'Gói lòng'... tri ân

Năm 2020, khi nghe chuyện ông Trần Văn Lý (SN 1963), Bí thư Chi bộ thôn Tam Đa (xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa cũ), nay là xã Tuyên Hóa, tổ chức vận động nhân dân gói bánh chưng tri ân các anh hùng liệt sĩ nhân Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 đã khiến không ít người tò mò. Năm nay, hay tin ông tiếp tục vận động nhân dân thôn Lê Lợi (xã Tuyên Hóa) tổ chức hoạt động ý nghĩa này, chúng tôi nhất quyết không bỏ lỡ cơ hội thêm một lần nữa.

Người cựu binh nghĩa tình

Với người dân xã Tiến Hóa cũ, ai cũng biết đến ông Trần Văn Lý, không phải vì ông từng là Bí thư Chi bộ thôn Tam Đa, mà còn là một cựu chiến binh nghĩa tình. May mắn là thế hệ những người lính thời bình như ông không phải trực tiếp cầm súng ra chiến trường. Nói như ông, may mắn đó không phải ngẫu nhiên mà có, bởi biết bao thế hệ cha anh đã hi sinh xương máu để đất nước có được hòa bình, độc lập như ngày hôm nay.

Ông Trần Văn Lý và Nhân dân thôn Lê Lợi gói bánh chưng tri ân.

Ông Trần Văn Lý và Nhân dân thôn Lê Lợi gói bánh chưng tri ân.

Gần 30 năm trong quân ngũ, ông hiểu sự khốc liệt và cả những mất mát của người lính nơi chiến trường. Đặc biệt là quãng thời gian hơn 10 năm, ông cùng đồng đội băng rừng, vượt núi đến các bản làng xa xôi trên đất nước bạn Lào tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh khi làm nhiệm vụ quốc tế để đưa về quê hương. Chính bàn tay ông đã cất bốc những mảnh hài cốt liệt sĩ, nhiều khi chỉ còn là nắm đất, bởi thân thể đã hóa vào rừng cây, núi đá và hầu hết đều chưa xác định rõ thông tin. Dù ông không phải là người tin vào chuyện tâm linh, nhưng trong thời gian đó, có những chuyện lạ mà cho đến nay, ông không thể lý giải được.

Có lần, tổ công tác của ông vừa đặt chân đến một bản người Lào giữa rừng sâu, thì có người đến báo tin phát hiện mộ liệt sĩ. Sau khi đến nơi tìm kiếm, tổ công tác cất bốc được 7 bộ hài cốt liệt sĩ và chuẩn bị rút quân. Thế nhưng, trong lúc nghỉ trưa, một người trong tổ nằm mơ gặp... bộ đội. Linh tính mách bảo, các cán bộ, chiến sĩ tiếp tục mở rộng vùng tìm kiếm thì phát hiện thêm một bộ hài cốt nữa. Và còn nhiều câu chuyện lạ nữa xảy ra, cứ như có sự kết nối, liên thông, dẫn dắt linh liêng nào đó, mà chỉ có những người được lựa chọn để gửi gắm mới có thể thấu cảm được.

Hơn 100 cặp bánh chưng được người dân gói xong.

Ngày thôi khoác trên mình bộ quân phục người lính, mỗi lần đến dâng hương tại nghĩa trang liệt sĩ, ông Lý cứ day dứt suy nghĩ, muốn làm một điều gì đó để tri ân các thế hệ cha anh đã ngã xuống vì độc lập tự do của Tổ quốc. Năm 2020, khi đang là Bí thư Chi bộ thôn Tam Đa, ông đề xuất ý tưởng tổ chức gói bánh chưng để tri ân. Ý kiến của ông nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân trên địa bàn. Từ đó, cứ đến Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, Nhân dân thôn Tam Đa tự nguyện đóng góp công sức, cùng nhau gói bánh chưng để dâng lên phần mộ các anh hùng liệt sĩ.

