Góc nhìn sinh viên Nhân văn Nam - Bắc về hành trang hội nhập trong kỷ nguyên số
Trong một sân chơi học thuật vừa diễn ra tại Hà Nội, sinh viên hai miền Nam – Bắc có dịp thể hiện quan điểm về những thách thức và cơ hội khi bước vào xã hội số. Những chia sẻ từ các đội thi đặt ra nhiều câu hỏi về năng lực thích ứng và bản lĩnh giữ gìn bản sắc cá nhân của sinh viên ngành Khoa học Xã hội và Nhân văn hiện nay.

Vòng chung kết “Hùng biện Tiếng Anh - AT 4.0” diễn ra vào sáng ngày 10/5/2025 tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Vòng tranh biện bằng tiếng Anh diễn ra giữa các sinh viên đến từ Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, xoay quanh chủ đề “Giới trẻ trong kỷ nguyên số – Tiềm năng và Thách thức”. Không đơn thuần là một hoạt động tranh biện, sự kiện lần này cho thấy phần nào cách sinh viên ngành xã hội tiếp cận các vấn đề công nghệ, từ AI, đạo đức số đến trách nhiệm công dân kỹ thuật số, những khái niệm đang ngày càng len sâu vào đời sống.

Các đội thi trình bày quan điểm trước hội đồng ban giám khảo.
Một số sinh viên tham gia cho biết, khi bước vào quá trình chuẩn bị và tranh biện, các bạn đều cảm nhận rõ hơn áp lực giữ gìn giá trị nhân văn trong bối cảnh môi trường học tập và giao tiếp ngày càng bị chi phối bởi thuật toán, nền tảng mạng xã hội hay xu hướng tự động hóa. Nhiều đội thi cũng bày tỏ lo ngại rằng, nếu không đủ tỉnh táo và bản lĩnh, người trẻ dễ mất định hướng cá nhân giữa dòng chảy thông tin liên tục và nhanh chóng.

Khoảnh khắc thi đấu gay cấn giữa các đội tại vòng chung kết toàn quốc.
Trong phần phát biểu mở đầu chương trình, đại diện nhà trường đã đề cập đến yêu cầu kép đối với sinh viên không chỉ tiếp cận công nghệ như một công cụ, mà còn phải chủ động định hình vai trò của bản thân trong dòng chảy đó. Không dừng lại ở việc theo kịp xu thế, sinh viên cần giữ được nền tảng tư duy nhân văn, điều vốn là thế mạnh nhưng cũng đang đứng trước nhiều thách thức khi môi trường học tập và xã hội ngày càng bị chi phối bởi công nghệ.

Phát biểu tại chương trình, GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh về vai trò của sinh viên trong việc làm chủ công nghệ và giữ gìn giá trị nhân văn giữa dòng chảy đổi thay.
Việc tổ chức một không gian tranh luận về vấn đề này giữa sinh viên hai miền cho thấy nhu cầu cấp thiết, cùng nhìn lại vai trò của thế hệ trẻ trong quá trình số hóa, không phải như người tiêu dùng thụ động, mà là những chủ thể có tư duy phản biện, có chính kiến và bản lĩnh. Sau gần hai tháng tranh biện, vòng chung kết toàn quốc đã khép lại với kết quả đội MIC Droppers (Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM) giành giải Nhất; đội SEntimental (Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN) đạt giải Nhì; hai đội Ba Con Gấu (Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM) và AIgnite (Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN) đồng giải Ba. Dù kết quả có sự phân định, nhiều sinh viên tham gia cho rằng giá trị lớn nhất các bạn nhận được không nằm ở thứ hạng, mà ở trải nghiệm rèn luyện tư duy phản biện, khả năng làm việc nhóm và việc nhìn lại vai trò cá nhân trong môi trường học tập chịu nhiều ảnh hưởng từ công nghệ.

Các đội thi chụp ảnh kỷ niệm sau khi nhận giải, thể hiện tinh thần đoàn kết và sự tự tin của thế hệ trẻ trong kỷ nguyên số.