Góc nhìn nghị trường: Kiểm soát hiệu quả nợ xấu

Thời gian vừa qua, tình hình nợ xấu có xu hướng tăng cao. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, tính đến cuối tháng 9-2024, tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 4,55% (gần bằng mức cuối năm 2023; tăng so với năm 2022).

Đây là thực tế do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã tác động đến mọi mặt của đời sống, xã hội trong thời gian dài. Cùng với đó, những thiệt hại nghiêm trọng do bão số 3 gây ra khiến nhiều hộ kinh doanh, doanh nghiệp chưa thể phục hồi. Dẫn tới việc trả nợ của doanh nghiệp, người dân cũng trở nên khó khăn hơn. Thị trường bất động sản trầm lắng cũng là một nguyên nhân đáng kể dẫn đến sự gia tăng nợ xấu. Với 70% tài sản bảo đảm tại các ngân hàng là bất động sản, khi thị trường này gặp khó khăn về thanh khoản thì nhà băng cũng rất khó phát mãi tài sản bảo đảm nếu khách hàng không còn khả năng trả nợ. Hơn nữa, dù phát mãi thành công thì các ngân hàng cũng phải chịu thiệt hại lớn do giá trị tài sản bảo đảm đã giảm đáng kể so với thời điểm cho khách hàng vay vốn.

 Thời gian vừa qua, tình hình nợ xấu có xu hướng tăng cao. Ảnh minh họa/vneconomy.vn

Thời gian vừa qua, tình hình nợ xấu có xu hướng tăng cao. Ảnh minh họa/vneconomy.vn

Trước thực trạng này, một số ngân hàng đã chủ động tăng mạnh chi phí dự phòng rủi ro để ứng phó với tình trạng nợ xấu leo thang; song, vẫn cần sự phối hợp đồng bộ nhằm kiểm soát rủi ro nợ xấu. Các chuyên gia nhận định, tình hình nợ xấu sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là khi những khoản nợ được cơ cấu lại theo chính sách hỗ trợ của NHNN Việt Nam đến hạn, có thể làm tăng thêm áp lực nợ xấu. Nếu nợ xấu tiếp tục tăng, ngân hàng sẽ khó giảm lãi suất cho vay, thậm chí có thể phải tăng lãi suất để bù đắp cho chi phí dự phòng và những rủi ro khi khách hàng mất khả năng trả nợ. Như vậy sẽ khó thực hiện được mục tiêu tăng trưởng tín dụng và giảm lãi suất cho vay đã đề ra.

Để kiểm soát nợ xấu, NHNN Việt Nam đã đưa ra một số giải pháp. Theo đó, đối với các tổ chức tín dụng, khi cho vay cần thẩm định, đánh giá kỹ lưỡng về khả năng trả nợ của khách hàng vay, bảo đảm kiểm soát nợ xấu mới phát sinh. Còn đối với các nợ xấu hiện hữu, cần tích cực xử lý nợ xấu thông qua việc đôn đốc khách hàng trả nợ, thu nợ, phát mại tài sản của nợ xấu. NHNN Việt Nam cũng đã có khung khổ pháp lý đối với các công ty mua, bán nợ để có thể tham gia xử lý nợ xấu. Đối với trường hợp nợ xấu tăng cao, NHNN Việt Nam sẽ thực hiện đồng bộ các biện pháp để tháo gỡ khó khăn, vừa giảm mặt bằng lãi suất cho vay, vừa chỉ đạo các tổ chức tín dụng phải phấn đấu tiết giảm chi phí hoạt động để tiếp tục giảm lãi suất cho vay cho doanh nghiệp và người dân.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, các doanh nghiệp trong nước chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh dẫn tới giảm khả năng trả nợ thì vấn đề phát sinh nợ xấu khách quan là khó tránh khỏi. Để kiểm soát hiệu quả nợ xấu, không chỉ có mỗi sự tham gia của ngành ngân hàng mà cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành liên quan trong việc hoàn thiện quy định về xử lý tài sản bảo đảm. Các biện pháp xử lý nợ xấu cần được thực hiện đồng thời và hiệu quả để tránh tình trạng nợ xấu kéo dài, gây hệ lụy xấu cho nền kinh tế.

ANH VIỆT

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/goc-nhin-nghi-truong-kiem-soat-hieu-qua-no-xau-802742