Góc nhìn nghị trường: Nhiều vấn đề chưa rõ vì văn bản quy phạm pháp luật

Một trong những lý do nhiều đại biểu Quốc hội chỉ ra vì sao cán bộ, công chức sợ trách nhiệm, không dám làm là do hệ thống pháp luật còn bất cập, chồng chéo và khó thực hiện. Việc rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, loại bỏ những mâu thuẫn, chồng chéo là yêu cầu cấp thiết từ thực tiễn.

Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, nâng cao chất lượng công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và ban hành các chính sách là yêu cầu tất yếu của sự phát triển.

Đại biểu Lê Xuân Thân (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa) đề cập tới thực tế có nhiều việc “địa phương phải hỏi Trung ương, tỉnh phải hỏi bộ trưởng, rất nhiều vấn đề chưa rõ vì văn bản”. Có chung góc nhìn, đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam) cho biết, qua giám sát, có một số vấn đề, quy định pháp luật có nhiều cách hiểu khác nhau. Ví dụ, đối với việc xác định giá trị đất đai trong các vụ án, sai phạm, có những trường hợp xác định giá trị tại thời điểm khởi tố vụ án, nhưng cũng có quan điểm cần xác định giá trị thất thoát tại thời điểm xảy ra vụ việc. “Việc không thống nhất trong cách hiểu pháp luật chính là một trong những nguyên nhân khiến cán bộ sợ sai, không dám làm. Cần rà soát, nghiên cứu, bảo đảm thống nhất cách hiểu các văn bản pháp luật, đồng thời, trong công tác xây dựng pháp luật, cần sử dụng ngôn từ dễ hiểu để người dân có thể dễ dàng tiếp cận, hiểu và tuân thủ pháp luật một cách nhất quán”, đại biểu Tạ Văn Hạ đặt vấn đề.

 Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long giải trình, làm rõ ý kiến đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận chiều ngày 1-11-2023.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long giải trình, làm rõ ý kiến đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận chiều ngày 1-11-2023.

Để duy trì trật tự, kỷ cương xã hội, tạo hành lang pháp lý cho quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng ta luôn coi trọng công tác xây dựng pháp luật. Công tác xây dựng pháp luật qua thời gian đã có nhiều cải tiến, đổi mới, bám sát nhu cầu thực tiễn và ban hành các văn bản pháp luật theo hướng dân chủ, công khai, minh bạch hơn. Tuy nhiên, thẳng thắn thừa nhận, bên cạnh những kết quả đạt được, hệ thống pháp luật vẫn còn cồng kềnh, phức tạp với số lượng lớn văn bản dưới luật, một số quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn; việc gắn kết giữa xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật trong một số lĩnh vực chưa thực sự hiệu quả... Chia sẻ về điều này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, qua rà soát, hệ thống pháp luật cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước, song vẫn còn một số vấn đề vướng mắc, bất cập, trong đó có mâu thuẫn chồng chéo ở tầm luật.

Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, hiệu quả trong hệ thống pháp luật có vai trò đặc biệt quan trọng đối với thúc đẩy kinh tế-xã hội và ổn định xã hội. Nhằm xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, quá trình xây dựng, ban hành luật cần phải thận trọng, đặt yêu cầu cao về chất lượng, không chạy theo số lượng; cần tiếp tục nâng cao chất lượng thẩm định các dự án luật, pháp lệnh, bảo đảm đúng tiến độ, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “tham nhũng chính sách”. Cùng với đó, nâng cao chất lượng công tác phản biện xã hội trong quy trình lập pháp và giám sát việc thực hiện pháp luật; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật.

NAM TRỰC

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/goc-nhin-nghi-truong-nhieu-van-de-chua-ro-vi-van-ban-quy-pham-phap-luat-751357