Gốc quê giữa phố Biên Hòa

* Từ hình hài của phố thị

Hình hài của đô thị Biên Hòa buổi đầu thế nào thật khó hình dung. Qua nhiều nguồn tài liệu, từ thời đặt đơn vị hành chánh cấp trấn rồi đến tỉnh Biên Hòa dưới thời vua Minh Mạng, Biên Hòa luôn là trung tâm của bộ máy hành chánh. Tỉnh Biên Hòa của thời kỳ Lục tỉnh Nam kỳ khá rộng, địa giới bao gồm nhiều tỉnh, thành thuộc Đông Nam bộ hiện nay. Giai đoạn thuộc Pháp, Biên Hòa phát triển với sự mở mang đường, phố, công sở, chợ… của chính quyền thực dân, với hình ảnh do người Pháp lưu lại có dáng dấp đô thị tập trung ven sông với Tòa Bố (nay là địa điểm trụ sở khối nhà nước tỉnh) làm trung tâm. Các thời kỳ về sau, đô thị Biên Hòa ngày càng phát triển từ trung tâm Tòa Bố và mở rộng ra như hiện nay với bộ mặt đô thị khá khang trang. Lịch sử phát triển đô thị Biên Hòa cũng không ngoài quy luật chung của đô thị trên thế giới từ vùng quê lên phố, từ quy mô nhỏ đến lớn với sự mở mang đường, phố và tập trung các công sở, dân số tăng lên… chỉ khác ở mốc thời điểm. Biên Hòa đô thị được hình thành và ngày càng được quy hoạch với chiều kích cả địa giới và không gian trong chính sách của thể chế quản lý, cũng chịu tác động bởi nhiều yếu tố dân cư, xã hội.

Phù điêu thần Hổ trong Dinh Biên Hòa

Phù điêu thần Hổ trong Dinh Biên Hòa

Cái lõi trung tâm của đô thị Biên Hòa có thể hình dung được với khu vực ven sông, mà một thời kỳ được tập trung khu vực Bình Trước, Châu Thành Biên Hòa. Nay, với đà phát triển mạnh mẽ với xu hướng mở rộng đô thị ra các hướng bên hữu sông Đồng Nai đoạn chảy qua Biên Hòa (tên gọi trước đây là Phước Long giang, Sông Phố) tính từ miệt thượng nguồn đổ về biển. Bên tả của sông Đồng Nai cũng được quy hoạch phát triển nhưng một phần địa giới đã được chia tách để hình thành tỉnh Sông Bé trước đây, Bình Dương sau này vốn dĩ thuộc Biên Hòa xưa. Dù phát triển nhưng trung tâm tỉnh lỵ Biên Hòa vẫn còn rừng khá nhiều, bao bọc với mảng xanh giáp Vĩnh Cửu, Hố Nai và khu vực Long Bình… Nội ô Biên Hòa hiện tại vẫn còn nhiều mảng cây xanh. Bây giờ, những vùng giáp cận này cũng đang trên đà lên phố thị mạnh mẽ. Từ nhiều chợ làng đến chợ Dinh (trung tâm lớn của cả vùng) và ngày nay một hệ thống chợ quy mô lớn cùng với các siêu thị hiện đại trên những trục đường ngang dọc, được mở rộng, nhà phố san sát nhau.

