Góc nhìn phòng chống bão: Xưa và nay

Trước tin báo bão về, khi bão đổ bộ, chúng ta cần thấy tinh thần chống bão thật khẩn trương và quyết liệt trong dân.

Khi xưa (thời còn bao cấp) dân ta nghèo, xã hội chưa phát triển, phương tiện dự báo bão (thời tiết) còn lạc hậu và các công cụ phòng, chống bão còn thô sơ nhưng công tác phòng, chống bão lụt rất được chú trọng, gấp gáp và khẩn cấp như chống giặc ngoại xâm.

Còn nhớ, mỗi khi đài báo bão, bà con hàng xóm lại đến nhà nhau, hỏi thăm, giúp chằng chống nhà cửa. Kinh nghiệm phòng, chống gió giật tốc mái, đổ nhà phải che chắn đóng kín các cửa tránh gió lùa tốc mái, nếu cửa không đủ, tốt nhất mở thông hết cho gió tự do đi qua chống gió giật quẩn gây đổ nhà, bung nóc…

Thành phố Hạ Long, Quảng Ninh hoang tàn sau cơn “cuồng nộ” của bão số 3 Yagi. Ảnh: Hoàng Giang

Thành phố Hạ Long, Quảng Ninh hoang tàn sau cơn “cuồng nộ” của bão số 3 Yagi. Ảnh: Hoàng Giang

Rất ấn tượng là, mỗi khi có tin báo bão, các cây xanh trước cửa nhà được các cô chú “công ty cây xanh” bắc thang, buộc dây chão vào cành, cưa tay cắt cụt hết những cành lá sum suê cho khỏi nước mưa làm nặng đầu cộng thêm gió giật nếu không cắt sẽ làm đổ cây.

Quả thật, khi bão về, thân cây khi được cắt tỉa cành vẫn ưỡn ngực, vươn thân chống chọi từng cơn gió táp mà vẫn hiên ngang đứng vững, rất ít cây đổ gẫy. Sau trận bão, chỉ một số ít cây do không thể cắt tỉa, tán to đầu nặng bởi nước mưa và gió quá lớn nên đã bị bật gốc. Chuyện cây si cổ thụ bên đền Ngọc Sơn bị bão đánh bật gốc năm nào là ví dụ.

Nhìn lại những trận bão đi qua, (không kể trận siêu bão Yagi vừa qua) sau mỗi trận bão đi qua là các cây gẫy đổ bật gốc, thân cây to quý có tuổi đời vài chục, có cả các cây cổ thụ hàng trăm năm ở phố cổ cũng bật gốc, thân cây còn đè vào cả những chiếc xe ô tô đời mới, cũ có cả, nhìn mà xót xa, tiếc nuối. Có những cây đổ vào người dân đi xe máy dẫn đến tai nạn tử vong, còn thương tích nhập viện cũng không ít - thật đau lòng!

Đành rằng thiên tai khó tránh, thế nhưng thiệt hại nhiều hay ít cũng là do ý thức của mỗi chúng ta. Lẽ ra sau mỗi lần tổn thất phải có tổng hợp, tổng kết tìm ra nguyên nhân do lỗi chủ quan của con người để mà khắc phục, phòng tránh cho lần sau thì không đến nông nỗi tang thương hôm nay và ngày mai khi bão chồng bão.

Trong khi truyền thông ngày nay rất nhanh nhạy, đa chiều, các cơ quan, ban bệ phòng chống bão được thành lập và triển khai từ trung ương tới phường xã… nhưng hậu quả nặng nề vẫn xảy ra, trong đó phần do lỗi chủ quan lẽ ra có thể hạn chế được.

Phải chăng, truyền thông phát triển thì kỹ năng phòng tránh bão truyền thống, đơn giản nhưng hiệu quả như ngày xưa các cụ cha ông ta vẫn phải được chú trọng. Các biện pháp cán bộ trực tiếp đến từng nhà dân, xóm phố tuyên truyền vận động việc cắt cây, tỉa cành, che chắn cửa không để gió lùa vào trong, nghiêm cấm để xe dưới lòng đường khi mưa bão, cảnh báo người dân không đi dưới trời mưa bão phòng cây đổ, tôn văng..., thì hậu quả cũng được hạn chế phần nào?!

Mong rằng, ngày nay, các cơ quan có trách nhiệm, có phương tiện hiện đại như cưa máy, ô tô, cần cẩu… trong tay cần có kế hoạch cắt cây tỉa cành cây thường niên. Đặc biệt phải hành động quyết liệt, dồn tổng lực cắt tỉa cành cây, tuyên truyền, vận động nhân dân phòng, chống bão lũ trước khi bão đổ bộ về. Bên cạnh đó, cần phối hợp, hướng dẫn, hỗ trợ người dân cắt tỉa cành cây công cộng và của gia đình. Thanh tra giao thông không cho đậu đỗ xe ngoài hè đường dưới các gốc cây tránh thiệt hại tài sản khi cây đổ, nghiêm cấm người qua lại những khu phố, đoạn đường có bão to, gió giật, phòng tránh cây đổ, mái tôn, biển quảng cáo bay vào người gây tai nạn... Và biết bao những việc phải làm cần thiết khác hữu ích cho người dân để phòng chống thiệt hại như là tổng lực khắc phục thiệt hại cây đổ do bão gây ra…,???

Trước tin báo bão về, khi bão đổ bộ, chúng ta cần thấy tinh thần chống bão thật khẩn trương và quyết liệt trong dân, những hành động thực tế của các cơ quan có trách nhiệm phòng, chống bão được tích cực triển khai. Những nhắc nhở vận động chống đỡ, dỡ bỏ biển hiệu, mái tôn và chặt tỉa cành cây có nguy cơ bung bật phải được thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở, vận động thực hiện. Thậm chí có những khu vực cảnh báo nguy hiểm không cho người dân đi qua chứ không chỉ là khuyến cáo, nhắc nhở trên phương tiện thông tin đại chúng là “người dân không nên đi ra đường” trong ngày mưa bão?!

Theo thống kê sơ bộ về tình hình thiệt hại do bão số 3 gây ra, tính đến 7h ngày 12/9 đã có 325 người chết, mất tích (197 người chết, 128 người mất tích); 807 người bị thương; 130.268 nhà bị tốc mái, hư hỏng; 57.857 nhà bị ngập; 195.929 ha lúa bị ngập úng, thiệt hại…

Và hàng loạt cây xanh cổ thụ tại các dãy phố, khu di tích danh thắng ở Hà Nội bật gốc là bài học kinh nghiệm cần có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và người dân thì công tác phòng, chống thiên tai mới giảm thiểu thiệt hại trong những mùa mưa bão tới.

Luật sư Nguyễn Chiến

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/goc-nhin-phong-chong-bao-xua-va-nay-345514.html