“Thắp lửa” tri ân

Khi đến thôn Lê Lợi (xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa cũ, nay là xã Tuyên Hóa) trình bày mong muốn tổ chức gói bánh chưng nhân dịp 27/7 của mình, ông Trần Văn Lý không ngờ tất cả người dân đều hưởng ứng. Thế là từ đầu tháng 7, người dân nơi đây tất bật lên kế hoạch chuẩn bị các công đoạn từ vận động đóng góp kinh phí đến tổ chức thực hiện. Sáng sớm ngày 25/7, nhiều người đã có mặt tại nhà văn hóa thôn để gói bánh. Mỗi người một việc, người già, người trẻ tỉ mỉ gấp từng tấm lá, nhẹ nhàng đổ nếp và nhân bánh vào khuôn, vuốt từng góc cạnh, làm sao để chiếc bánh của mình vuông vức hơn, hoàn hảo hơn bánh của người khác. Chỉ trong một ngày, hơn 100 cặp bánh chưng đã hoàn thành. Ngày hôm sau, họ mang những cặp bánh chưng nghĩa tình này, thành kính dâng lên phần mộ các anh hùng liệt sĩ và ban thờ của các gia đình người có công trên địa bàn. Tại đây, họ kể cho nhau nghe nhiều câu chuyện, nhiều kỷ niệm về sự hi sinh của các anh hùng liệt sĩ hay quãng đời cầm súng chiến đấu của những cựu chiến binh lại được nhắc nhớ như phần ký ức không thể nào quên.

Bà Trần Thị Hồng, một người dân thôn Lê Lợi chia sẻ: “Thế hệ của chúng tôi đã ít nhiều trải qua chiến tranh, bom đạn, nên hiểu về giá trị của hòa bình và độc lập dân tộc. Những chiếc bánh chưng này dù nhỏ bé, nhưng là tấm lòng tri ân của người dân chúng tôi đối với thế hệ cha ông đã ngã xuống vì Tổ quốc”.

Dâng bánh chưng lên phần mộ của các anh hùng liệt sĩ.

Dâng bánh chưng lên phần mộ của các anh hùng liệt sĩ.

Ông Trần Văn Lý chia sẻ: “Điều quan trọng của hoạt động này không hẳn là sự kêu gọi, tuyên truyền hay vận động mà là tiếng lòng, là trái tim kết nối với trái tim đã được lan tỏa. Chúng tôi chỉ tâm niệm một điều, với những anh hùng liệt sĩ, nhất là các liệt sĩ có phần mộ tại các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn, chưa xác định được thông tin, mỗi người dân chúng tôi chính là người thân của họ. Việc làm của chúng tôi hôm nay không chỉ phần nào an ủi, sưởi ấm anh linh của họ, mà chính chúng tôi cũng cảm thấy lòng mình thanh thản hơn”.

Nhân dân thôn Lê Lợi tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ.

Nhân dân thôn Lê Lợi tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ.

Trưởng phòng Văn hóa-Xã hội xã Tuyên Hóa Trần Đức Hiến cho hay, sau thôn Tam Đa, năm nay là năm đầu tiên người dân thôn Lê Lợi tổ chức gói bánh chưng tri ân các anh hùng liệt sĩ. Đây là hoạt động rất ý nghĩa, nhằm khơi dậy và giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Tại buổi lễ thiêng liêng ấy còn có nhiều em học sinh, đoàn viên thanh niên. Rồi đây, những ngọn lửa tri ân âm thầm mà ý nghĩa sẽ góp phần nuôi dưỡng, lan tỏa và nhắc nhớ thế hệ hôm nay và mai sau về truyền thống, lịch sử hào hùng của cha ông đã được trao truyền từ hàng nghìn năm nay. Không ai khác, chính thế hệ các em sẽ tiếp nối, viết thêm những trang sử hào hùng của dân tộc, góp sức xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh hơn.

Dương Công Hợp

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/goi-long-tri-an-196282.htm