* Dấu quê trong tín ngưỡng

Trong nếp sống đô thị, tập quán của làng quê vẫn còn hiện diện, đặc biệt trong tín ngưỡng dân gian gắn với cộng đồng từ thuở khai khẩn. Mỗi làng xưa đều hình thành miếu rồi đình để thờ Thành hoàng với tên gọi là miễu làng, đình làng. Trên địa bàn các phường của Biên Hòa hiện nay, tên gọi đơn vị hành chính như thôn, làng, ấp đã thay đổi thành khu phố đến phường thì đình của làng vẫn còn đó. Một tập hợp hệ thống thần linh được nhận diện, tôn thờ, trong đó vẫn duy trì tục thờ thần Nông khá độc đáo. Khảo sát ở nội ô Biên Hòa, hễ có đình thì có ban thờ thần Nông. Cách bài trí ban thờ thần Nông thường là một bệ được xây bằng gạch, xi măng cao vừa phải ở phía trước hoặc một bên của sân đình, không có mái. Có một ngoại lệ, đình Bình Xương ở Cù lao Phố (P.Hiệp Hòa), ban thờ thần Nông được bố trí trong chánh điện. Trên các ban thờ thần Nông ở các đình, thường được ghi chữ (Hán, Việt) có nội dung đàn Xã tắc hay thần Nông, bài trí đơn giản. Nghĩa chữ Xã là thần Đất (thần Thổ Địa), Tắc là thần Lúa. Dưới các ban thờ ở một số đình vẽ những tranh của vùng quê, đồng lúa. Hằng năm, trong lệ cúng đình, các ban thờ được sửa soạn chu đáo và trình vật lễ để tỏ lòng biết ơn dù nghề nông như đã xa dần, biến mất trong đời sống hằng ngày của cư dân đô thị tại chỗ.

Thế hệ của những lớp cư dân qua đi, những gì của cha ông để lại được kế thừa nhưng cũng không được bảo toàn nguyên vẹn là một sự chọn lựa cả ngẫu nhiên và có chủ đích do thế hệ kế thừa… như lẽ thường tình trong quy luật của tự nhiên. Biên Hòa xưa khác và nay khác trong quá trình phát triển từ làng quê lên phố thị. Những tên gọi của cảnh quan và dấu ấn xưa cũng dần thay đổi trong môi trường, điều kiện xã hội khác. Thế nhưng, Biên Hòa vẫn còn đó những điều thú vị cho những ai khám phá, nét đô thị rõ trên diện mạo và quy hoạch phát triển nhưng những dấu chỉ của làng quê vẫn bàng bạc, có bóng hình nhiều dáng vẻ, sắc thái trong cuộc sống đô thị hiện đại.

Tục thờ thần Hổ cũng còn duy trì trong tín ngưỡng của cộng đồng dân cư nơi phố thị Biên Hòa tại các miếu riêng rẽ hay ban thờ trong phạm vi đình làng, nhắc nhớ về thời khai khẩn đầy khó khăn của vùng quê trong cảnh “lam sơn chướng khí”, thú dữ là mối đe dọa đến cuộc sống di dân. Nhu cầu để yên ổn cuộc sống, làm ăn nơi đất mới, người dân tín niệm cọp lên hàng thần linh, được tôn thờ với nhiều danh xưng: thần Hổ, Ông Hổ, Hương Cả, ông Cả, chúa Sơn Lâm, Sơn quân, Mãnh hổ đại tướng quân… tỏ lòng cung kính. Nơi thờ cũng bài trí đơn giản với bài vị có danh xưng liên quan hoặc tranh vẽ, tượng đắp nổi về chúa Sơn Lâm bệ vệ, oai phong trên vách. Lệ cúng đình xưa đều có lễ vật, tờ sớ và lời khấn nơi ban thờ thần Hổ. Đặc biệt, trong một miếu thờ ở nội ô Biên Hòa, nơi ban thờ chính là thủ vị của chúa Sơn Lâm được đội mão trang trí lộng lẫy là hiện tượng khá hiếm ở Nam bộ. Từ vùng Bửu Long đến Hóa An, An Hòa vẫn còn lưu truyền những câu chuyện mang nhiều màu sắc huyền hoặc về cọp hại người, cọp giúp người và người cảm hóa cọp, giúp cọp và đánh nhau với cọp. Rừng và thú dữ đã không còn trong phố Biên Hòa nhưng dấu ấn của tín niệm thời khẩn hoang được bảo lưu trong nét thờ đình làng cũng là dấu chỉ về làng xưa.

