Góc nhìn nghị trường: Ngăn ngừa hành vi trúng đấu giá bỏ cọc, thổi phồng giá trị tài sản

Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội khi thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản là chế tài xử lý vi phạm đối với người trúng đấu giá bỏ cọc.

Tình trạng đấu thầu giá cao rồi bỏ cọc gây thất thoát, tốn kém thời gian và tiền bạc của xã hội, lũng đoạn thị trường, gây dư luận xã hội không tốt. Đây là hành vi cần lên án và đưa ra các hình thức xử lý thích đáng.

Đấu giá thành công xong bỏ cọc là tình trạng không hiếm trong thời gian qua, nhất là trong đấu giá quyền sử dụng đất, đấu giá mỏ cát, biển số ô tô đẹp... Thực tế, nhiều người tham gia đấu giá nhưng mục đích của họ chưa hẳn là mua được tài sản đấu giá. Một số nhà đầu tư lợi dụng tham gia đấu giá, sau đó thắng thầu bỏ cọc để thổi giá thị trường lên cao, thao túng mặt bằng giá mới, hay phô trương danh thế... Ngoài ra, tình trạng thông thầu, thông đồng, cò mồi, đe dọa, cưỡng ép xảy ra khá tinh vi, có xu hướng ngày càng phức tạp...

Ảnh minh họa: Vietnamnet

Ảnh minh họa: Vietnamnet

Nhằm ngăn chặn các hành vi tiêu cực, gây lũng đoạn thị trường, ngăn chặn tình trạng bỏ cọc hoặc thổi phồng giá trị tài sản để trục lợi trong đấu giá tài sản, thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) đề nghị bổ sung quy định cụ thể và xử lý hình sự đối với những trường hợp đấu giá vượt quá giá trị thực, rồi bỏ cọc không thực hiện kết quả trúng đấu giá, có dấu hiệu thao túng, gây rối trật tự, ảnh hưởng xấu đến an ninh kinh tế. Đại biểu cho rằng, cần quy định việc trả giá vượt mức khởi điểm bao nhiêu lần mà khi trúng đấu giá là có hành vi bỏ cọc, dẫn đến hủy kết quả đấu giá thì cần chịu một số tiền phạt bằng bao nhiêu lần đối với số tiền đặt cọc. Quy định như vậy sẽ tạo sự chặt chẽ trong mức giá và bước giá, hạn chế đến mức thấp nhất việc bỏ công sức để tổ chức một cuộc đấu giá. Bổ sung, có ý kiến đề nghị cấm tham gia đấu giá với người có hành vi vi phạm gây lũng đoạn thị trường. Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, chế tài cấm tham gia đấu giá từ 6 tháng đến 5 năm cần được áp dụng với tất cả các loại tài sản đấu giá, không chỉ áp dụng với hai loại tài sản đất đai và khoáng sản.

Việc thắt chặt điều kiện tham gia đấu giá như nâng mức tiền đặt trước, chứng minh năng lực tài chính, thời gian nộp tiền, tăng mức xử phạt với trường hợp trúng thầu nhưng bỏ cọc... là việc hết sức cần thiết để công tác đấu giá được thực hiện một cách hiệu quả, công khai, rõ ràng và minh bạch, khả thi.

VŨ DUNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/goc-nhin-nghi-truong-ngan-ngua-hanh-vi-trung-dau-gia-bo-coc-thoi-phong-gia-tri-tai-san-778168