Gỏi gà măng cụt, ăn một lần là nhớ
Vị chua ngọt tự nhiên của trái măng cụt quyện với vị ngọt dai của thịt gà, béo của đậu phộng kèm ít rau rém ăn kèm tạo nên hương vị thanh mát. Món gỏi gà măng cụt sẽ khiến nhiều người ăn một lần là nhớ mãi.
Là loại trái cây chỉ có vào mùa hè, măng cụt được trồng nhiều nơi ở miền Tây, trong đó có Kiên Giang. Vào mùa này nhiều người tranh thủ làm món gỏi măng cụt để cùng thưởng thức với gia đình.
Măng cụt được chọn để làm gỏi là những trái măng cụt còn sống, vỏ còn xanh nhưng phần ruột bên trong thì vừa chín tới, để khi tách vỏ phần ruột vừa có vị ngọt, vừa có vị chua nhẹ và vị chát lạ miệng nhưng vẫn giữ được độ giòn.
Món gỏi gà măng cụt được chế biến khá công phu, nhất là công đoạn tách vỏ trái măng cụt để lấy phần thịt làm gỏi. Phải tách khoảng 5kg măng cụt mới thu được 1kg thịt. Vào đầu mùa, giá một ký thịt măng cụt khoảng 450.000 đồng đến 550.000 đồng.
Gỏi gà măng cụt không chỉ là món ăn có hương vị thơm ngon mà còn được ưa chuộng bởi giá trị dinh dưỡng. Măng cụt chứa nhiều vitamin, đặc biệt là chất xơ giúp đẩy nhanh quá trình tiêu hóa thức ăn...
Chị Nguyễn Thị Ánh Nguyệt, ngụ TP. Rạch Giá (Kiên Giang) cho biết, đầu mùa đến giờ, gia đình chị mới được thưởng thức món gỏi măng cụt. Gia đình chị ai cũng thích món ăn này vì lạ miệng. “Tôi thích gỏi gà măng cụt vì thịt gà ngọt tự nhiên, vị giòn ngọt, chua nhẹ kết hợp với rau răm, cà rốt, đậu phộng... kích thích vị giác. Nếu muốn ăn đậm đà hơn thì chấm với nước mắm chua ngọt”, chị Nguyệt chia sẻ.
Măng cụt mua về được ngâm trong nước muối và nước cốt chanh pha loãng cho bớt mủ. Sau đó dùng dao gọt trực tiếp dưới vòi nước xả để mủ không dính vào lưỡi dao, dễ dàng rửa sạch lớp mủ của trái măng cụt. Tách vỏ xong, phần thịt được cắt khoanh ngâm trong nước đá tầm 10 phút để tăng độ giòn và giảm vị chát. Theo nhiều bà nội trợ, sử dụng măng cụt còn sống thì khi cắt sẽ giữ nguyên hình dạng bông hoa trông đẹp mắt, còn lúc trộn gỏi sẽ không bị dập.
Để làm món gỏi măng cụt ngon, tùy theo sở thích của mỗi người có thể dùng thịt gà hoặc ba rọi heo, tôm, mực... Nếu làm gỏi gà thì phải chọn gà thả vườn, bởi gà thả vườn có độ săn chắc, ngọt mềm giúp món ăn thêm bắt vị.
Để đậm vị hơn, trong khi luộc gà bạn có thể thêm một chút gia vị vào để dậy mùi thơm hấp dẫn; ngoài ra nước luộc gà cũng có thể nấu cháo, ăn kèm với gỏi thì tuyệt vời.
Thịt gà sau khi luộc chín, để nguội rồi xé miếng vừa ăn, trộn với ít nước mắm chua ngọt. Cà rốt bào sợi, hành tây xắt mỏng, hành phi, đậu phộng rang, rau răm và vài lát ớt, thêm chút nước mắm chua ngọt trộn đều.
Trên chiếc mẹt tre lót lá chuối, món gỏi gà măng cụt được bày ra. Gắp một miếng măng cụt chua chua, ngọt ngọt, giòn giòn kẹp với thịt gà dai dai, bùi bùi của đậu phộng và các loại rau hòa quyện vào nhau, tạo nên hương vị thanh mát, ăn một lần là nhớ mãi.
Bài và ảnh: THỦY TIÊN
Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//am-thuc/goi-ga-mang-cut-an-mot-lan-la-nho-13759.html