Gói Hà Nội vào trong chiếc hộp
'Hà Nội Reo Vang Reo' là dự án trò chơi giáo dục vừa ra mắt của nghệ sĩ piano Trang Trịnh và các cộng sự. Từ chiếc hộp kỳ lạ, trẻ em có thể khám phá và yêu Hà Nội theo cách của mình.
Điểm nhấn và tính nhân văn của dự án phi lợi nhuận còn được thể hiện qua việc trao tặng hộp cho những em nhỏ đang điều trị ở các cơ sở y tế tại Hà Nội. Tương ứng với mỗi một chiếc hộp được mua, sẽ có một chiếc hộp tương tự được gửi tặng.
Hà Nội của con là gì?
Chiếc hộp trò chơi giáo dục “Hà Nội Reo Vang Reo” dành cho trẻ từ 2 tuổi trở lên, bao gồm 5 hoạt động theo dấu chuyến phiêu lưu kỳ thú của Bi và Mi quanh Hà Nội. Các bé có thể thỏa sức sáng tạo với Trò chơi bản đồ Hà Nội tò mò, Truyện Hà Nội của tớ, Tranh tô màu Hà Nội rực rỡ, Xếp hình gỗ Hà Nội líu lo, Khám phá các biểu tượng của Hà Nội, Tập nhảy múa theo bài hát “Reo vang bình minh” (nhạc sĩ Lưu Hữu Phước) với phiên bản phối mới của nghệ sĩ trẻ Thế Anh, thể hiện bởi các giọng ca nhí từ Young Beat School of Music. Ngoài việc phát triển các kỹ năng IQ, EQ và CQ ở trẻ, chiếc hộp còn tạo một không gian gắn kết các thành viên trong gia đình, giúp các bạn nhỏ kết nối với thành phố và tiếp nhận thông điệp về sự sẻ chia.
Bắt nguồn từ cuộc thi ý tưởng cộng đồng Vì một Hà Nội đáng sống (tài trợ từ Cecem PPWG, Đại sứ quán Australia), lúc đó Trang cùng với Đỗ Tường Linh (Giám đốc nghệ thuật của Six Space) và Huỳnh Ngọc Linh, ba “cô bé” Hà thành, đã nhen nhóm ý tưởng làm một điều gì đó cho Hà Nội. Tổ chức Nghiên cứu, Thực hành và Giáo dục Nghệ thuật Wonder do Trang Trịnh khởi xướng và điều hành đã thắng giải ý tưởng. Cùng lúc chuẩn bị cho dự án là lúc dịch Covid 19 ập tới, và thay vì tổ chức một hoạt động nào đó như triển lãm, biểu diễn, thì cả nhóm đã quyết định dự án này sẽ mang hình hài của một chiếc hộp. “Chiếc hộp được truyền cảm hứng chính bởi năng lượng tích cực như ánh nắng vàng của các bạn nhỏ, giống như con gái của tôi, năm nay mới lên 3”, nghệ sĩ piano sinh năm 86 chia sẻ.
Nói về việc chọn ca khúc “Reo vang bình minh” làm MV (Video âm nhạc) minh họa bằng phim hoạt hình trẻ em tung tăng trong thành phố xanh tươi yên bình, Trang Trịnh cho biết: “Reo vang bình minh” ra đời trong những năm tháng bom đạn, nhưng nó có một vẻ đẹp tươi sáng và năng lượng tích cực, trong trẻo. Đó là lý do mà thế hệ ông bà, cha mẹ, và tôi đã, vẫn đang hát bài hát này. Nằm trong cuốn sách giáo khoa âm nhạc lớp 5, bài hát này vẫn đang là một dòng chảy tuyệt vời qua nhiều thế hệ, và chúng tôi muốn người Hà Nội mọi thế hệ có được năng lượng tích cực của bài hát đó.
Wonder là tổ chức nghiên cứu, thực hành và giáo dục, với thế mạnh mạng lưới các chuyên gia tư vấn vì vậy phần nội dung của Hộp Hà Nội thu nhỏ nhận được tư vấn từ các nhà Hà Nội học, cố vấn về chiến lược truyền thông của Interstella (Tổ hợp Truyền thống- Marketing), các góp ý về mỹ thuật của giám tuyển Đỗ Tường Linh.
