Góc nhìn mới về lịch sử Nam Kỳ
Cuốn sách 'Khắc họa bức tranh lịch sử Nam Kỳ' mang đến cho độc giả những góc nhìn từ nhiều sử liệu khác nhau về vùng đất Nam Kỳ qua ngòi bút tổng hợp của tác giả Nguyễn Quang Diệu.
Qua cuốn sách Khắc họa bức tranh lịch sử Nam Kỳ, tác giả đã mang đến cái nhìn mới về những sự kiện, bối cảnh, con người… tại vùng đất này một cách khác lạ và độc đáo.
Lịch sử Nam Kỳ không còn là đề tài mới để các tác giả có thể khai thác. Những năm qua, nhiều tác phẩm nghiên cứu về lĩnh vực này trong và ngoài nước đã được giới thiệu. Tuy nhiên, Nguyễn Quang Diệu là một biên tập viên chuyên mảng lịch sử Việt Nam nên vốn kiến thức có phần bao quát và luôn cập nhật của ông khiến cuốn sách trở nên mới mẻ, không trùng lặp.
Sử dụng tư liệu từ rất nhiều nguồn, có thể kể đến như những nghiên cứu mà bản thân tác giả đã làm việc, hồi ký của các nhân vật lịch sử quan trọng đến từ phía Pháp cũng như tư liệu đang được lưu trữ tại thư viện nước này chưa được dịch thuật… nên tác phẩm này có góc nhìn đa chiều, không chỉ là khía cạnh sử Việt mà còn từ phía Pháp. Sách cũng đính kèm nhiều bức tranh quý, có giá trị lịch sử - nghệ thuật chưa từng được biết đến về vùng Nam Kỳ cuối thế kỷ XIX.
Trải qua hơn 100 năm lịch sử, từ khi Nguyễn Ánh ẩn náu ở Gia Định trước quân Tây Sơn, đến giai đoạn 1929-1933 khủng hoảng kinh tế, Nguyễn Quang Diệu chọn cách tiếp cận phi tuyến, gián đoạn và chắt lọc ra những điểm quan trọng vẫn còn khuất lấp. Độc giả sẽ biết được vì sao Lê Văn Duyệt luôn là một trong những nhân vật gây tranh cãi trong lịch sử Việt Nam.
Bên cạnh đó, cuốn sách còn khắc họa bức tranh lịch sử Nam Kỳ tập trung hơn vào nửa sau thế kỷ XIX, khi khu vực Đông Á nói chung và nước Đại Nam nói riêng phải đối diện với họa Tây xâm lược.
Cũng chung luồng tư duy này là Milton Osborne trong cuốn Con đường thủy vào Trung Hoa. Tác giả người Australia viết: “Lịch sử bàn cờ chính trị Pháp từ đầu thế kỷ XIX thường xuyên cho thấy các chính phủ kế tiếp nhau không sẵn sàng góp sức phát triển các mô hình thương mại ở xa”. Vì vậy, khi Louis Napoleon lên nắm quyền năm 1848 thì việc mở rộng phạm vi hoạt động ở phương Đông bắt nguồn từ nhiều lý do hơn chứ không duy nhất là bành trướng quyền lực.
Ngoài những sự kiện lịch sử nói trên, tác phẩm còn nói về một số chuyển biến quan trọng của Sài Gòn, như việc trở thành “cái nôi” của báo chí Việt Nam buổi ban đầu, làn sóng di cư đổ về giai đoạn 1923-1926 với giới tri thức dùng chính ngòi bút đấu tranh chống lại chính quyền thực dân; cũng như giai đoạn khủng hoảng kinh tế 1929-1933, nơi cư dân Sài Gòn đã giúp đỡ nhau bằng tinh thần hào sảng, sẻ chia trách nhiệm cộng đồng…
Cuốn sách còn lần theo những công trình biểu tượng một thời, như phòng tuyến chùa giống như thành lũy bao quát Sài Gòn vào giai đoạn 1860, từ đó xác định vị trí ngày nay của chùa Khải Tường, chùa Kiểng Phước và chùa Cây Mai… Bệnh viện Grall (nay là Bệnh viện Nhi Đồng II) phục vụ cho quá trình khai thác thuộc địa của người Pháp tại Đông Dương cũng được khắc họa với đặc trưng về kiến trúc nghệ thuật, cảnh quan đô thị độc đáo giữa lòng Sài Gòn.
Với Khắc họa bức tranh lịch sử Nam Kỳ, người viết đã mang đến những lát cắt mới về nhiều sự kiện vẫn còn ẩn tàng sau lớp lịch sử. Từ đó giúp cho độc giả nhìn về lịch sử một cách thận trọng và chính xác hơn. Đây có thể xem là nguồn tư liệu quý cho những người yêu thích lịch sử Nam Kỳ.
Phước Sáng/Vietnamnet
Nguồn Znews: https://znews.vn/goc-nhin-moi-ve-lich-su-nam-ky-post1448275.html