Gọi học sinh đến trường ngày giáp Tết trong giá rét

Những ngày này, xã Cao Sơn (Mường Khương) đang bước vào đợt rét mới. Nhiệt độ buổi sáng sớm chỉ từ 5 - 7 độ C, lại là những ngày giáp tết, nên duy trì tỷ lệ chuyên cần đối với các trường học trên địa bàn khó khăn. Tuy nhiên, bằng nhiều sáng tạo, các trường học vẫn duy trì được tỷ lệ học sinh đến trường cao, trong đó có Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học Cao Sơn.

Gọi học sinh ra lớp ngày rét.

Gọi học sinh ra lớp ngày rét.

Từ chiều ngày Chủ nhật, các giáo viên nhà xa của Trường PTDTBT Tiểu học Cao Sơn đã có mặt tại trường để chuẩn bị cho tuần học mới. Đến sáng ngày thứ Hai, học sinh ở lớp nào vắng mặt, giáo viên phải có trách nhiệm đến tận nhà tìm hiểu nguyên nhân và vận động các em đến lớp. Trường PTDTBT Tiểu học Cao Sơn có 469 học sinh thuộc 21 lớp, với 34 giáo viên, nhân viên; trong đó có 154 học sinh ở bán trú. Ngày 13/1, tuy là đầu tuần nhưng các học sinh đến đông đủ, chỉ có 5 học sinh vắng mặt vì lý do sức khỏe.

Các học sinh bán trú truy bài.

Các học sinh bán trú truy bài.

Em Giàng Sinh, lớp 4A2, nhà ở thôn Sả Lùng Chéng cách trường học 9 km. Sau bữa cơm trưa ngày Chủ nhật, em bắt đầu xếp sách vở đi bộ đến trường. Phải mất nửa ngày, em mới đến nơi, Sinh bảo: “Em thích đi học vì ở bán trú có chăn ấm, đệm êm không rét như ở nhà. Đến trường vui lắm, được các thầy cô quan tâm, chăm sóc”.

Giàng Sinh được đánh giá là một trong những học sinh chăm chỉ nhất trường. Trong suốt một năm học, Sinh không nghỉ buổi nào. Mấy hôm trời rét, nhiệt độ xuống thấp, Sinh vẫn đi học đầy đủ.

Xã Cao Sơn tập trung 100% đồng bào người Mông sinh sống, mặc dù đã đổi thay rất nhiều, nhưng ở đây vẫn tồn tại một số hủ tục và nhiều ngày kiêng kỵ. Trong những ngày đó, phụ huynh thường cho con nghỉ học ở nhà. Giáp Tết, những ngày kiêng kỵ càng nhiều. Để có thể khuyến khích học sinh ra lớp vào những ngày giáp Tết, Trường PTDTBT Tiểu học Cao Sơn đã có nhiều giải pháp.

Giáo viên và phụ huynh gói bánh chưng cho các em ăn Tết.

Giáo viên và phụ huynh gói bánh chưng cho các em ăn Tết.

Anh Long Văn Ngạn, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Cao Sơn cho biết: “Bên cạnh tuyên truyền vận động, cử giáo viên đến tận nhà đón học sinh ra lớp, nhà trường còn tổ chức rất nhiều hoạt động, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho học sinh, để mỗi ngày đến trường với các con đều là những ngày vui. Từ đó, duy trì tỷ lệ chuyên cần tại trường học”.

Để minh chứng điều này, thầy Ngạn dẫn chúng tôi đến thăm khu bán trú của nhà trường. Đó là những dãy nhà khang trang gồm: Bếp, nhà ăn, phòng ngủ của học sinh bán trú và khu tập thể của giáo viên. Trời rét, giáo viên hướng dẫn các em gấp chăn màn gọn gàng. Tuy là học sinh tiểu học, nhưng chỗ ngủ bán trú của các em rất ngăn nắp, được trang bị chăn, đệm ấm áp.

Quan tâm chăm lo sức khỏe cho học sinh tiểu học.

Quan tâm chăm lo sức khỏe cho học sinh tiểu học.

Giáp tết lại giá rét, Trường PTDTBT Tiểu học Cao Sơn chuẩn bị đầy đủ các điều kiện vật chất giữ ấm cho học sinh. Mỗi học sinh đến trường sẽ đem theo một thanh củi để đốt lửa sưởi trong lớp, áo ấm được các tổ chức từ thiện cấp phát, bữa ăn của học sinh bán trú được bổ sung dinh dưỡng. Bên cạnh đó, phòng y tế luôn sẵn sàng chăm sóc sức khỏe cho học sinh những ngày rét. Vườn rau do giáo viên và học sinh bán trú chăm sóc lúc nào cũng xanh tốt đã góp phần cải thiện bữa ăn cho học sinh bán trú.

Trường PTDTBT Tiểu học Cao Sơn duy trì tỷ lệ chuyên cần ngày giáp tết giá rét.

Trường PTDTBT Tiểu học Cao Sơn duy trì tỷ lệ chuyên cần ngày giáp tết giá rét.

Một số phụ huynh, giáo viên đang tập trung gói bánh chưng để chuẩn bị cho học sinh đón Tết. Ngày 14/1, nhà trường tổ chức cỗ tất niên cho học sinh. Học sinh háo hức chờ đến ngày này. Các em được tham gia nhiều hoạt động ý nghĩa, được thưởng thức bánh chưng do chính phụ huynh và giáo viên chuẩn bị. Đây là những lý do khiến Trường PTDTBT Tiểu học Cao Sơn luôn duy trì tỉ lệ chuyên cần trong ngày giáp tết với kiểu thời tiết khắc nghiệt như hiện tại.

Vân Thảo

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/xa-hoi/goi-hoc-sinh-den-truong-ngay-giap-tet-trong-gia-ret-z5n20200114160135929.htm