Trong nửa năm thực hiện dự án, đoạn thú vị nhất với nhóm tác giả là khi những người mẹ, thuyết phục và rủ rê những đứa con của mình tham gia vào dự án ở những ngày đầu tiên. Những cuộc trò chuyện với các con hơi giống một cuộc điều tra xã hội học ngẫu hứng được các bà mẹ quay phim lại. Những câu trả lời của các con rất đáng yêu. “Hà Nội của con là gì?” “Là con ốc sên con đang nuôi”; “Là phở bò”; “ Đi ăn kem”.... “Nếu được cất Hà Nội của con vào chiếc hộp thì con bỏ thứ gì vào?”. “Bỏ bác bán bánh cuốn vì ngày nào con cũng ăn”; “Cho mẹ vào hộp. Và bố nữa”….
Sau 1 tháng ra mắt, toàn bộ 500 hộp đã được bán ra và đồng nghĩa với 500 hộp sẽ được gửi tặng các em nhỏ trong bệnh viện vào Trung thu này. Mỗi bạn nhỏ lại có một phản ứng khác nhau với hộp trò chơi. Có bạn rất thích câu chuyện Bi và Mi, có bạn thích tô màu, vẽ tranh, chơi tangram. “Con gái tôi thì rất thích hát, cứ nhìn thấy hộp trò chơi là đòi mẹ bật “Reo vang bình minh” lên”, Trang hạnh phúc chia sẻ.
Người chăm chỉ với mộng tưởng
Từng tốt nghiệp Học viện âm nhạc Hoàng gia Anh, giành nhiều giải thưởng danh giá trong các cuộc thi âm nhạc quốc tế, hiện tại Trang Trịnh là nghệ sĩ độc lập và làm giảng viên. Là nghệ sĩ nhạc cổ điển của những đêm diễn “cháy vé” nhưng chị vẫn đặc biệt chú trọng đến giáo dục nghệ thuật. Chị từng thực hiện nhiều dự án cộng đồng như mang nhạc cổ điển đến sân khu tập thể, làm sách giáo khoa âm nhạc, tổ chức Hòa nhạc tại trường tiểu học Chu Văn An - Hà Nội…
Dự án có thể chỉ là cho gia đình, cho tổ dân phố, hay là cho một thành phố, thậm chí là cho sách giáo khoa toàn quốc. “Độ lớn của dự án không quan trọng với Trang, điều quan trọng là mình đã làm tốt nhất chưa, tử tế nhất trong cái hiểu của mình chưa, và điều mình làm đó là chân thành hay chưa. Sống được với nghệ thuật là một may mắn lớn, tôi luôn cảm tạ cuộc sống vì điều này”.
Vì dịch bệnh, tour diễn năm 2020 của chị bị hủy bỏ hoàn toàn nhưng đó cũng là cơ hội để tìm kiếm những giấc mơ mới. Thay vì một mình biểu diễn, Trang Trịnh đã thành lập dự án “Marathon âm nhạc 24h” với hơn 120 nghệ sĩ và người chơi nhạc trên 24 múi giờ của thế giới trong mùa Covid; Livestream, với hàng ngàn lượt xem. “Điều này tôi không thể mơ tới nếu ở trong một hoàn cảnh khác. Nghĩa vụ của người nghệ sĩ là mộng tưởng và tôi sẽ tiếp tục làm điều đó một cách chăm chỉ”, Trang vui vẻ tuyên bố.
Trang không kém phần hào hứng khi nói về mộng tưởng của đồng nghiệp trên trường quốc tế, dự án mới nhất của Gustavo Dundamel tại Tây Ban Nha, có tên là Symphony (Bản giao hưởng). Anh kết hợp kỹ thuật công nghệ VR (thực tế ảo) để người xem vừa được nghe nhạc, vừa được ngồi bên trong dàn nhạc, trong những phòng nghe nhạc lưu động, chuyến đi sẽ kéo dài tới 10 năm, bắt đầu từ tháng 9 năm nay. “Thật là một ý tưởng tuyệt vời để thật nhiều người có thể nghe, xem, và hiểu, cảm nhận được âm nhạc, không phân biệt địa vị, tuổi tác”.
Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/gioi-tre/goi-ha-noi-vao-trong-chiec-hop-1723894.tpo