Góc nhìn rất đời về chiến tranh của một nhà văn chiến sĩ

Những ký ức khốc liệt, tàn bạo của ngày tháng chiến đấu chống nạn diệt chủng được viết lại chân thực trong 'Đội trinh sát và con chó Sara'. Tiểu thuyết là những thước 'phim hành động' quý giá về cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam.

Nhà văn Trung Sỹ đã để lại dấu ấn trong lòng độc giả bằng giọng văn vừa mộc mạc, vừa dữ dội, vừa hỏm hính, trào phúng qua hai tác phẩm Chuyện lính Tây Nam và Hà Nội, mũ rơm và tem phiếu.

Là người lính bước ra từ chiến trường K (Campuchia), sau nhiều năm, những ám ảnh trận mạc đã trở thành nguồn cảm hứng để ông tiếp tục viết và cho ra mắt cuốn tiểu thuyết chiến tranh mới nhất về chiến tranh biên giới - Đội trinh sát và con chó Sara.

Đội trinh sát và con chó Sara.

Đội trinh sát và con chó Sara.

Không đơn thuần chỉ là một cuốn tiểu thuyết, Đội trinh sát và con chó Sara cùng Chuyện lính Tây Nam còn là lời khẳng định đanh thép về tính chính nghĩa của cuộc chiến giải phóng người dân Campuchia khỏi thảm họa diệt chủng Khmer Đỏ.

Đội trinh sát và con chó Sara – cuốn tiểu thuyết là những thước “phim hành động” quý giá về chiến tranh biên giới Tây Nam, tái hiện chân thực hình ảnh người lính trinh sát và chiến dịch ác liệt của quân tình nguyện vào căn cứ Khmer đỏ.

Thông qua câu chuyện về chú chó Sara, những tháng ngày chiến đấu khốc liệt, gian khổ cũng như tình nghĩa quân dân, đồng đội được lột tả chân thực nhất qua những mẩu chuyện xung quanh chú Sara và các chiến sĩ Việt Nam trong quá trình đấu tranh chống lại tội ác diệt chủng của Khmer Đỏ.

Khác hẳn với hình tượng hào hùng, bi tráng thường thấy trong thơ văn cách mạng, người lính chiến trong Đội trinh sát và con chó Sara dưới ngòi bút của Trung Sỹ được lột tả rất đời, rất người. Ẩn sau những dí dỏm, tếu táo, những bặm trợn, cục cằn đến thô lỗ là những hào hoa, gan dạ là trái tim biết thổn thức yêu đương; là sự mủi lòng thương cảm trước kẻ địch yếu thế. Là những phút giây phải gạt đi sĩ diện, lý tưởng cao xa để tìm lại sự cân bằng, để giành giật sự sống.

Đại ngàn hoang dại của xứ Chùa Tháp vốn hùng vĩ là thế nhưng ẩn sau nó luôn là vẻ u tịch, chết chóc, là những dữ dằn, khắc nghiệt luôn sẵn sàng nuốt chửng sự sống của con người. Những ngọn đèn dầu le lói trong phum sóc, những thị trấn heo hút, những nhà ga vắng lặng, những rặng thốt nốt xác xơ, những cánh rừng khộp âm ỉ cháy, những đứa trẻ gầy guộc, những thây người bu quanh bởi ruồi nhặng, côn trùng… tất cả những ký ức ấy được nhắc lại trong Đội trính át và con chó Sara là những mảnh ghép chân thực nhất cho thấy sự khốc liệt, tàn bạo của chiến tranh. Nó có sức ám ảnh khủng khiếp chẳng kém những trận mưa bom đạn.

Đội trinh sát và con chó Sara là những mảnh ghép chân thực nhất cho thấy sự khốc liệt, tàn bạo của chiến tranh.

Đội trinh sát và con chó Sara là những mảnh ghép chân thực nhất cho thấy sự khốc liệt, tàn bạo của chiến tranh.

Một số trích đoạn nổi bật

“Mấy tháng trời trong rừng toàn cơm vắt chấm muối, thiếu rau và thực phẩm nên lính tiểu đoàn cũng chẳng buồn kiêng nữa. Đám rau môn thục cằn trong các khe ẩm ướt, ngứa rã họng cũng tranh nhau hái. Kỳ đà cản mũi, rắn mối, rùa vàng hay con trút Sara lôi về bây giờ các ông chủ cũng nướng tất.

Mưa lúc nào mát mặt lúc ấy. Kệ đời, sống chết đã có số, nghĩ ngợi làm gì cho mệt. Những kẻ kiêng khem giờ lại chén đồ húy tợn nhất. Khi đã một lần vượt qua được điều kiêng kỵ dở hơi, khi đã thấu lẽ sống chết như tấc gang may rủi, thánh thần trong đầu bỗng rủ nhau biến đi sạch. Bom đạn chủ động tránh người, người sao tránh kịp.

Sara ươn ướt mắt, âu yếm ngắm ân nhân cũ trong chiếc áo vá rộng thùng thình của Phong. Bóng đêm giấu bớt đi vẻ khổ hạnh, phô ra những nét thanh tú của cô chập chờn trong ánh lửa. Hương ngọt đường cô chủ ngày xưa giờ có thêm mùi mồ hôi mặn vai áo lính. Đã lâu lắm những mùi đời thường thân quen này mới trở lại. Không biết bọn sáo nâu tai quái ngày ấy bây giờ còn quanh quẩn ven sông, hay đã bay mất tăm tích về phương trời nào.”

“Chiều đã muộn. Sau khi gom nhặt thi thể, tài sản dân chúng tử nạn, đội dân binh chính quyền bạn làm công tác kiểm kê di sản, tống táng nhân đạo dưới sự yểm trợ bảo vệ của các đơn vị lính Việt. Cả hai đoàn tàu nối nhau đưa dân sống sót chạy về ga xép Kamreanh, cách điểm phục kích vài cây số.

Đức vặt chiếc lá dầu tươi cuốn lại làm phễu, dốc mật ong từ chiếc thùng đại liên sang hai chiếc bi đông rỗng. Sara quẩn quanh trung đội trinh sát, liếm hết người nọ người kia. Chia tay nhau chốn đô hội phồn hoa, hội ngộ nơi chiến trường khốc liệt, cuộc đời quả thật vô thường”.

“Khúc quân hành bi tráng cất lên chậm rãi. Hơn ba trăm tay súng của Tiểu đoàn anh hùng, gương mặt sạm đen vì cháy nắng, hoặc xanh bủng vì sốt rét, hát Tiến quân ca như hát về cuộc chiến đời mình. Bóng cờ chung ấy dẫu chưa được phất lên trong cuộc chiến tranh bắt buộc, bởi vẫn còn chưa kịp duy danh định nghĩa, nhưng những gian khổ, những nỗi niềm riêng chia sẻ đã kịp liên kết, hòa chung dòng máu đồng đội, đồng bào.

Đức mấp máy môi hát khẽ. Những nẻo đường gập ghềnh xa nào đã đưa chúng tôi đến đây? Đến vùng rừng khát cháy của đất nước xa xôi này? Vai sát vai chung một đoạn chiến hào, chung một nắm cơm vắt thiu, một tấm áo trận chưa khô vết máu của thằng mặc trước. Đường vinh quang nào chỉ được xây bằng xác quân thù? Xây bằng cả xương, cả máu của anh em đồng đội chúng tôi nữa đấy..."

Tình Lê

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/giai-tri/sach/goc-nhin-khac-ve-cuoc-chien-tranh-bien-gioi-tay-nam-646259.html