Gốc rễ của vấn nạn bằng giả: Quá coi trọng bằng cấp!
Theo các chuyên gia việc tuyển dụng, việc đề bạt quá chú trọng vào bằng cấp, dẫn đến tình trạng mua bán bằng, đào tạo trái phép.
Tình trạng mua bán bằng giả, đào tạo kém chất lượng trong đào tạo đại học, thạc sĩ, tiến sĩ thực sự đáng lo ngại. Mới đây nhất , câu chuyện 55 người mua văn bằng 2 tiếng Anh của Trường Đại học Đông Đô đi học tiến sĩ, hay vụ việc Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức đào tạo trước khi xét tuyển; sử dụng Giấy chứng nhận đạt trình độ tương đương B1/B2 của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân để làm điều kiện được xét tuyển NCS đợt 1 năm 2017 đối với 6 nghiên cứu sinh không đúng quy định, minh chứng cho vấn nạn này đang ở mức báo động ở nước ta.
Vấn đề dư luận đặt ra lúc này là làm sao có thể ngăn chặn kịp thời vấn nạn này để tránh việc dùng bằng giả “trèo cao, chui sâu” trong bộ máy nhà nước, gây nguy hại cho xã hội.
Liên quan đến những mặt trái này, trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, gốc rễ của vấn nạn bằng giả, bằng chất lượng thấp là do công tác tuyển dụng, đề bạt bổ nhiệm hiện nay quá coi trọng bằng cấp mà không coi trọng thực tài.
Vì coi trọng bằng cấp nên hệ lụy là người ta tìm cách mua bán bằng giả để hợp thức hóa điều kiện.
Ông Lê Như Tiến nhấn mạnh: “Thực trạng tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm chỉ cần bằng cấp, ngồi trong phòng lạnh để xem hồ sơ thì không bao giờ có cán bộ tốt.
Nhiều nước, công tác đề bạt, bổ nhiệm hoàn toàn khác nước ta khi họ đưa ra các bài phỏng vấn, bài test phù hợp với từng vị trí việc làm. Người tuyển dụng sẽ đưa ra các tình huống để hỏi các ứng viên chứ không xem hồ sơ.
Do đó, theo tôi nên thay đổi, không nên coi bằng cấp là trọng. Bởi, mỗi khi còn coi bằng cấp là trọng thì còn tình trạng mua bằng, bán điểm”.
Đồng quan điểm, ông Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, các cơ quan tuyển người không nên căn cứ vào bằng cấp mà căn cứ vào thực chất năng lực. Còn căn cứ vào bằng thì tuyển dụng sẽ chọn nhầm người.
Trong tuyển dụng, nên xem bằng cấp chỉ là một điều kiện để nhận người. Còn cơ bản nhất phải test người đó có đáp ứng điều kiện của người tuyển dụng không. Nếu như có bằng mà đưa công việc không làm được thì loại.
Ông Phạm Tất Dong lo lắng: “Còn lấy bằng cấp làm tiêu chí tuyển dụng như hiện nay thì còn mở đường cho những kẻ gian lũng đoạn đội ngũ cán bộ”.
Trước đó, Báo Nhà báo & Công luận đưa tin, căn cứ tài liệu thu giữ được, cơ quan điều tra xác định trường Đại học Đông Đô đã cấp bằng cử nhân ngành ngôn ngữ tiếng Anh cho 626 trường hợp, nhưng chỉ có 216 trường hợp có thông tin để xác minh.
Kết quả xác minh xác định trong số 216 trường hợp nêu trên có tới 193 người được cấp bằng không qua tuyển sinh, đào tạo hoặc không đủ điều kiện để cấp bằng (số bằng này được cấp trong giai đoạn từ tháng 5/2018 đến tháng 3/2019).
Đối với 193 trường hợp được Đại học Đông Đô cấp bằng giả, có 60 trường hợp sử dụng bằng giả này, trong đó có 55 người sử dụng để nộp hồ sơ xét tuyển nghiên cứu sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sỹ, 1 trường hợp thi nâng ngạch thanh tra viên, 1 trường hợp thi công chức, 2 trường hợp khai vào hồ sơ cán bộ, 1 trường hợp nộp hồ sơ xét tuyển thạc sỹ.
Ngoài ra, cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an cũng làm rõ, mặc dù Đại học Đông Đô không được cấp phép đào tạo văn bằng 2 nhưng từ năm 2015, Bộ Giáo dục & Đào tạo vẫn cho đăng tải thông báo chỉ tiêu hệ văn bằng 2 chính quy của trường này lên Cổng thông tin của Bộ.
Việc các đơn vị, cá nhân thuộc Vụ Kế hoạch tài chính và Vụ Giáo dục đại học thực hiện thông báo chỉ tiêu tuyển sinh, đăng tải đề án tuyển sinh trong đó có chỉ tiêu văn bằng 2 lên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GĐ&ĐT cho trường Đại học Đông Đô trong khi trường này chưa được Bộ GĐ&ĐT cấp phép là có dấu hiệu vi phạm quy định về đào tạo cấp bằng đại học thứ 2 của Bộ trưởng Bộ GĐ&ĐT. Cần làm rõ trách nhiệm liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật.