Góc sáng tạo đầy màu sắc ở ngôi trường vùng cao

Với mong muốn giúp trẻ có cơ hội tiếp xúc với nét đẹp truyền thống, phong tục tập quán của địa phương, thầy cô giáo vùng cao trường mầm non Thành Sơn (Bá Thước) đã biến những góc phòng học thành 'nhà truyền thống' thu nhỏ với những đồ vật của đồng bào các dân tộc.

Nhắc đến trường mầm non Thành Sơn ắt hẳn trong số nhiều người sẽ vô cùng ấn tượng với 3 thầy giáo trong tổng số 20 giáo viên của trường, họ không quản khó khăn, định kiến về giới, hết lòng tận tụy với trẻ em vùng cao.

Trường hiện có 10 nhóm lớp, với 5 điểm trường, điểm xa nhất cách trung tâm 12 km, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học còn nhiều khó khăn, nhiều hạng mục công trình xuống cấp, hư hỏng, đặc biệt đường đến trường của các em đi lại khó khăn, phần lớn đường đất, đồi núi, sông suối.

Học sinh nơi đây chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số (95% dân tộc Thái, 5% dân tộc Mường…) bố mẹ quanh năm làm nương rẫy không thường xuyên chăm lo con cái, điều kiện kinh tế còn khó khăn, mùa mưa giáo viên và học sinh rất khó khăn khi di chuyển đến các điểm trường.

Thầy Trịnh Hồng Quân, Hiệu trưởng nhà trường cho biết hàng năm việc huy động trẻ em trong độ tuổi ra trường đã khó, việc giữ chân các em ở lại cũng là bài toán nan giải với nhà trường. Hướng đến mục tiêu phát triển toàn diện của trẻ, nhà trường trang trí trường, lớp bằng những vật dụng, đồ dùng đồ chơi quen thuộc với đời sống hàng ngày.

Mỗi lớp học có các góc chơi phù hợp độ tuổi, được sắp xếp gọn gàng, khoa học. Góc thư viện sử dụng tranh, ảnh sách, đặt ở những nơi có nhiều sáng… Các góc đều có ranh giới rõ ràng, hợp lý giúp cô và trẻ dễ quan sát, tìm hiểu… qua đó giúp trẻ “chơi mà học, học mà chơi”.

Theo thầy Quân, việc trang trí tạo thành các góc sáng tạo, tận dụng từ những vật dụng sẵn có của địa phương góp phần giúp trẻ có thêm sân chơi, trải nghiệm bổ ích.

Trung Lê

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/giao-duc/goc-sang-tao-day-mau-sac-o-ngoi-truong-vung-cao/21658.htm