Gói phục hồi chứ không phải 'giải cứu', cần tập trung vào những doanh nghiệp có 'sức khỏe' tốt

Góp ý về gói phục hồi và phát triển kinh tế gần 350.000 tỷ đồng, đại biểu Quốc hội nêu quan đểm, đây là gói phục hồi chứ không phải gói 'giải cứu' doanh nghiệp, do đó, cần tập trung hỗ trợ những doanh nghiệp có 'sức khỏe' tốt để giúp họ 'bật dậy', thu hồi vốn cao nhất cho chương trình.

Tập trung nguồn lực cho những doanh nghiệp có đủ "sức khỏe"

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, đại biểu Lã Thanh Tân (TP Hải Phòng) phân tích: Mục tiêu của chương trình là phục hồi kinh tế sớm và hiệu quả, chứ không phải là giải cứu các doanh nghiệp đang gặp khó khăn.

Vì vậy, đối với doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu phục hồi nhanh và phát triển, đại biểu đề xuất giải pháp: Chính phủ lựa chọn tập trung nguồn lực cho những doanh nghiệp có đủ sức khỏe, có khả năng làm ra nhiều sản phẩm hoặc tạo ra nhiều việc làm mong muốn cho xã hội trong thời gian nhanh nhất.

Để làm được việc này, theo đại biểu, cần lựa chọn doanh nghiệp có “sức khỏe” tốt, hỗ trợ kịp thời sẽ giúp doanh nghiệp "bật dậy" bằng năng suất, tạo ra nhiều việc làm và sản phẩm nhất, từ đó tạo giá trị đóng góp vào GDP và ổn định cuộc sống cho người lao động, như vậy chương trình hỗ trợ sẽ có cơ hội thu hồi vốn cao nhất.

Đồng thời, kết quả hoạt động của các “doanh nghiệp khỏe” này sẽ kéo theo sự phục hồi dần của các doanh nghiệp khó khăn hơn.

“Ở đây cũng cần làm rõ thêm doanh nghiệp có "sức khỏe" tốt nhất không có nghĩa là doanh nghiệp có quy mô lớn nhất hay to nhất mà những doanh nghiệp này có thể là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, miễn là doanh nghiệp có các chỉ số sức khỏe lành mạnh. Các chỉ số sức khỏe này cần được Chính phủ nhanh chóng công bố và đưa ra công khai kèm theo các thủ tục xác định hỗ trợ rõ ràng, minh bạch và nhanh gọn”, đại biểu nói.

 Đại biểu Lã Thanh Tân: Cần lựa chọn doanh nghiệp có “sức khỏe” tốt, hỗ trợ kịp thời sẽ giúp doanh nghiệp "bật dậy" bằng năng suất, tạo ra nhiều việc làm và sản phẩm nhất, từ đó tạo giá trị đóng góp vào GDP. Ảnh: VPQH

Đại biểu Lã Thanh Tân: Cần lựa chọn doanh nghiệp có “sức khỏe” tốt, hỗ trợ kịp thời sẽ giúp doanh nghiệp "bật dậy" bằng năng suất, tạo ra nhiều việc làm và sản phẩm nhất, từ đó tạo giá trị đóng góp vào GDP. Ảnh: VPQH

Cùng với đó, đại biểu cũng chỉ rõ bên cạnh việc đáp ứng các chỉ số sức khỏe thì các tiêu chí doanh nghiệp phải đạt được sau khi được hỗ trợ cũng cần đặt ra như: Tiêu chí về sản phẩm, ví dụ tỷ lệ tăng sản phẩm xuất khẩu sau 6 tháng là bao nhiêu; tiêu chí về việc làm, ví dụ tỷ lệ tăng việc làm sau 6 tháng được hỗ trợ là bao nhiêu...

“Những tiêu chí này là thước đo đánh giá hiệu quả hỗ trợ, tạo thêm động lực để các doanh nghiệp theo đuổi chương trình hỗ trợ cũng như có trách nhiệm với sự phục hồi và phát triển chung của nền kinh tế”, đại biểu lý giải.

