Gói cứu trợ kinh tế mới trị giá 1.800 tỷ USD của Mỹ: Kỳ vọng mong manh
Gói cứu trợ kinh tế mới trị giá 1.800 tỷ USD nhằm khắc phục những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đến nền kinh tế Mỹ đang gặp một số bất đồng từ các nghị sĩ đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa. Trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang đến gần, kỳ vọng vào việc đạt được một thỏa thuận cho gói kích thích kinh tế mới này đang hết sức mong manh.
Đại dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế Mỹ, khiến hàng chục triệu người lao động mất việc làm.
Tháng 3 vừa qua, Đạo luật Cứu trợ, Hỗ trợ và An ninh kinh tế (CARES) đã được ban hành nhằm hỗ trợ nền kinh tế Mỹ vượt qua đại dịch Covid-19. Hiện các điều khoản chính trong gói chi tiêu 2.200 tỷ USD theo Đạo luật CARES đã hết hạn từ cuối tháng 7 và cần một gói cứu trợ mới trong bối cảnh dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu cải thiện tại Mỹ. Tiến trình đàm phán giữa chính quyền Mỹ và đảng Dân chủ về gói cứu trợ kinh tế bắt đầu từ hôm 7-8-2020 nhưng đến nay vẫn đang bất đồng về mức chi tiêu.
Tuần trước, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề xuất gói cứu trợ kinh tế trị giá 1.800 tỷ USD nhằm tìm cách thuyết phục các nghị sĩ đảng Dân chủ. Đề xuất này cho thấy sự thay đổi đáng kể của Tổng thống D.Trump. Trước đó, ông đã hủy các cuộc đàm phán với phe Dân chủ về gói cứu trợ với lý do không cung cấp thêm khoản cứu trợ mới nào cho các doanh nghiệp gặp khó khăn và người lao động thất nghiệp. Đề xuất mới này cũng cao hơn so với đề xuất 1.600 tỷ USD mà đảng Cộng hòa đưa ra trước đó, nhưng vẫn thấp hơn mức đề xuất 2.000 tỷ USD của đảng Dân chủ. Kết quả là cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều cảm thấy không hài lòng.
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cho rằng, đề xuất của chính quyền Donald Trump vẫn còn thiếu một kế hoạch mang tính chiến lược để kiểm soát sự lây lan của đại dịch Covid-19 và nguồn vốn dành cho chính quyền bang cũng như hỗ trợ các hộ gia đình còn quá ít. Bà N.Pelosi kêu gọi áp dụng lại chương trình trợ cấp thất nghiệp bổ sung 600 USD/tuần (thay vì chỉ 400 USD/ tuần như đề xuất của Chính phủ Mỹ).
Trong khi đó, đảng Cộng hòa cũng tỏ ra không đồng thuận với đề xuất 1.800 tỷ USD nói trên. Theo đảng Cộng hòa, con số này quá cao và một số khoản tiền được dùng vào mục đích không hợp lý, đặc biệt là trợ cấp y tế tối đa cho những người tham gia chương trình Obamacare - chương trình bảo hiểm sức khỏe bắt buộc của Chính phủ Liên bang dành cho những gia đình, cá nhân có thu nhập thấp.
Mỹ hiện có hơn 8 triệu trường hợp nhiễm Covid-19, chiếm hơn 20% số người bệnh trên toàn thế giới. Đại dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế đầu tàu thế giới, khiến hàng chục triệu lao động Mỹ mất việc và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lao dốc 31,7% trong quý II vừa qua.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, gói cứu trợ mới này của Chính phủ Mỹ sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp duy trì nhân viên, ngăn chặn làn sóng công ty phá sản và bảo đảm hỗ trợ người lao động mất việc làm. Gần đây, mặc dù nhận định nền kinh tế đang tự phục hồi “mạnh mẽ”, song Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow cho rằng một gói hỗ trợ với mục tiêu hướng tới những đối tượng cụ thể sẽ là công cụ trợ giúp đắc lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Còn Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell đánh giá, chu trình phục hồi kinh tế chậm chạp và kéo dài có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng vốn đã hiện hữu trong nền kinh tế Mỹ.
Với những quan điểm trái chiều trên, gói cứu trợ kinh tế khẩn cấp mới của Mỹ để khắc phục hậu quả do dịch Covid-19 nhiều khả năng sẽ không thể thông qua trước cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào ngày 3-11 tới. Xem ra, hy vọng của doanh nghiệp và người dân Mỹ về một khoản cứu trợ cần thiết trong thời điểm này đang thực sự mong manh.