Gói hỗ trợ 350.000 tỷ: Cú hích mới cho nền kinh tế
Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội vừa được Quốc hội thông qua ngày 11/1 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, được đánh giá là cú hích mới cho nền kinh tế phục hồi, phát triển.
Đáp ứng mong mỏi của người dân, DN
Quy mô gói chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội Quốc hội vừa thông qua có tổng giá trị gần 350.000 tỷ đồng. Theo Nghị quyết, gói giải pháp tài khóa gồm miễn, giảm thuế phí, đầu tư phát triển và một số chính sách tài khóa khác. Trong đó, riêng chính sách tăng chi cho đầu tư, phát triển (y tế, an sinh xã hội, việc làm, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng…) từ nguồn ngân sách là 176.000 tỷ đồng trong 2 năm (2022 - 2023).
Chính sách tài khóa cũng gồm khoản chi cho miễn giảm thuế, trong đó giảm 2% thuế suất giá trị gia tăng trong năm 2022 với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang có mức thuế suất 10%, trừ lĩnh vực viễn thông, bảo hiểm, ngân hàng, khai khoáng…
Chính sách tiền tệ sẽ tập trung giải pháp để điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ lãi suất, tiếp tục tiết kiệm giảm chi phí quản lý để phấn đấu giảm lãi suất cho vay tối thiểu 0,5 - 1% trong 2 năm; cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi suất vay với các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ tiếp tục được tái cấp vốn để cho vay trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đánh giá, đây là gói hỗ trợ rất ý nghĩa và cần thiết trong thời điểm này. Gói hỗ trợ này nằm ngoài khuôn khổ chính sách, ngoài khuôn khổ tài chính được Quốc hội và Chính phủ đưa ra năm 2022. Lần đầu tiên Chính phủ chấp nhận bội chi lớn, cũng như chấp nhận rủi ro để hỗ trợ phục hồi kinh tế. Qua đó thể hiện quyết tâm của Chính phủ hỗ trợ cho nền kinh tế hồi phục phát triển trong tương lai, và mong muốn các DN hãy tự chủ vượt lên chính mình. Đây cũng là sự đồng hành có ý nghĩa lớn về kinh tế xã hội, an sinh trong chiến lược sống chung với dịch Covid-19.
“Các chính sách trong gói hỗ trợ sẽ tạo ra động lực giải quyết điểm nghẽn của nền kinh tế. Đây là cơ hội cho nền kinh tế phát triển trong dài hạn. Từ cơ hội đó, chúng ta có thể đạt được những mức tăng trưởng 6,5% như Quốc hội và Chính phủ đề ra, thậm chí có thể đạt cao hơn từ 7 - 7,5% trong năm 2022. Là tiền đề cho bước phát triển trong những năm tiếp theo, vượt qua bẫy tăng trưởng trung bình” - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đưa ra nhận định.
Là một DN đang hoạt động trong lĩnh vực vận tải, du lịch, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Du lịch và thương mại Sông Hồng Lê Hoàng Tùng bày tỏ, gói hỗ trợ này là niềm mong mỏi chung của DN và người dân. Gói hỗ trợ dự kiến dành 64.000 tỷ đồng để tiếp tục miễn giảm thuế, phí vào năm 2022, góp phần tạo điều kiện cho DN tái hoạt động, giải quyết việc làm cho người lao động và kích thích nhu cầu phát triển sản xuất kinh doanh. Việc này cũng giúp DN có thể hoạt động trong trạng thái bình thường mới. Ông Lê Hoàng Tùng kiến nghị, Chính phủ sớm triển khai những chính sách trong gói hỗ trợ, để có điều kiện cho DN tăng vốn đầu tư, yên tâm sản xuất kinh doanh.
Khẩn cấp triển khai, phân bổ đúng và trúng
Chính sách đã có, nhưng làm sao để chính sách sớm đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả thì việc triển khai đúng và trúng là hết sức quan trọng. PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, chúng ta đã chấp nhận bội chi ngân sách lớn, chấp nhận rủi ro, do đó, bên cạnh huy động được nguồn lực còn phải phân bổ đúng và trúng, sử dụng hiệu quả, tính khả thi cao. Thời gian thực hiện chỉ có 2 năm, nếu không bảo đảm triển khai nhanh, hiệu quả thì không còn là gói hỗ trợ khẩn cấp nữa.
Theo đó, cần phải quan tâm tới việc huy động nguồn lực từ đâu, cách thức huy động nguồn lực như thế nào. Bên cạnh đó, phải xác định đúng đối tượng, lĩnh vực, đúng ngành nghề để hỗ trợ. Và đặc biệt, điều quan trọng nhất phải lấy hiệu quả của hoạt động sản xuất kinh doanh làm mục tiêu chính xem xét hiệu quả của chính sách này. Chúng ta cần phải có chính sách hỗ trợ trực tiếp nhiều hơn cho DN, lao động. Trước hết, về mặt đảm bảo nguồn lực thực thi, phải hướng đến giảm, giảm hoãn thuế, tiền thuê đất và phí, lệ phí… Cùng với đó là hướng đến giảm chi phí sản xuất kinh doanh của các DN, bằng việc giảm thiểu tối đa quy định kiểm tra, kiểm dịch.
Cùng chung quan điểm này, TS Cấn Văn Lực – thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, thứ nhất phải tiếp tục rà soát kỹ hơn đối với những đối tượng nhận hỗ trợ. Thứ 2, phải có một quy trình rõ ràng. Quá trình triển khai chính sách cần cụ thể, tỉ mỉ, rõ ràng, để từ đó đảm bảo tính công khai, bình đẳng. Hiện nay chúng ta đang đẩy mạnh số hóa nền kinh tế, do đó việc số hóa gói hỗ trợ này là việc nên làm. Qua đó, DN chỉ cần thực hiện theo đúng trình tự thủ tục đã có ở trên mạng, giảm thiểu thời gian, chi phí cho DN, đồng thời cũng đảm bảo tính công bằng.
TS Cấn Văn Lực cho rằng, bên cạnh triển khai, cần tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát và đánh giá hiệu quả. Tránh tình trạng DN lợi dụng chính sách, vay rẻ chỗ này và gửi tiền chỗ khác, hay đổ tiền vào chứng khoán, bất động sản.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/goi-ho-tro-350-000-ty-cu-hich-moi-cho-nen-kinh-te.html