* Địa danh được lưu truyền

Biên Hòa xưa nhưng cũng không xa lắm là làng quê với tên gọi mộc mạc, dễ gợi nhớ với những đặc điểm của môi trường tự nhiên của cư dân nông thôn. Vì vậy, khi tra trên những tư liệu, bản đồ của những giai đoạn trước đây, ta thấy nhiều địa danh của cảnh quan rừng núi, của cây cối… xuất hiện nhiều trên địa giới được xác định là đô thị Biên Hòa hiện nay. Nhiều người trẻ đi lại nhiều lần trên những con đường nhựa, khu vực của nội ô Biên Hòa nhà cửa san sát giờ đây dễ dàng nhìn thấy, nhận diện, xác định khu vực như: tổ dân phố, khu phố, các hẻm gắn với con số, đường phố với tên nhân vật, sự kiện lịch sử… có biết, những nơi đó một thời gắn với những cái tên gọi như: Núi Đất, Lò Than, Lò Bò, Cây Chàm, Cây Xoài, Cây Me, Gò Me, Gò Ông Sảnh, Vườn Mít, Xóm Miễu, Rạch Gốm, Chợ Dinh… Chắc chắn, thế hệ đi trước đã sống trên những vùng đất này, chọn, đặt tên cho những vùng đất gắn với đặc điểm “trực quan sinh động” nhất theo cách nghĩ, cách cảm của mình và được cộng đồng chấp nhận, sử dụng. Bây giờ những núi, lò, gò, nổng không còn nữa, đã san bằng và vì thế nhiều tên gọi cũng đã biến mất trong địa danh hành chính của phố phường bởi đặc điểm “dễ thấy, rõ ràng” thì nay “đã mờ, đã mất”.

Bàn thờ thần Nông ở Dinh Biên Hòa

Bàn thờ thần Nông ở Dinh Biên Hòa

Có nhiều tài liệu viết về Biên Hòa xưa, Đồng Nai nay, trong đó có địa giới của TP.Biên Hòa hiện tại, những tên của tổng, thôn, làng, chợ, ấp… đã từng tồn tại nay xuất hiện không nhiều, có những địa danh đã mất hẳn, được thay thế. Điều này phản ánh sự dịch chuyển, thay đổi bởi nhiều yếu tố tác động của xã hội và thể chế quản lý qua những giai đoạn khác nhau. Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa nhìn từ những góc độ khác nhau để giải thích địa danh khá lý thú từ truyền thuyết dân gian, yếu tố lịch sử, ngôn ngữ, đặc điểm tộc người… Riêng với Biên Hòa, bạn muốn tìm những tên làng, thôn, xã, ấp xưa, xin được gợi ý thế này: hãy đến tìm hiểu những ngôi đình hiện nay. Nơi đó, ẩn chứa nhiều thông tin về lịch sử - văn hóa của vùng đô thị hiện nay từ tên gọi, tập quán, tín ngưỡng… bởi vì, chính đình làng gắn với đời sống của cư dân tại chỗ xưa và nay dẫu có sự tiếp nhận những đợt cư dân mới, cả tín ngưỡng, tôn giáo khác. Ngày nay, dù không còn có tên trên đơn vị hành chính, nhưng những tên gọi, địa danh xưa Biên Hòa vẫn còn được nhắc đến ở một số nơi như Vườn Mít (nơi có quảng trường trung tâm của tỉnh), bên cạnh đó là bảng hiệu cây xăng với hiệu danh này. Còn một số hẻm dù gắn bảng đánh số thứ tự nhưng người dân vẫn gọi là hẻm Cây Xoài, Cây Me, Cây Chàm… dù những hẻm đó đâu còn những loại cây trên nhưng nó sống bởi gắn liền trong dòng chảy dân gian của cộng đồng.

Phan Đình Dũng

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202007/goc-que-giua-pho-bien-hoa-3012173/