Gội đầu ở Lung Ta, cơm mới Mường Tè qua Mèo Vạc 'vỗ mông' tỏ tình
Biến hoạt động văn hóa trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn không chỉ để giữ gìn bản sắc dân tộc, mà còn góp phần giúp ngưởi dân có cuộc sống ổn định và phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương theo hướng bền vững.
Ngày Tết, trong cái se se lạnh ngọt ngào của gió xuân, việc ngao du vãn cảnh trên khắp mọi miền đất nước cùng với người thân yêu đã trở thành thông lệ hàng năm của nhiều gia đình.
Những khách đam mê khám phá hay chọn vòng cung Đông Bắc hoặc Tây Bắc Việt Nam, bởi lẻ chỉ một cuộc hành trình khách có thể vừa được dịp chiêm ngưỡng cảnh quan thiên nhiên hoang dã miền núi cao, vừa có nhiều cơ hội hòa mình vào không khí lễ hội đánh dấu sự khởi đầu năm mới mang sắc thái đặc trưng riêng biệt của hơn 30 dân tộc đồng bào anh em.
Các công ty du lịch có thể biến hoạt động văn hóa trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, không chỉ để giữ gìn bản sắc dân tộc, góp phần giúp ngưởi dân có cuộc sống ổn định và phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương theo hướng bền vững.
Nghi lễ gội đầu gột rửa đen đủi
Quả thực, ngày xuân từ thôn bản nơi sơn cùng thủy tận cho đến khu thị tứ huyện xã hết thảy đều nô nức mở hội và dù quy mô tổ chức lớn hay nhỏ, hình thức khác nhau song bao hàm nhiều ý nghĩa nhân văn.
Mang yếu tố tâm linh, hàng năm theo truyền thống cứ vào chiều 30 Tết, phụ nữ dân tộc Thái trắng sống tại huyện Quỳnh Nhai, Sơn La (Tây Bắc) đều phải tiến hành nghi lễ gội đầu hay còn gọi là “Lung Ta” tại Sông Đà.
Một câu chuyện cổ dân tộc Thái kể về Nàng Han - một nữ tướng người Thái có tài thao lược cầm binh đánh giặc. Năm kia, sau một trận đánh khốc liệt ngoài biên giới, đoàn quân trở về đúng ngày 30 Tết âm lịch, nàng ban lệnh cho dừng chân, lập doanh trại bên sông để nghỉ ngơi, tắm gội, ăn mừng chiến thắng và chuẩn bị đón năm mới.
Nhằm tỏ lòng biết ơn công lao của nàng, người dân cho lập miếu thờ đời đời nhang khói. Họ cũng lưu giữ phong tục gội đầu để gột rửa những xui rủi, oan trái trong năm cũ và cầu mong năm mới được nhiều điều may mắn, viên mãn.
Huổi Só theo tiếng dân tộc bản địa có nghĩa là khe suối, cũng là địa danh của một xã nằm bên hữu ngạn sông Đà có vị trí độc đáo tiếp giáp 3 tỉnh: bên cạnh, phía hạ lưu sông là huyện Quỳnh Nhai - Sơn La, bên kia sông thuộc huyện Sìn Hồ - Lai Châu và Huổi Só thuộc huyện Tủa Chùa - Điện Biên. Tuy ở nơi sơn cùng thủy tận, khách miền xuôi ít người biết tới nhưng hàng năm vào sáng mùng 4 Tết, ở bến sông tấp nập thuyền sắt với đủ kích cỡ lớn nhỏ ra vào chở người dân đi trẩy hội.
Còn trên bờ nổi bật tông màu chàm đen trang phục của người phụ nữ Dao Làn Tẻn hay còn gọi Dao áo dài, quần chẹt,... đi chơi Tết. Họ là cư dân sống phần đông phân tán, có nơi chỉ năm bảy nóc nhà bên sông vừa làm nương rẫy trên gò đồi vừa giăng lưới, đánh bắt cá mưu sinh. Bởi xa xôi cách trở nên việc đi lại, giao lưu, vui chơi giải trí rất hạn chế, vì vậy mỗi năm một lần đến Huổi Só để gặp gỡ chúc Tết người thân và xem các trò chơi truyền thống.
Song nhiều người bản địa cho rằng, ngày hội được xem như là mùa kết duyên của trai gái người Dao khi có dịp quen biết, tìm hiểu, bày tỏ tình cảm với nhau và chắc chắn sau hội sẽ có nhiều đôi nên vợ nên chồng.
Tết cơm mới
Không thể không nhắc tới lễ hội Khù Sự Chà còn có tên Hồ Sự Chà, tức Tết cơm mới của người Hà Nhì sống tại huyện biên giới Mường Tè - Lai Châu. Lễ hội thường tổ chức đúng ngày Thìn, tháng 11 âm lịch.
Trong tâm thức người Hà Nhì, ngày Tết là ngày kiêng kỵ “động tay động chân” làm việc đồng thời các gia đình rất coi trọng việc cúng lễ tổ tiên. Dù lễ vật mỗi gia đình có khác nhau nhưng không thể thiếu: bát canh nấu giò heo, đĩa thịt lợn, bánh dày, bánh trôi, xôi, rượu trắng,... thể hiện lòng thành kính hiếu thuận với bề trên.
Để chuẩn bị thực phẩm 3 ngày Tết, nhà nhà mổ lợn: một phần làm cỗ Tết, phần còn lại sẽ chia cho con cháu, họ hàng hưởng lộc.
