Góc nhìn nghị trường: Nền tảng vững chắc cho bình đẳng giới

Một trong những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội cũng như cử tri, nhân dân quan tâm tại Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV là báo cáo kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023.

Những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội, vai trò, địa vị của phụ nữ ngày càng được nâng cao; có nhiều phụ nữ tham gia vào hầu hết lĩnh vực của đời sống xã hội, giữ những vị trí quan trọng trong bộ máy nhà nước.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023. Ảnh: TTXVN

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023. Ảnh: TTXVN

Theo báo cáo của Chính phủ, đến cuối năm 2023, có 11/20 chỉ tiêu đạt và vượt so với mục tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới đến năm 2025; 3/20 chỉ tiêu đạt một phần so với mục tiêu đề ra đến năm 2030. Một số chỉ tiêu đã đạt và vượt so với mục tiêu đề ra như tỷ lệ lao động nữ làm công hưởng lương năm 2023 đạt 50,9%; tỷ trọng lao động nữ làm việc khu vực nông nghiệp trong tổng số lao động nữ có việc làm giảm xuống còn 26,22%; tỷ lệ nữ giám đốc/chủ doanh nghiệp, hợp tác xã...

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, chính sách tiếp tục được hoàn thiện theo hướng bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới. Các văn bản quy phạm pháp luật khi được xây dựng hoặc sửa đổi bổ sung đều được đánh giá tác động, thực hiện lồng ghép giới đối với những văn bản có vấn đề về giới. Công tác truyền thông về bình đẳng giới tiếp tục được tăng cường với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới địa phương, góp phần nâng cao nhận thức và thay đổi thái độ, hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân về thực hiện bình đẳng giới. Các cơ quan, đơn vị khối doanh nghiệp, nam giới và thanh niên ngày càng tham gia tích cực hơn trong công tác bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.

Vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình có nhiều thay đổi tích cực, ngày càng bình đẳng, độc lập trong gia đình và xã hội. Tuy nhiên, bất bình đẳng giới còn thể hiện rõ ở vai trò, vị trí của người phụ nữ trong gia đình còn thấp, phân công lao động chưa hợp lý, định kiến về giới còn phổ biến... Nữ giới thường “đóng đinh” với các việc như lau dọn, giặt giũ, chăm sóc con cái và nam giới lại ở vị trí thụ hưởng, nắm giữ quyền lực... Rõ ràng, sẽ không có bình đẳng giới nếu không có sự tham gia của nam giới trong công việc gia đình, chấm dứt bạo hành với phụ nữ và trẻ em gái.

Mặt khác, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn chưa giảm gây ảnh hưởng lâu dài đến cơ cấu dân số Việt Nam. Tỷ số giới tính khi sinh ra sống năm 2023 là 112 bé trai/100 bé gái. Thực trạng này chỉ ra rằng, tư tưởng thích con trai hơn con gái vẫn tồn tại trong mỗi gia đình. Để xây dựng một xã hội bình đẳng giới, trước tiên, cần xuất phát từ mỗi cá nhân, gia đình, xem đây là nhân tố quan trọng tiến đến sự bình đẳng thực chất giữa nam và nữ. Hình ảnh cha mẹ cùng nhau làm việc nhà, chăm sóc con cái, gia đình hạnh phúc sẽ khắc sâu vào tâm trí của mỗi đứa trẻ. Giáo dục bình đẳng giới trong gia đình bắt đầu từ trẻ thơ sẽ là nền tảng vững chắc để thực hiện tốt bình đẳng giới hiện nay.

THU HƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/goc-nhin-nghi-truong-nen-tang-vung-chac-cho-binh-dang-gioi-778409