Gợi mở về 3 câu hỏi để phát triển Đồng bằng sông Hồng tầm nhìn 2045
Đến năm 2045, đồng bằng sông Hồng sẽ là vùng phát triển hiện đại, có một số trung tâm kinh tế, tài chính lớn mang tầm khu vực và thế giới.
Ngày 29/11, phát biểu tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở Vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng gợi mở và làm rõ 3 câu hỏi lớn, gồm:
- Vì sao lúc này Bộ Chính trị lại bàn và ra Nghị quyết về Vùng đồng bằng sông Hồng?
- Những ý tưởng mới, tinh thần mới, nội dung mới của Nghị quyết Bộ Chính trị lần này là gì?
- Chúng ta phải làm gì và làm như thế nào để thực hiện có kết quả Nghị quyết của Bộ Chính trị lần này về Vùng đồng bằng sông Hồng?
Đất chật người đông nhưng quy mô kinh tế luôn được mở rộng
Với câu hỏi thứ nhất, Tổng bí thư nhấn mạnh vị trí chiến lược, quan trọng của vùng.
“Vùng đồng bằng sông Hồng là cửa ngõ phía Bắc của nước ta và ASEAN về kết nối phát triển kinh tế, thương mại với Trung Quốc - thị trường rộng lớn nhất thế giới và ngược lại; có hệ thống hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ và tốt nhất cả nước về cả đường bộ, đường biển, đường sông, đường hàng không, đường sắt với ba tuyến hành lang kinh tế đi qua”, Tổng bí thư nhấn mạnh.
Tuy là một vùng đất chật, người đông nhất so với các vùng khác khi diện tích tự nhiên chỉ có 21.278 km2 - chiếm 6,42% diện tích cả nước; dân số khoảng hơn 23 triệu người, chiếm gần 24% dân số cả nước, Tổng bí thư cho biết quy mô kinh tế của vùng luôn được mở rộng; tỷ trọng đóng góp vào GDP cả nước tăng từ 26,9% năm 2010 lên 29,4% năm 2020; thu nhập bình quân đầu người cao hơn 1,3 lần so với bình quân chung cả nước.
Cần tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ, có tính đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội Vùng đồng bằng sông Hồng
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng
Dù vậy, Tổng bí thư vẫn chỉ ra một số hạn chế như kinh tế - xã hội phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vượt trội và vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của vùng.
Nhìn nhận tình hình thế giới, khu vực và trong nước đặt ra cho Vùng đồng bằng sông Hồng nhiều thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức mới đan xen, Tổng bí thư nhấn mạnh đây là thời điểm cần tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ, có tính đột phá trong công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở Vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước trong giai đoạn phát triển mới.
Khắc phục tình trạng “đầu voi đuôi chuột”
Câu hỏi thứ hai được Tổng bí thư làm rõ, là “Những ý tưởng mới, tinh thần mới, nội dung mới của Nghị quyết Bộ Chính trị lần này là gì?”.
Tổng bí thư đề cập 3 điểm đáng chú ý. Một là nghị quyết lần này có 5 quan điểm chỉ đạo quan trọng và mới mẻ, sát hợp với tình hình mới.
Nghị quyết lần này của Bộ Chính trị tiếp tục xác định Vùng đồng bằng sông Hồng là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Phát triển nhanh, bền vững Vùng đồng bằng sông Hồng là trách nhiệm của các địa phương trong vùng và toàn hệ thống chính trị.
Điểm mới thứ hai là về mục tiêu. Nghị quyết lần này đã xác định rất rõ mục tiêu tổng quát và một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trong đó, phấn đấu đến năm 2030, Vùng đồng bằng sông Hồng phát triển nhanh, bền vững, có cơ cấu kinh tế hiện đại; tập trung phát triển công nghiệp, dịch vụ hiện đại và nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, tuần hoàn; trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của cả nước…
Đến năm 2045, Đồng bằng sông Hồng là vùng phát triển hiện đại, văn minh, sinh thái; là trung tâm hàng đầu của cả nước về giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại, thông minh và một số trung tâm kinh tế, tài chính lớn mang tầm khu vực và thế giới.
Nhắc đến điểm mới thứ ba về giải pháp, Tổng bí thư nhấn mạnh nghị quyết lần này đề ra đầy đủ, đồng bộ các giải pháp, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới.
Với câu hỏi “Chúng ta phải làm gì và làm như thế nào để thực hiện có kết quả Nghị quyết của Bộ Chính trị lần này về Vùng đồng bằng sông Hồng?”, Tổng bí thư đề nghị đặc biệt chú ý một số vấn đề.
Trước hết, Tổng bí thư lưu ý phải nhận thức thật đúng và giải quyết thật tốt mối quan hệ giữa phát triển vùng và phát triển chung của cả nước.
Lãnh đạo Đảng cũng đề nghị vùng tranh thủ hỗ trợ của Trung ương và sự hợp tác, giúp đỡ của các địa phương trong cả nước để phát triển kinh tế nhanh và bền vững hơn, giàu có, trù phú hơn; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vùng đạt mức cao hơn, luôn dẫn đầu cả nước.
Kiên quyết khắc phục tình trạng "Nghị quyết thì thật là hay, xem ra thực hiện còn gay trăm bề"
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng
Trên cơ sở đổi mới về tư duy và nhận thức, Tổng bí thư nhấn mạnh việc khẩn trương đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế phát triển vùng với những chính sách ưu tiên vượt trội, có tính đột phá cao.
Tổng bí thư kỳ vọng việc thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị lần này sẽ tạo ra bước chuyển biến mới có tính đột phá trong việc phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh ở Vùng đồng bằng sông Hồng.
“Vùng đồng bằng sông Hồng phải luôn xứng đáng là trung tâm chính trị đầu não quốc gia; là một trong hai động lực phát triển mạnh mẽ hàng đầu trong sự nghiệp đổi mới”, Tổng bí thư nhấn mạnh phải kiên quyết khắc phục tình trạng “Nghị quyết thì thật là hay, xem ra thực hiện còn gay trăm bề", hoặc "đánh trống bỏ dùi", "đầu voi, đuôi chuột".