'Gối ôm biết nói': Không chỉ dành cho trẻ thơ
Gối ôm biết nói (NXB Phụ Nữ, 2019) của đôi bạn nữ Tô Diệu Hiền - Đỗ Tuyết Hoa là quyển sách thú vị. Ngoài bìa ghi rõ Những mẩu chuyện ngộ nghĩnh trẻ thơ, đúng là thế.
Ở đây khi đọc, đôi lúc ta phải tủm tỉm, bật cười lên sảng khoái, vì rằng những nguyên lý văn học trong xây dựng tình tiết, tính cách nhân vật, đối thoại nọ kia… không là gì đáng bận tâm. Đối tượng của sự quan sát khi tác giả thể hiện lại qua từng con chữ, từng trang viết hoàn toàn không có chỗ cho tưởng tượng, tính logic, bài bản quen thuộc. Chính vì thế, tự bản thân nó đã là sự khác biệt. Khác biệt đến độ có thể nhà văn tài ba nhất cũng không thể hư cấu, tưởng tượng ra nổi.
Ta thử đọc mẩu chuyện nhỏ nhưng đố… người lớn không phì cười: "Thấy Na bày đồ chơi ở phòng khách, mẹ yên tâm để con ngồi đó, lo chuẩn bị bữa cơm chiều. Bận xào rau, không thể rời bếp nên mẹ vừa làm vừa trông chừng con bằng cách luôn miệng gọi và hỏi Na đang làm gì. Chẳng nghe con đáp, chỉ có tiếng đôi giày bíp vang lên đều đều. Mẹ yên tâm làm nốt công việc. Lát sau, Na chạy xuống bếp trong tình trạng… không quần cũng chẳng giày. Mẹ hỏi, con tỏ vẻ sợ sệt: "Bị ướt hết rồi". Mẹ cố kìm cơn giận vì đã dạy thật nhiều nhưng thỉnh thoảng con vẫn tè trong quần mà không biết gọi. Vậy nhưng đến lúc lau rửa cho Na, mẹ không thể giấu được sự bực bội: "Sao mẹ gọi nãy giờ mà con chẳng thèm ư hử gì? Cái miệng đâu? Cái miệng để làm gì mà im thít?". Con gái mắt lưng tròng, tay chỉ vào môi: Miệng nè. Miệng để khóc. Rồi con khóc òa lên".
Câu trả lời hồn nhiên, rất trẻ con mà chỉ có trẻ con mới nói thế.
Làm sao chúng ta có thể suy nghĩ, đối thoại, cảm nghĩ, cảm xúc như tâm hồn trong trẻo, cái nhìn thánh thiện, ban sơ của đứa trẻ? Chính sự hồn nhiên ấy đã khiến người lớn luôn luôn cảm thấy bất ngờ. Rất bất ngờ. Đôi lúc bật lên tiếng cười khoái trá. Sảng khoái. Yêu đời. Chẳng hạn, một mẩu chuyện khác: "Mẹ và bé Mơ đứng chờ thang máy. Cửa mở, vừa thấy bác Hường làm cùng phòng với mẹ, Mơ đã vòng tay cúi đầu chào. Bác Hường không đi một mình mà đi cùng một khách hàng. Mẹ nhắc Mơ thưa cả bác kia nữa. Cũng với thái độ cung kính ban nãy, Mơ cất tiếng lảnh lót: "Con ạ… bác Kia!".
Hàng trăm mẩu chuyện nhỏ trong "Gối ôm biết nói" hấp dẫn ở chỗ tác giả đã biết quan sát, lắng nghe và ghi chép lại từ những gì đã chứng kiến, từ con trẻ. Đọc đi, tôi tin các bạn sẽ hài lòng. Sau đó, bạn sẽ giật mình: "Ơ hay, con mình, cháu mình cũng đã từng nói, đã từng có biểu hiện tương tự, vậy mà…". Đúng thế, vậy mà lâu nay, chúng ta quên ghi lại như là nhật ký mỗi ngày chăm con, như một cách thư giãn của tháng ngày cùng con đồng hành bước vào thế giới rộng lớn hơn.
Thế giới rộng lớn ấy, thiên hạ đã viết nhiều rồi. Riêng thế giới ngộ nghĩnh, bi bô chất phác, hồn nhiên của con trẻ thì chưa nhiều nhà văn quan tâm khai thác thấu đáo. "Gối ôm biết nói" là một trong số ít, rất ít đã ghi chép lại và bây giờ đã mở ra trước mắt người đọc một tình cảm mới.
Ước gì, ngày càng có thêm nhiều tập sách tương tự. Sách ghi lại lời thủ thỉ, tâm tình của con trẻ mà khi xa rời thế giới ấy, người lớn chúng ta đã quên theo nhọc nhằn cơm áo, tất bật mưu sinh. Nay đọc lại, tự dưng tôi xao xuyến, bồi hồi và tìm thấy chính mình của ngày tháng êm đềm còn được bao bọc trong mái ấm.
Nhớ lắm. Yêu lắm.