Gói kích thích tăng trưởng 'không tốn tiền' cho phục hồi kinh tế
Các chuyên gia đánh giá, cần một gói kích thích tăng trưởng được cho là 'không tốn tiền' - đó là việc đầu tư vào chuyển đổi số cho phục hồi tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Bellsystem24 Hoa Sao, làn sóng chuyển đổi số là tất yếu với tất cả các doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh của đại dịch Covid-19 điều này đã trở thành tất yếu.
Giữ tăng trưởng cho doanh nghiệp
“Thực tế chứng minh các doanh nghiệp ứng dụng các giải pháp công nghệ đã thành công trong việc giữ chân khách hàng, tăng doanh thu từ khách hàng cũ và tạo niềm tin với khách hàng mới. Từ đó, giải quyết được nỗi trăn trở của doanh nghiệp trong xu hướng cạnh tranh gay gắt về chất lượng, dịch vụ và tìm kiếm thêm được những cơ hội mới trong bối cảnh toàn cầu hóa. Bản thân Hoa Sao vẫn giữ mức tăng trưởng 15-20% trong “tâm dịch” COVID-19”, ông Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ.
Được biết, là một đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ, Hoa Sao mới đây đã xây dựng một phòng Lab ICT để hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm thực tế về chuyển đổi số và giới thiệu những giải pháp hiệu quả trong chăm sóc khách hàng trong tức thời. Theo đó, các ứng dụng hay cuộc gọi chăm sóc, khách hàng đều được "chấm điểm" sản phẩm, dịch vụ và hoạt động chăm sóc khách hàng của doanh nghiệp ngay sau mỗi lần sử dụng.
TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho biết, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 52 ban hành ngày 29/7/2019 về một số chủ trương chính sách để chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, mà phát triển kinh tế số là một vấn đề cốt lõi. Trên cơ sở đó, mỗi tổ chức, doanh nghiệp cần chủ động tham gia vào nền kinh tế số, để phát triển chính doanh nghiệp và góp phần vào sự phát triển chung.
“Hiện nay chúng ta còn thói quen sử dụng phương thức kinh tế cũ, phương thức trao đổi cũ, phương thức quản lý cũ, đòi hỏi phải chuyển đổi quản lý theo số. Chúng ta có đầy đủ cơ chế rồi, vấn đề là làm đi và khi làm vướng cái gì thì nói rõ”, TS. Nguyễn Đức Kiên nói.
Thực tế, đại dịch COVID-19 đã đẩy nhanh quá trình thúc đẩy phát triển kinh tế số. Việt Nam vừa khống chế được đại dịch vừa ứng dụng, phát triển phương thức trực tuyến trong điều hành, làm việc, đào tạo của cả cơ quan quản lý, doanh nghiệp, trường học. Hiện nay, phổ biến nhất trong các doanh nghiệp là số hóa trong lưu trữ, xử lý dữ liệu từ sản xuất đến đưa sản phẩm ra thị trường; theo dõi phản hồi và quay trở lại điều chỉnh sản xuất khi cần thiết.
Cùng với đó, thương mại điện tử, giao dịch kinh tế không tiền mặt ngày càng phát triển tại Việt Nam, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp kịp thời nắm bắt, ứng dụng các công cụ của kinh tế số.
Do đó, các chuyên gia cũng đánh giá, cần một gói kích thích tăng trưởng được cho là “không tốn tiền” - đó là việc đầu tư vào chuyển đổi số.
6 ưu tiên trong chuyển đổi số quốc gia
Không chỉ là câu chuyện của doanh nghiệp, chuyên gia nhấn mạnh, chuyển đổi số cần bắt đầu từ chuyển đổi số quốc gia. “Ngoài những biện pháp về ngân sách, tín dụng thì tôi nghĩ việc vận dụng Chính phủ điện tử một cách sâu rộng trong các lĩnh vực để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động và giảm bớt các chi phí cho doanh nghiệp đấy là một trong những điều mà nếu chúng ta làm tốt thì đại dịch này lại có thể tạo ra những cơ hội để cho chúng ta phát triển và chúng ta có thể tiếp tục thực hiện các cải cách đó một cách mạnh mẽ hơn, để có thể tận dụng được công nghệ thông tin”, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh khuyến nghị.
Không chỉ là câu chuyện của doanh nghiệp, chuyên gia nhấn mạnh, chuyển đổi số cần bắt đầu từ chuyển đổi số quốc gia.
Bên cạnh đó, hỗ trợ cung cấp thông tin về các thị trường xuất nhập khẩu cho cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là thế mạnh của doanh nghiệp trong nước tại các thị trường mà Việt Nam đã ký các hiệp định thương mại tự do chất lượng cao như CPTPP và EVFTA…
Ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất, trước hết, cần ưu tiên nguồn lực để thực hiện chuyển đổi số quốc gia. Theo đó, Chính phủ dành ít nhất 1% tổng ngân sách hàng năm chi cho ứng dụng CNTT. Đồng thời có chương trình hỗ trợ từ Ngân hàng thế giới, Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc, các tổ chức quốc tế.
Thứ hai, xây dựng chiến lược Chính phủ số. Theo đó, Trình TTgCP sớm phê duyệt Chiến lược CPS quốc gia để các Bộ, Tỉnh căn cứ xây dựng Kế hoạch triển khai Chính phủ/Chính quyền số hàng năm.
Thứ ba, xây dựng hạ tầng chính phủ số, cụ thể, các bộ ngành, địa phương nên kết hợp cả đầu tư và thuê dịch vụ hạ tầng.
Thứ tư, phát triển nhân lực chuyển đổi số, Chính phủ ưu tiên phát triển nguồn nhân lực , Hỗ trợ phát triển nhân lực từ các tổ chức quốc tế.
Thứ năm, giao nhiệm vụ chuyển đổi số đến từng bộ ngành, địa phương. Theo đó, các Bộ, Tỉnh cần sớm chính thức giao nhiệm vụ CĐS cho các đơn vị chuyên trách CNTT và các Sở và TTTT.
Thứ sáu, xây dựng trung tâm chuyển đổi số tại mỗi vùng kinh tế trọng điểm làm nòng cốt chuyển đổi số cho khu vực.