Một trong những hoạt động đượm chất tâm linh vào ngày đầu năm mà người Hà Nhì vẫn còn bảo lưu đến ngày nay là tục xem bói bằng gan lợn để tiên đoán mùa màng, vận mệnh gia đình trong năm mới giống như người Kinh xem chân gà cúng vào mùng 3 Tết.
Khách phương xa đến nhà chơi trong mấy ngày Tết là điềm lành nên được gia chủ đón tiếp ăn uống nồng hậu như đãi người thân yêu. Và chén rượu thơm nồng được mời nhau liên tục là cầu nối cho tình cảm chủ, khách thêm trân quý.
Sau bữa cơm họp mặt gia đình, mọi người - nhất là phụ nữ - xúng xính trong bộ trang phục dân tộc rực rỡ sắc màu hoa văn để đi chúc Tết người thân hoặc kéo nhau ra xã tham dự những trò chơi dân gian như đánh cù, hát đối và đánh đu, bập bênh,... thể hiện ý nghĩa phồn thực.
Nhưng cuộc vui đáng chờ đợi nhất chính là đêm hội xòe với sự góp mặt của tất cả người dân trong bản, bởi theo quan niệm của người Hà Nhì, hát múa đầu năm sẽ mang đến nhiều niềm vui, nhiều may mắn cho mọi nhà. Trong thanh âm rộn rã của trống, thanh la, chập cheng, tiếng ống nứa gõ hòa lẫn tiếng hát, những vòng xòe của dân bản bao quanh đống lửa được đốt bừng lên soi sáng cả khoảng sân, lúc nhịp nhàng, uyển chuyển, lúc sôi động, tưng bừng làm cho mọi người càng lúc càng thân thiết nhau hơn. Cuộc vui thường kéo dài đến nửa đêm nhưng có khi thâu đêm suốt sáng.
Tiếng khèn và tục “vỗ mông” của người Mông
Với người H’mông - tộc người luôn sống trên triền núi cao heo hút cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) ở Đông Bắc, cây khèn là một câu chuyện dài bởi ngoài kỹ thuật diễn tấu và kết hợp với những điệu múa khèn,... những giai điệu phát ra khi dập dìu, réo rắt lúc vi vu tựa tiếng gió trở thành giai điệu hẹn hò là tâm tư, tình cảm của trai gái yêu nhau. Khèn hội tụ bè bạn trong bản, là người bạn chung thủy những lúc cô đơn giữa núi rừng hoang dã, tịch liêu.
Sâu xa hơn, tiếng khèn là cầu nối giữa con người với tổ tiên, các đấng thần linh trong thế giới tâm linh và biểu lộ sự tiếc thương, than khóc của những người sống đối với người thân yêu đã qua đời.
Để chế tác được một chiếc khèn đẹp, chất lượng phải bỏ ra nhiều công sức và không ít thời gian. Trước tiên, các nghệ nhân phải tìm gỗ pơ mu, nghiến hoặc cây xoan độ dài tầm cánh tay rồi để trên gác bếp sấy khô đề phòng sau này chất liệu bị vênh, nứt và chống mối mọt... Sau đó, tạc và bào thành thân khèn gồm hai phần: ống thổi và bầu khèn.
Tiếp tục bổ đôi và khoét rỗng bầu khèn, đồng thời dùi đường chỉ thông suốt với miệng ống thổi. Sau đó ghép ống thổi và bầu khèn cho thật chặt, thật khít, không được hở, thoát hơi. Thông thường họ còn dùng vỏ cây mỏng cột chặt chung quanh bầu khèn, cũng là cách trang trí cho cây khèn thêm trang nhã.
Phần khó nhất là khâu khoét lỗ trên bầu khèn để lồng 6 ống trúc có độ dài ngắn khác nhau đã được lắp đặt lưỡi gà bằng đồng lá xuyên qua. Cuối cùng, dùi một lỗ trên mỗi ống để khi thổi lên người ta dùng ngón tay bấm tạo ra thanh âm trầm bổng và nhiều bè. Khèn là biểu tượng văn hóa người Mông, được xem kỹ thuật làm khèn hoặc nghe diễn tấu cùng với múa khèn qua những động tác khum người nhún nhảy, bước đảo, bước quay là một trải nghiệm thật thú vị.
Đông tàn xuân đến, bên cạnh các lễ hội nhuốm mầu huyền bí như lễ cấp sắc của người Dao, lễ nhảy lửa của người Pà Thẻn,... người H’mông sống tại huyện Mèo Vạc, Hoàng Su Phì - Hà Giang thường hay tổ chức hội Gầu Tào, hội chọi dê vào mùng 4 Tết trước là cầu phúc, cầu tự sau là mang đến cho bà con dân bản những hoạt động lành mạnh, sảng khoái ngày đầu năm.
Xuân đến không chỉ mang đến niềm vui mà còn là dịp trai gái dạo chơi, gặp gỡ vui đùa và tỏ tình qua tục “vỗ mông” - một phong tục rất riêng của dân tộc Mông sống tại huyện Mèo Vạc. Thật ra, “vỗ mông” chỉ là cái cớ bởi trước đó họ đã có dịp tìm hiểu và đã biểu lộ “tình trong như đã mặt ngoài còn e”. Đây là phong tục có từ lâu đời, tuy nhiên, do sự giao thoa văn hóa và ảnh hưởng cuộc sống hiện đại nên dần dần bị quên lãng, thế hệ sau này ít người biết đến. Từ năm 2014 tới nay, ngành văn hóa đã phục dựng lại tục “vỗ mông” trong hội xuân để làm phong phú thêm kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của địa phương.
Trần Thế Dũng
(Công ty Du lịch Thế Hệ Trẻ TP.HCM)