Bảo đảm cân bằng giữa hai mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế

Đại biểu Trần Thị Kim Nhung (Đoàn Quảng Ninh) đánh giá cao công tác chuẩn bị khẩn trương, quyết liệt để trình Quốc hội dự thảo nghị quyết tại kỳ họp bất thường này, đồng thời cũng tán thành với quan điểm nghị quyết cần được ban hành và thực hiện càng sớm càng tốt, vì nếu để chậm sẽ có “nguy cơ lỡ nhịp với nền kinh tế thế giới” như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhận định trong phát biểu khai mạc kỳ họp.

Đại biểu nhấn mạnh quan điểm cần tiếp tục rà soát để bảo đảm bám sát và cân bằng giữa hai mục tiêu phục hồi và phát triển.

“Nội dung về phục hồi chưa nhiều, chưa rõ mà có phần thiên lệch. Nội dung về phát triển khó có thể gói gọn trong 2 năm và cũng khó giải ngân do phụ thuộc vào khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế cũng như sự chuẩn bị hồ sơ, thủ tục, nhất là ảnh hưởng của dịch bệnh”, đại biểu nói.

Do đó, đại biểu đề nghị nên cân nhắc ưu tiên hơn nữa cho nội dung về phục hồi mà kết quả cần đạt được là vực dậy các doanh nghiệp gặp khó khăn, hỗ trợ người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tiêu dùng, tập trung hỗ trợ chuỗi sản xuất lưu thông, tiêu thụ hàng hóa, đồng thời thúc đẩy đổi mới sáng tạo để tạo động lực mới cho tăng trưởng.

 Các đại biểu Quốc hội tại phiên họp. Ảnh: Trọng Hải

Các đại biểu Quốc hội tại phiên họp. Ảnh: Trọng Hải

Nữ đại biểu đặc biệt quan tâm đến khâu tổ chức thực hiện gói hỗ trợ này. Theo đại biểu, với thời gian 2 năm là không nhiều và tính cấp thiết là chủ đạo thì nghị quyết cần đưa ra các nguyên tắc, tiêu chí cụ thể và thứ tự ưu tiên để khi triển khai thực hiện thì sẽ làm được ngay.

Vì vậy, cũng cần thống nhất về quan điểm rằng khó có thể đòi hỏi nghị quyết bảo đảm sự đồng đều giữa các ngành, lĩnh vực, giữa các địa phương, vùng, miền mà cần có trọng tâm, trọng điểm hơn.

“Rút kinh nghiệm từ các gói hỗ trợ trước thì bên cạnh sự nỗ lực, quyết tâm cần phải có đột phá trong cách làm mới có thể đạt hiệu quả cao. Trong đó, thủ tục phải gọn, đơn giản, rõ ràng, minh bạch và cần chú trọng đến khâu hậu kiểm, không đặt ra quá nhiều thủ tục tiền kiểm”, đại biểu đề nghị.

Một yêu cầu nữa đặt ra, theo đại biểu Trần Thị Kim Nhung, là nghị quyết phải bổ sung quy định chặt chẽ hơn để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm, trục lợi chính sách.

Ở góc độ khác, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn Quảng Trị) nhấn mạnh quan điểm, gói hỗ trợ này sau khi được thông qua cần triển khai ngay từ trước Tết Âm lịch và chỉ kéo dài tối đa là 2 năm, kết thúc vào ngày 31-12-2023.

“Trong đó tập trung cho năm 2022 để kịp thời hỗ trợ phục hồi kinh tế và sang năm 2023 nhiệm vụ chính chỉ là duy trì, củng cố các động lực phát triển và căn cứ vào diễn biến bối cảnh trong và ngoài nước. Việc chốt cứng thời hạn nhằm phản ánh đúng bản chất cốt lõi của gói là để hỗ trợ, phục hồi và để xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành khi triển khai thực hiện”, đại biểu phân tích.

HẰNG PHƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/goi-phuc-hoi-chu-khong-phei-giei-cuu-cen-tep-trung-veo-nhung-doanh-nghiep-co-suc-khoe-tot-682733