Góc nhìn TTCK tuần đầu tiên năm 2025: Xác suất VN-Index vượt kháng cự 1.280-1.300 điểm không cao
Thị trường chứng khoán cần trợ lực từ các thông tin hỗ trợ và thanh khoản gia tăng để có thể bứt phá ra khỏi vùng kênh giá 1.280-1.300 điểm.
Đúng như kỳ vọng, các chỉ số chứng khoán Việt Nam đã chứng kiến xu hướng phục hồi tích cực trong tuần qua khi những rủi ro gần đây tạm thời lắng dịu.
Cụ thể, đà tăng của chỉ số sức mạnh đồng đô la (DXY) đã chững lại trong tuần qua giúp tỷ giá USD/VND liên ngân hàng “tạm thời hạ nhiệt” và giảm xuống dưới ngưỡng can thiệp của Ngân hàng Nhà nước. Điều này tạo điều kiện để Ngân hàng Nhà nước bơm trở lại lượng lớn thanh khoản (khoảng hơn 70.000 tỷ đồng) cho hệ thống ngân hàng trong phiên 23/12/-26/12, đảo ngược lại gần như hoàn toàn mức hút ròng gần 71.500 tỷ đồng trong tuần trước đó. Đây là diễn biến tích cực trong bối cảnh các ngân hàng thương mại đang “nỗ lực về đích tăng trưởng tín dụng trong những ngày cuối năm”.
Trước diễn biến đó, nhiều cổ phiếu ngân hàng đã chứng kiến đà tăng giá ấn tượng và là động lực chính thúc đẩy xu hướng đi lên của các chỉ số chứng khoán. Đồng thời, nhóm cổ phiếu đầu tư công cũng “dậy sóng” khi nhà đầu tư kỳ vọng Chính phủ sẽ đẩy mạnh đầu tư công trong năm tới để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy vậy, nhìn chung đà tăng giá chỉ diễn ra “cục bộ” ở một số nhóm ngành và mức độ lan tỏa chưa cao khi dòng tiền trên thị trường vẫn chưa có dấu hiệu nhập cuộc một cách mạnh mẽ.
Bước sang tuần giao dịch chuyển tiếp giữa năm cũ và năm mới, chuyên gia Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho rằng, thị trường chứng khoán trong nước có thể duy trì xu hướng vận động đi lên và chỉ số VN-Index sẽ kiểm định vùng kháng cự mạnh 1.280-1.300 điểm. Hiện tại, xác suất thị trường sớm vượt qua được vùng kháng cự mạnh này không cao, đặc biệt trong bối cảnh áp lực tỷ giá vẫn “chực chờ” và thị trường thiếu vắng thông tin hỗ trợ đủ mạnh. Do đó, nhà đầu tư nên tận dụng những phiên tăng điểm để giảm đòn bẩy và hạ bớt tỷ trọng cổ phiếu về ngưỡng an toàn, hạn chế giải ngân mới để giảm thiểu rủi ro.
Theo thống kê Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco), từ khi thành lập vào tháng 8/2000, VN-Index có 14/24 năm tăng điểm vào tháng 1. Dù không phải là tháng có tỷ lệ tăng cao nhất, nhưng tháng 1 là tháng có hiệu suất thị trường bình quân tốt nhất ở mức +4,9%, vượt trội so với tháng xếp thứ hai là +2,5%. Tuy nhiên, lưu ý về số năm phát triển của thị trường Việt Nam còn hạn chế, lượng mẫu tham khảo nhỏ nên ý nghĩa thống kê là không rõ ràng.
Để lý giải việc thị trường có xác suất tăng trong tháng 1 cao, ông Lê Đức Huy, Trưởng bộ phận Chiến lược Thị trường Agriseco cho rằng, có một số nguyên nhân sau: (1) Hoạt động cơ cấu danh mục giải ngân đầu năm của các quỹ, nhà đầu tư lớn được thực hiện mạnh mẽ; (2) Các chính sách hỗ trợ kinh tế của Chính phủ thường được đưa ra và áp dụng chính thức từ đầu năm tạo sự kỳ vọng cho giới đầu tư; và nguyên nhân cuối cùng cũng là nguyên nhân chủ đạo (3) Tháng 1 cũng đồng thời là mùa công bố báo cáo tài chính quý IV với xu hướng ghi nhận lợi nhuận tích cực trong cả năm, ngoài ra các doanh nghiệp cũng sẽ lên kế hoạch kinh doanh năm 2025 với nhiều kỳ vọng.
VN-Index đang giao dịch ở mức P/E khoảng 13 lần, tương đối thấp so với trung bình quá khứ. Với kỳ vọng lợi nhuận thị trường trong quý IV/2024 tăng 15% so với cùng kỳ, P/E forward của VN-Index chỉ còn khoảng 12 lần, đây là mức hấp dẫn nếu như so với mặt bằng định giá trong quá khứ và các nước trong khu vực. Dù lợi nhuận thị trường tăng trưởng không như kỳ vọng trong quý IV, mức định giá P/E hiện tại vào khoảng 13 lần cũng không phải mức cao và không có nhiều rủi ro điều chỉnh định giá cho thị trường chung.
VN-Index vẫn đang dao động trong kênh giá 1.200 - 1.300 điểm kéo dài từ giữa năm 2024 cho tới nay. Theo ông Huy, thị trường sẽ cần trợ lực từ các thông tin hỗ trợ và thanh khoản gia tăng để có thể bứt phá ra khỏi vùng kênh giá kể trên. Giai đoạn hiện tại, thanh khoản đã có sự cải thiện và kỳ vọng tiếp tục gia tăng trong đầu năm nhờ hiệu ứng tháng Giêng.
Tuy nhiên, nhà đầu tư hiện tại vẫn đang lo ngại các yếu tố rủi ro về tỷ giá có thể sẽ là lực cản khiến thị trường gặp khó khăn trong việc bứt phá khỏi vùng kháng cự 1.300 điểm.
Thị trường sẽ chưa thể bứt phá ngay khỏi vùng kháng cự kể trên và sẽ tiếp tục có các nhịp điều chỉnh, tái tích lũy từ bây giờ cho tới Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Nhà đầu tư có thể tận dụng các nhịp điều chỉnh này để tích lũy dần các cổ phiếu tốt với mặt bằng giá hấp dẫn.