đại học tự tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, TS. Lê Viết Khuyến cho rằng đây là một xu hướng "không ổn" và "tốn kém". Ông dẫn chứng việc các kỳ thi riêng này thu về lượng tiền khổng lồ từ lệ phí thi và đặt ra câu hỏi về mục đích thực sự của chúng. Ông cho rằng, những trường này đang "lấy nhà trường làm trung tâm chứ không phải lấy người học làm trung tâm" và đi ngược lại tinh thần Nghị quyết 29.

Đối với các ngành "hot" hoặc các trường tốp đầu có số lượng thí sinh đăng ký vượt xa chỉ tiêu, TS. Lê Viết Khuyến đề xuất một mô hình tuyển sinh 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu sẽ dựa vào kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT để sơ tuyển một lượng lớn thí sinh. Sau đó, các trường sẽ tổ chức một bài kiểm tra năng lực đặc thù (ví dụ, bài kiểm tra về giải phẫu sinh lý người cho ngành Y, bài thi viết cho ngành Báo chí) để chọn ra những thí sinh phù hợp. "Cách làm này sẽ nhẹ nhàng hơn và không phải tất cả các ngành đều phải thi", ông Khuyến bày tỏ. Vị chuyên gia này cũng nhắc đến mô hình "đại học mở" ở một số nước, nơi chỉ cần có bằng tốt nghiệp THPT là có thể ghi danh vào học, chỉ những trường, ngành rất đẳng cấp mới cần tổ chức thi tuyển.

Cùng chung ý kiến không nên trao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường đại học, PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng việc này sẽ rất khó để đánh giá trình độ chung của quốc gia. Mỗi trường có thể có một cách đánh giá riêng, dẫn đến việc không thể xác định được trình độ học sinh đạt chuẩn quốc gia như thế nào. Vì những nguyên nhân đó nên theo ông Nhĩ, Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia sẽ giúp phân loại học sinh thành các nhóm (top trên, trung bình, top dưới), từ đó định hướng nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước và đào tạo nghề cho những nhóm còn lại.

PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT. Ảnh: Trần Lý

PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT. Ảnh: Trần Lý

PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ cũng gợi ý về việc các trường nên thực hiện phân luồng học sinh sớm hơn, ngay từ sau bậc THCS, thành các luồng học thuật (THPT), luồng kỹ thuật và luồng trung học nghề, để định hướng nghề nghiệp được rõ ràng hơn.

Việc có nên bỏ Kỳ thi tốt nghiệp THPT hay không là một vấn đề phức tạp, đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng từ nhiều khía cạnh. Các chuyên gia đều đồng ý rằng trong điều kiện lý tưởng, khi chất lượng giáo dục được kiểm soát đồng đều, bệnh thành tích và gian lận thi cử được loại bỏ và hệ thống đánh giá thường xuyên được thực hiện tốt thì việc bỏ kỳ thi là khả thi. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, với những bất cập còn tồn tại, việc duy trì một kỳ thi cấp quốc gia là cần thiết để đảm bảo chất lượng và công bằng.

Các chuyên gia giáo dục khẳng định, nếu bỏ kỳ thi cần xem xét kỹ lưỡng và có một lộ trình rõ ràng, đầu tư vào việc nâng cao chất lượng quản lý giáo dục, kiểm soát chặt chẽ quá trình đánh giá thường xuyên ở các trường, và kiên quyết loại bỏ các tiêu cực trong thi cử. Đồng thời, cần xem xét các mô hình tuyển sinh linh hoạt hơn cho các trường đại học, đặc biệt là các ngành đặc thù, để giảm gánh nặng cho thí sinh, đồng thời đảm bảo chọn lọc được những nhân tài phù hợp. Việc lắng nghe và tổng hợp các ý kiến đa chiều sẽ giúp định hình một chính sách giáo dục phù hợp, hướng tới mục tiêu phát triển con người toàn diện và xây dựng một nền giáo dục chất lượng cao.

Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh An Giang về đề xuất tổ chức xét tốt nghiệp cho học sinh THPT trên toàn quốc thay cho hình thức tổ chức thi tốt nghiệp THPT hiện nay tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã nói: Việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét công nhận tốt nghiệp THPT đã được quy định trong Luật Giáo dục. Kỳ thi phục vụ mục đích lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và là một trong các cơ sở để đánh giá chất lượng dạy, học của cơ sở giáo dục phổ thông và công tác chỉ đạo của cơ quan quản lý giáo dục. Cung cấp dữ liệu đủ độ tin cậy cho cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.

Nguyễn Hải Phong

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/goc-nhin-moi-sau-ky-thi-tot-nghiep-thpt-2025-2025070315025554.htm