Gói kích thích kinh tế lần 2: Nên dài hạn và thực chất

Theo các doanh nghiệp, trong bối cảnh hậu dịch COVID - 19, họ đều mong muốn Chính phủ xây dựng những chính sách giúp họ tiết giảm được chi tiêu. Chính sách nên là dài hạn, thực chất, tránh tình trạng khó khả thi như thời gian qua.

Theo các chuyên gia, xây dựng gói hỗ trợ lần 2 cần mang tính chất dài hạn, chứ không phải mang tính khẩn cấp như giai đoạn trước

Theo các chuyên gia, xây dựng gói hỗ trợ lần 2 cần mang tính chất dài hạn, chứ không phải mang tính khẩn cấp như giai đoạn trước

Doanh nghiệp “bí tiền”

Gần 1 tháng nay, Cty TNHH Thương mại và Sản xuất Gravity (đơn vị chuyên sản xuất các loại túi, balo và các sản phẩm từ vải không dệt) phải đóng cửa do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Hơn 120 công nhân phải tạm ngừng làm việc vô thời hạn.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Giám đốc Cty TNHH Thương mại và Sản xuất Gravity cho biết, đây là lần thứ hai, công ty phải đóng cửa do hết đơn hàng. Lần đầu tiên vào tháng 4/2020, công ty cho công nhân nghỉ việc hơn 1 tháng và rơi vào tình trạng thua lỗ liên tục nhưng may là sau đó, một số đơn hàng về nên cầm cự được. Còn lần này công ty thực sự gặp khó khăn.

“Chúng tôi không muốn sa thải bất kỳ lao động nào.Tuy nhiên, qua hai đợt dịch COVID-19, chúng tôi muốn vay gói trả lương lãi suất 0% cho công nhân nhưng đều không được. Các tiêu chí đưa ra quá khắt khe khiến doanh nghiệp không thể đáp ứng nổi”, ông Phong cho hay.

Theo ông Phong, dù tạm ngừng hoạt động, nhưng hằng tháng, công ty vẫn phải lo khoản tiền trả nợ ngân hàng, tiền thuê mặt bằng, tiền duy trì thiết bị, máy móc… Do đó, trong bối cảnh này, Chính phủ có thể tạo cơ chế cho doanh nghiệp vay lãi suất 0% bằng việc thế chấp bằng tài sản, hoặc có thể giảm hơn nữa các điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận các gói cho vay chính phủ hỗ trợ lãi suất.

Cùng hoàn cảnh, Cty Cổ phần đầu tư Việt Phú đang loay hoay chưa biết tìm nguồn tiền ở đâu để trả lương cho nhân viên. Bà Bùi Việt Hương, Phó Tổng giám đốc Cty cho biết, từ tháng 3 đến nay, hoạt động đưa người lao động đi làm việc nước ngoài bị ngừng hẳn, khiến Cty hầu như không có doanh thu.

Cty phải cắt giảm giờ làm và cho nhân viên làm việc luân phiên, tuy nhiên vẫn phải duy trì bộ phận quản lý các lao động, thực tập sinh đang làm việc ở nước ngoài.

“Do đó, vấn đề chi trả tiền lương và đóng bảo hiểm xã hội…cho nhân viên gây áp lực lên doanh nghiệp. Cty gửi hồ sơ lên Chi cục Thuế cách đây nửa năm, nhưng họ trả lời chưa có chủ trương, hướng dẫn nên không xử lý được”, bà Hương nói.

Bà Hương cho rằng, trong quá trình xây dựng gói kích thích kinh tế lần 2, các bộ, ban ngành có thể tạo điều kiện cho doanh nghiệp chậm đóng khoản bảo hiểm xã hội trong một khoảng thời gian đủ dài hoặc ít nhất cho nợ đến cuối năm 2020, đồng thời giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp, ngành nghề bị tác động mà không giới hạn điều kiện.

Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cho biết, qua đợt thực hiện các gói hỗ trợ (thuộc gói kích thích kinh tế lần 1), hầu hết doanh nghiệp trong ngành đều phản hồi không nhận được hỗ trợ từ các gói hỗ trợ tài khóa, tín dụng, đặc biệt là gói vay lãi suất 0% để trả lương người lao động phải ngừng việc. Thậm chí, chính sách giãn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đều không có nhiều tác động tích cực. Xây dựng gói kích thích kinh tế lần 2, ông Hiệp cho rằng, Chính phủ nên giảm một số loại thuế cho doanh nghiệp, như thu nhập doanh nghiệp, giá trị gia tăng…

Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc xây dựng gói kích thích kinh tế lần 2 cần mang tính chất dài hạn, chứ không phải khẩn cấp nữa.

Theo ông Đồng, tính đến thời điểm này, Chính phủ đã sử dụng hầu hết các công cụ có thể để hỗ trợ doanh nghiệp. Do đó, để việc hỗ trợ sắp tới hiệu quả hơn, các bộ, ngành cần đánh giá lại xem hiệu quả thực chất của các chính sách vừa rồi tới đâu, nguồn lực còn bao nhiêu. Chẳng hạn, như việc giãn đóng bảo hiểm xã hội, Chính phủ có thể cho phép các doanh nghiệp dừng đóng phí công đoàn trong 1, 2 năm tới…

Ngoài ra, việc đưa ra chính sách hỗ trợ cần phù hợp với từng loại doanh nghiệp, không thể cào bằng tiêu chuẩn chung cho tất cả mọi doanh nghiệp bởi mức độ ảnh hưởng của các doanh nghiệp ở các lĩnh vực là khác nhau.

Đặc biệt, theo ông Đồng, vấn đề việc làm cho người lao động hiện nay trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Bên cạnh hỗ trợ tiền mặt, trợ cấp thất nghiệp…, Chính phủ cần tính đến việc đào tạo lại nghề cho lao động để khi có cơ hội, những người mất việc có thể tiếp cận được ngay, đáp ứng mọi thay đổi của yêu cầu công việc.

Trước tác động của đợt dịch COVID-19 lần thứ 2, các doanh nghiệp và hiệp hội đều bày tỏ mong muốn Chính phủ xây dựng các gói chính sách giúp doanh nghiệp tiết kiệm được các khoản chi để duy trì hoạt động tối thiểu trong 6 – 12 tháng tới.

Từ lúc dịch COVID-19 bùng phát tại Việt Nam, Chính phủ đã đưa ra gói hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động bị mất việc, và người nghèo chịu tác động của dịch COVID-19 (gọi kích thích kinh tế lần 1) với tổng kinh phí hỗ trợ khoảng 62 nghìn tỷ đồng. Gói này tập trung hỗ trợ các đối tượng yếu thế trong xã hội, lao động bị mất việc làm bị giảm sâu thu nhập, các hộ kinh doanh, doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh, sản xuất…

Trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát trở lại vào tháng 7/2020 ảnh hưởng tới người dân, và doanh nghiệp, Bộ KH&ĐT tiếp tục phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH xây dựng gói kích thích kinh tế lần 2, với kinh phí ước tính 18.600 tỷ đồng. Gói hỗ trợ sẽ tập trung cung cấp tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh để phát triển sản xuất kinh doanh, khôi phục, duy trì và mở rộng việc làm cho người lao động. Doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ (dưới 10 lao động), hợp tác xã và hộ kinh doanh, người lao động tại khu vực nông thôn sẽ được ưu tiên đặc biệt…

Dương Hưng

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/kinh-te/goi-kich-thich-kinh-te-lan-2-nen-dai-han-va-thuc-chat-1724713.tpo