Góc nhìn pháp lý vụ bé trai 8 tháng tuổi tử vong ở nhà trẻ tự phát
Các luật sư chia sẻ góc nhìn pháp lý về vụ việc bé Nguyễn Hiếu T. (8 tháng tuổi) bị trẻ chưa thành niên đánh tử vong tại nhà trẻ tự phát ở Bình Dương.
Liên quan đến vụ việc bé trai Nguyễn Hiếu T. (8 tháng tuổi) bị đánh tử vong ở Bình Dương, ngày 3/4 lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương cho biết người đánh khiến bé T. tử vong là Lê Trần Thúy Vy (sinh ngày 27/8/2008).
Đối tượng chưa đủ 16 tuổi nên sau khi xem xét các yếu tố, công an thấy rằng gia đình có khả năng bảo lãnh, vì vậy đã cho về nhà với sự giám sát của công an, chính quyền địa phương. Lực lượng công an cũng đang xem xét các yếu tố để xử lý nghi phạm theo đúng quy định của pháp luật. Vậy Lê Trần Thúy Vy chưa đủ 16 tuổi thì có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không?
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, ThS.LS. Hoàng Thị Hương Giang, Văn phòng luật sưu Chính Pháp, Đoàn luật sư TP. Hà Nội nhận định, trẻ 8 tháng tuổi tử vong tại cơ sở giữ trẻ ở Bình Dương là sự việc vô cùng đau lòng, gây lo lắng, hoang mang trong dư luận. Bởi vậy, cơ quan điều tra sẽ nhanh chóng vào cuộc để xác minh, điều tra, làm rõ sự việc để có căn cứ xử lý theo quy định.
Theo đó, cơ quan điều tra sẽ khám nghiệm hiện trường, khám hiện tử thi, lấy lời khai của những liên quan,... để làm rõ nguyên nhân tử vong của nạn nhân, làm rõ nguyên nhân tử vong do bệnh lý hay có tác động ngoại lực. Trong trường hợp có căn cứ xác định đối tượng Lê Trần Thúy Vy có hành vi đánh đập, ném nạn nhân xuống nền nhà khiến nạn nhân tử vong thì hành vi này có dấu hiệu của tội Giết người, với tình tiết định khung "Giết người dưới 16 tuổi".
"Sự việc này cũng là một hồi chuông cảnh tỉnh đối với các bậc phụ huynh không nên gửi trẻ tại các cơ sở tự phát, không có đăng ký, không có đủ điều kiện, cơ sở vật chất để đảm bảo việc trông, giữ trẻ theo quy định. Đồng thời, qua vụ việc này, các cơ quan chức năng cũng cần thanh tra, kiểm tra và rà soát các cơ sở trông, giữ trẻ tự phát tại địa phương để kịp thời xử lý theo quy định, tránh những hậu quả tương tự có thể xảy ra", luật sư Giang nhận định.
Cũng theo luật sư Giang, đối với cơ sở giáo dục mầm non thành lập mà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép hoạt động sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Nội dung này được quy định tại điểm a khoản 5 Điều 6 Nghị định 04/2021/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.
Nói về việc Lê Trần Thúy Vy chưa đủ 16 tuổi thì có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không, luật sư Giang cho biết, theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định, trong đó có tội Giết người.
"Khoản 2 Điều 101 Bộ luật hình sự quy định về hình phạt tù có thời hạn, thì đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 12 năm tù. Nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá một phần hai mức phạt tù mà điều luật quy định", luật sư Giang thông tin.
Có dấu hiệu của tội cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người?
Cũng nói về vấn đề này, Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho rằng, Lê Trần Thúy Vy là trẻ chưa thành niên, luật pháp Việt Nam có những quy định đặc biệt trong việc xử lý vụ án liên quan đến người vị thành niên.
Cụ thể, hệ thống pháp luật dành cho người vị thành niên tại Việt Nam không tách biệt hoàn toàn khỏi người lớn nhưng có những điều khoản đặc thù nhằm mục đích giáo dục và giúp họ sửa chữa lỗi lầm (chi tiết quy định tại chương XII BLHS về xử lý hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội).
Bên cạnh đó, không phải bất cứ trường hợp nào có hậu quả chết người, đối tượng vi phạm cũng phải chịu tội Giết người. Dưới góc độ pháp lý, khi chưa chứng minh được đầy đủ các yếu tố cấu thành tội phạm, thì chưa thể kết luận tội phạm gì.
Luật sư Bình cho rằng, trong 4 yếu tố cấu thành tội giết người, về mặt chủ quan, đối tượng giết người thực hiện hành vi vi phạm bằng lỗi cố ý với mục đích nhằm tước đoạt mạng sống của người khác. Từ những thông tin được cung cấp có thể đặt ra giả thuyết trong trường hợp Vy không có ý chí nhằm tước đoạt mạng sống nạn nhân. Vy là trẻ thành niên, không kiểm soát tốt hành vi của mình, đã thực hiện gây thương tích với nạn nhân để nạn nhân không khóc nữa, tránh làm ảnh hưởng đến những đứa trẻ khác.
Khi thấy nạn nhân không khóc, không dậy nữa, Vy đã hoảng loạn và ngay lập tức cùng gia đình đưa nạn nhân đi tới viện. Nếu là tội cố ý giết người thì tội phạm sẽ bỏ mặc hậu quả vì mục đích của tội giết người là nhằm tước đoạt mạng sống của người khác. Thế nhưng ở đây Vy không bỏ mặc mà ngay lập tức đưa nạn nhân tới viện.
"Tuy nhiên, đây là giả thuyết được đặt ra, việc kết luận về hành vi, áp dụng khung hình phạt đối với Vy còn phụ thuộc vào kết quả điều tra, xét xử của của cơ quan có thẩm quyền. Theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng trường hợp của Vy là có dấu hiệu của tội cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người theo quy định tại khoản 4, Điều 134 BLHS với khung hình phạt điều luật này quy định từ 7 đến 14 năm tù giam (cho người từ 18 tuổi trở lên)", Luật sư Bình cho hay.
Luật sư cũng cho biết thêm, đối với bố mẹ của Vy là bà T.T.H và chồng cùng làm nghề giữ trẻ thuê từ khoảng giữa năm 2023 đến nay, trách nhiệm hình sự thuộc về Vy và theo luật quy định người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình. Nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.
Mời bạn đọc xem tiếp video: