Gốc rễ vấn đề cải thiện môi trường kinh doanh
Cải cách thủ tục hành chính đã có nhiều chuyển biến đáng ghi nhận, tuy nhiên, vẫn còn những chính sách, quy trình gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân chưa được giải quyết.
Thông tư 24/2023/TT-BCA quy định về cấp, thu hồi đăng ký, biển số xe cơ giới, có quy định bắt buộc các doanh nghiệp, tổ chức phải tiến hành đăng ký xe cơ giới tại địa phương đặt trụ sở đăng ký kinh doanh, bất kể phương tiện đó được sử dụng ở địa phương nào.
Quy định này gây cản trở đối với các đơn vị cho thuê tài chính, bởi nhiều doanh nghiệp sử dụng dịch vụ thuê tài chính đối với phương tiện giao thông để phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Ông Phạm Xuân Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam, cho biết, các thành viên của hiệp hội đã mất nhiều hợp đồng trong năm qua do quy định mới. Kiến nghị đã được gửi tới các cơ quan liên quan, được tiếp thu nhưng đến nay vẫn chưa có phản hồi.
Kể lại câu chuyện trên tại Hội thảo "Kinh tế Việt Nam 2024: Nỗ lực phục hồi trong bối cảnh nhiều bất định", ông Hòe cho biết, quy định bất cập là hệ quả của việc số hóa những thủ tục hành chính trong khi quy trình vẫn diễn ra như cũ, không có sự đổi mới, cập nhật cho phù hợp, dẫn đến việc cơ quan chức năng “đẩy khó” sang cho người dân, doanh nghiệp.
Khoảng cách giữa cam kết với hành động
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký kiêm Trưởng ban pháp chế Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), ghi nhận những nỗ lực trong cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh của toàn bộ máy chính trị trong thời gian qua. Điều này phần nào thể hiện qua những phiên họp thường kỳ về xây dựng pháp luật của Quốc hội hay những con số khảo sát cộng đồng doanh nghiệp ngày càng có xu hướng tích cực.
Một trong những bước tiến lớn về cải thiện môi trường kinh doanh thời gian gần đây được ông Tuấn chỉ ra là Luật Đất đai (sửa đổi) đã giải quyết tốt vấn đề chồng chéo, xung đột giữa các luật, thực hiện mạnh việc phân cấp, phân quyền, giao quyền nhiều hơn cho chính quyền địa phương để tạo thuận lợi về thủ tục cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, ông Tuấn nhìn nhận, kết quả công tác cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính vẫn còn khoảng cách so với thực tiễn và so với những cam kết, tuyên bố chính trị đầy mạnh mẽ.
Nhiều vấn đề dù đã được doanh nghiệp, các hiệp hội, tổ chức phản ánh và được tiếp thu, ghi nhận nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để, có thể kể đến như quy định bổ sung iod vào thực phẩm, yêu cầu doanh nghiệp vận tải gắn camera trên xe để phát trực tiếp về cơ quan quản lý, hay quy định hợp quy với thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi.
Không ít những quy định được đặt ra một cách hết sức kệch cỡm, ví dụ như kiểm soát chất lượng thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi còn nghiêm ngặt hơn dược phẩm và thực phẩm dùng cho con người.
Lý giải điều này, ông Tuấn chỉ ra một vấn đề là kỷ luật, kỷ cương bộ máy hành chính chưa cao, dẫn đến dù ban hành chính sách tốt nhưng không được thực thi hiệu quả, không đem lại ý nghĩa thực tiễn.
Điều này xuất phát từ thực tế là bộ máy không có động lực thực thi chính sách. “Lấy ví dụ như bộ máy hành chính ở địa phương, công việc vất vả, thu nhập thấp nhưng lại rất rủi ro. Nếu không tạo cơ chế về lợi ích, an toàn thì không thể bắt họ thực thi chính sách một cách bền vững”, đại diện VCCI nói.
Theo PGS.TS Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), vấn đề là bộ máy nhà nước hiện tại đang quá cồng kềnh, thiếu cần thiết.
“Tại sao ngày xưa lại có câu chuyện loại bỏ một giấy phép con thì lại đẻ ra tận ba cái? Vì có những bộ máy phải chứng tỏ sự tồn tại của họ, chứng tỏ rằng họ còn việc để làm. Vì vậy, cách tốt nhất là tinh giảm bộ máy, giảm sự can thiệp của Nhà nước vào thị trường”, ông Bá nhấn mạnh.