'Góc quê' giữa chốn hoa lệ

Giữa Thành phố Hồ Chí Minh nhộn nhịp và hoa lệ có một quán ăn 'rặt' Quảng Trị. Dân Quảng Trị ở nơi đây vẫn coi đó như là 'góc quê'. Người trẻ thi thoảng ghé qua ăn một dĩa bánh ướt, tô cháo bột cho đỡ nhớ nhà. Người già mỏi gối chồn chân cũng tìm đến như là cách ngắn nhất để tìm một chút hương vị của quê hương.

 "Góc quê" giữa TP. Hồ Chí Minh của Thuận như một góc chợ ở làng quê Quảng Trị -Ảnh: Q.N

"Góc quê" giữa TP. Hồ Chí Minh của Thuận như một góc chợ ở làng quê Quảng Trị -Ảnh: Q.N

“Lạc” vào góc quê

Chiều cuối tuần, Ngọc Hiển – một thanh niên người Cam Lộ nhắn tin cho nhóm bạn đồng hương cũng đang làm việc tại TP. Hồ Chí Minh nói nhớ nhà. Làm việc cho một tờ báo ở đây mấy năm nay, ít nhất sáu tháng Hiển mới về thăm nhà được một lần. Hòa mình vào cuộc sống nhộn nhịp của TP. Hồ Chí Minh nhiều năm Hiển cũng quen, nhưng cứ mỗi cuối tuần đến chàng trai Quảng Trị này lại hay nhớ nhà, nhớ quê da diết. Hiển nói với nhóm bạn nhớ nhất là khói bếp của mạ khi đến bữa nấu cơm. Chợt một người trong nhóm nhớ ra một con hẻm. “Đi tìm quê thôi. Ở ngay giữa thành phố này. Sẽ không thể là mạ, là nhà, nhưng chắc chắn sẽ đỡ nhớ quê nhà Quảng Trị”, Trần Mạnh Chí, một thanh niên người Đông Hà đang làm việc cho Tập đoàn Hưng Thịnh ở Sài Gòn vừa nói vừa nháy mắt đầy ẩn ý.

Chưa đầy 10 phút, cả nhóm đồng hương Quảng Trị đã được Chí đưa đến một con hẻm ở đường Hoa Sứ, quận Phú Nhuận. Dừng lại trước một quán ăn, nhóm đồng hương Quảng Trị đã thốt lên đầy bất ngờ vì quen thuộc quá. Quán mang một cái tên cũng …Quảng Trị không kém: Cà Mèn.

Cảm giác đầu tiên khi bước vào quán là như một góc chợ xép ở quê và khác xa hoàn toàn với sự phồn hoa đô hội. Bàn ghế được chọn là kiểu bàn gỗ cũ và thấp. Đập vào mắt người nhìn ngay trên mảng tường lớn là hình vẽ một bà mẹ quê cùng đôi triêng gióng ngồi bệt bên đường bán đồ ăn vặt. Ở chiếc bàn ngay sát chân cầu thang trong cùng là những thúng, mẹt xếp kề nhau. Người Quảng Trị ở TP. Hồ Chí Minh nói rằng đây chính là góc “quê” nhất trong quán. Đến mức chỉ cần đến và nhìn vào đó thôi là như thấy mình đang ở quê nhà. Trên chiếc bàn cũng thấp lè tè, chủ quán bày ra đủ các món có thể khiến người xa quê nao lòng. Ở góc bên cùng là chiếc thau nhỏ có lớp lá chuối đựng bún lòng xào nghệ. Ở bên phải là nồi cháo bột vịt đặc vị ruốc và ném lá. Bên góc còn lại là thau bánh lọc trần đã rưới sẵn nước mắm ớt. Ở chính giữa là chiếc mẹt tre với chồng bánh ướt chưa kịp cuốn cùng dĩa thịt heo ba chỉ kiểu Phương Lang. Lùi vô một chút trên chiếc bàn khác kê sát vách là góc dành cho bữa cơm quê. Dân Quảng Trị ở đây thường nói vui với nhau rằng đó là góc “cơm của mạ”. Trên chiếc bàn này, tô mít thấu, dĩa dưa môn, nồi mắm thính được xếp gần nhau. Có hôm nồi cá bống hoặc gà kho ném được bày ra thay thế.

 “Mâm cơm của mạ” được Thuận nấu từ những nguyên liệu gửi từ quê vào và nấu theo cách Quảng Trị -Ảnh: Q.N

“Mâm cơm của mạ” được Thuận nấu từ những nguyên liệu gửi từ quê vào và nấu theo cách Quảng Trị -Ảnh: Q.N

Nhật Thuận – chủ quán – cũng là một thanh niên Quảng Trị xa quê. Thuận nói mấy hôm nữa là tròn 5 năm Cà Mèn có mặt ở TP. Hồ Chí Minh nên vừa ra bến xe nhận thêm ít đồ từ quê mình ở Hải Vĩnh (nay là Hải Hưng) gửi vào. Trong chiếc hộp Thuận bưng từ xe máy xuống có cuộn bánh ướt Phương Lang. Ngoài ra có thêm một ít dưa môn, mít trái và chai nước mắm cốt. Ở chiếc bao gửi kèm có thêm xấp lá chuối và ít cải con, bó lá ném. Trong chiếc hộp xốp nhỏ ướp sẵn đá là mấy ký thịt ba chỉ tươi rói.

Hiển cùng nhóm bạn như đang được về quê. Cả nhóm thưởng thức dần từng món rồi ngồi kể chuyện quê bằng giọng Quảng Trị mà không cần phải để ý đang gây tò mò cho người xung quanh. Những tuần sau đó, như một thói quen, góc quê này trở thành một điểm hẹn của nhóm đồng hương Quảng Trị mỗi cuối tuần. “Ở thành phố này, mỗi người một công việc. Nhưng cứ cuối tuần đến là lại tìm về quán. Chỉ cần ngồi ở đó lắng nghe cái vị cay nồng đầm đậm của những món ăn thôi đã thấy như ở nhà rồi”, Hiển nói.

Chập tối. Cà Mèn đón một vị khách khá lớn tuổi. Người đàn ông này bước xuống xe rồi đi thẳng vào quán như đã thành thói quen. Thuận cũng nhận ra khách quen nên chủ động sắp sẵn mấy món đồ ăn quen thuộc. Người này là ông Lê Quốc Phong, Giám đốc Công ty cổ phần phân bón Bình Điền Quảng Trị và là “người quen” của chương trình “Tiếp sức đến trường” cho tân sinh viên Quảng Trị nhiều năm qua. Xa quê vào TP. Hồ Chí Minh sống mấy chục năm, ông Phong nói mình nhớ quê nhiều lắm nhưng công việc không cho phép về nhiều. Quê ở Mai Xá, Gio Mai, ông cũng lớn lên từ đôi triêng gióng của mạ nên nhiều hôm ông thèm cảm giác được về quê ăn một bữa cơm quê với dưa cà đơn sơ. Cho đến khi ông biết đến góc Quảng Trị này, ông coi đây như là một phần của quê nhà để mỗi khi nhớ quê là ghé đến. “Nhiều khi đến chỉ để nhìn mấy món ăn kiểu Quảng Trị thôi cũng đủ nguôi ngoai nỗi nhớ nhà, nhớ quê”, ông Phong chia sẻ.

Mang hương vị Quảng Trị vào phố

TP. Hồ Chí Minh cách Quảng Trị cả ngàn cây số. Thuận nói không phải dễ để tạo ra một góc quê thuần chất Quảng Trị giữa chốn hoa lệ này. Nhưng Thuận vẫn quyết giữ chất quê tinh khiết nhất cho Cà Mèn. Năm năm qua, góc quê của chàng trai này vẫn chỉ dùng hoàn toàn sản vật từ quê gửi vô để chế biến thành các món ăn. Quê Thuận ở Hải Vĩnh (Hải Hưng, Hải Lăng hiện tại). Điều may mắn nhất với Thuận là có một nhà xe chạy tuyến Quảng Trị- TP. Hồ Chí Minh ở ngay sát nhà, nên tất cả những nguyên liệu đều được mẹ Thuận gửi theo xe này vào. Từ những thứ quan trọng như thịt heo, bánh ướt Phương Lang, bột gạo chuẩn kiểu Hải Lăng cho đến xấp lá chuối hay bó ném. “Nhiều khi cần gấp nguyên liệu mình còn phải nhờ xe trung chuyển đưa vô sân bay Phú Bài- Huế để nhờ máy bay chuyển vào. Không thể có lựa chọn khác vì trong đồ ăn Quảng Trị có cả mùi đất của quê hương”, Thuận nói.

Thuận tạo ra góc quê nơi đô hội này từ nhiều lý do. Không phủ nhận việc để mưu sinh nhưng lý do quan trọng nhất theo Thuận kể là từ những năm tháng theo học đại học ở thành phố này. “Đi dọc các con phố ở đây người ta bày la liệt các bảng hiệu và quán xá. Nào là mỳ Quảng, nào là bún Huế, nào là bún chả cá Đà Nẵng khiến mình tự thấy chạnh lòng. Quảng Trị cũng có nhiều món ăn ngon và độc đáo nhưng không thấy ai mang hình ảnh đồ ăn Quảng Trị vào phố như rứa”, Thuận nhớ lại.

 Món được nhiều người Quảng Trị xa quê thích nhất ở Cà Mèn là bánh ướt thịt heo Phương Lang -Ảnh: Q.N

Món được nhiều người Quảng Trị xa quê thích nhất ở Cà Mèn là bánh ướt thịt heo Phương Lang -Ảnh: Q.N

Về quê sau nhiều tháng xa nhà, được ngồi ăn bữa cơm đạm bạc kiểu Quảng Trị của mẹ, Thuận càng thấm thía giá trị đơn sơ mà đậm đà của món ăn quê mình. Thuận thấy “tự ái” hơn khi những người trong xóm “thách” kiểu “mần răng đem được đồ quê vào phố để người ở phố biết đồ ăn Quảng Trị cũng độc đáo không thua gì Huế hay Đà Nẵng”. Thuận bắt đầu cho góc Quảng Trị giữa TP. Hồ Chí Minh từ đó. Cái tên Cà Mèn cũng từ ký ức thời nhỏ của Thuận. Thuận từng dùng cà mèn mang cơm ra đồng cho ba mẹ. Nay dùng chính chiếc Cà Mèn “mang” đồ ăn Quảng Trị vào TP. Hồ Chí Minh.

Thuận là người đầu tiên mang đồ ăn Quảng Trị vào TP. Hồ Chí Minh theo cách thuần túy nhất. Khoảng ba năm sau thì nơi đây mới xuất hiện thêm một vài người khác bán cháo bột, bánh ướt Quảng Trị. Một số người đồng hương tìm đến Thuận hỏi cách mang đồ quê vô bán. Thuận hướng dẫn tỉ mỉ từng bước một từ cách gửi xe đến cách mua nguyên liệu từ quê cho đảm bảo chất lượng nhất. Thuận nói điều duy nhất mình nghĩ là để hình ảnh món quê Quảng Trị xuất hiện càng nhiều giữa TP. Hồ Chí Minh. “Phải hàng chục, hàng trăm cánh tay chung lại thì mới đưa hình ảnh Quảng Trị vào phố được”, Thuận nói.

Quốc Nam

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=155418