Gợi quá khứ hào hùng từ những trang sách
'Viết về những câu chuyện, thân phận từ trong chiến tranh gian khổ, nhưng 'Trần Hữu Nghiệp - đời là kẻ sĩ' và 'Đường 1C - Những bờ vai con gái' vẫn rất gần gũi với độc giả hôm nay.
Tái hiện cuộc đời cây đại thụ nền y học Việt Nam
Giáo sư bác sĩ - Nhà giáo nhân dân Trần Hữu Nghiệp là một trong những cây đại thụ của nền y học Việt Nam. Cuộc đời đặc biệt vắt qua 2 thế kỷ của ông được tái hiện trong tác phẩm Trần Hữu Nghiệp - Đời là kẻ sĩ dưới ngòi bút của nhà văn Đỗ Viết Nghiệm. Tập truyện ký dày hơn 400 trang này ra mắt bạn đọc đúng vào dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh của bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, cũng là dịp TP.HCM vừa đặt tên một con đường mang tên ông.
Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp sinh năm 1911, trong một gia đình nông dân ở Ba Tri, Bến Tre. Tốt nghiệp y học ở phương Tây, trở về nước mở phòng mạch đắt khách nhưng ông sẵn sàng bỏ chăn ấm nệm êm đi theo tiếng gọi non sông khi kháng chiến Nam bộ bùng nổ. Tháng 3/1946, ông vượt biển ra Hà Nội để gặp các lãnh đạo trung ương và quay lại miền Nam đào tạo cán bộ y tế phục vụ chiến trường.
Thời kháng chiến chống Mỹ, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp đã 2 lần vượt tuyến lửa Nam - Bắc theo đường biển, 4 lần lội dọc Trường Sơn, đảm nhiệm qua nhiều vị trí quan trọng trong đào tạo và nghiên cứu y khoa. Viện sĩ Dương Quang Trung đánh giá: "Cuộc đời bác sĩ Trần Hữu Nghiệp rất trong sáng, được ví như kẻ sĩ Gia Định".
Tuy vậy, khi tìm hiểu về thân thế, cuộc đời, sự nghiệp vị bác sĩ tâm tài vẹn toàn này, nhà văn Đỗ Viết Nghiệm cho rằng, nếu chỉ là kẻ sĩ Gia Định, kẻ sĩ Bến Tre, kẻ sĩ Nam Bộ... như người xưa vẫn nói sẽ không thực sự đủ đầy. Ông thực sự là kẻ sĩ quốc gia, tầm vóc lớn rộng. Với cuộc đời kẻ sĩ của ông bao gồm sự rộng lớn bao trùm từ một bác sĩ toàn tâm toàn tài, một chiến sĩ sẵn sàng bỏ nhung hoa lụa quý vào trận mạc, một tâm hồn văn chương vô cùng tươi đẹp, nhân ái.
Theo nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải, cuốn sách Trần Hữu Nghiệp - Đời là kẻ sĩ có thể xem là lời thề Hyppocrates của những bác sĩ y khoa Việt Nam. Bên cạnh bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, còn có nhiều câu chuyện thể hiện rất rõ tâm và tầm của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng, bác sĩ Nguyễn Thiện Thành… Vì thế, dù là câu chuyện đã lùi vào quá khứ nhưng vẫn luôn có giá trị với hôm nay và tương lai. Đặc biệt có ý nghĩa rất lớn với sinh viên y khoa, y bác sĩ, với những ai yêu quý, tôn trọng những người thầy áo trắng.
Những cô gái trên con đường huyền thoại
Nếu như Trần Hữu Nghiệp - Đời là kẻ sĩ là câu chuyện một bác sĩ nói lên một chặng đường chiến đấu của những con người thuộc ngành y trong số phận non sông thì Đường 1C huyền thoại - Những bờ vai con gái là tập truyện ký của nhà văn Trầm Hương kể về một chặng đường chiến tranh cách mạng chống Mỹ. Bằng kinh nghiệm theo đuổi đề tài lịch sử nhiều năm nay, nhà văn Trầm Hương đã tái hiện thành công không khí hào hùng, bi tráng của con đường 1C năm xưa, với những câu chuyện lay động lòng người qua cuộc đời của những cô gái thanh niên xung phong.
Con đường 1C được ví như đường Trường Sơn của Đồng bằng Nam bộ vì sự quan trọng, gian truân và ác liệt diễn ra trên đó. Trong những tháng năm gian nguy nhất, những đôi vai mềm mại thanh xuân của những cô thanh niên xung phong hàng ngày vẫn gánh lương tải đạn, góp phần gánh cả sinh mạng dân tộc, sinh mạng Tổ quốc trên đôi vai và trong trái tim của mình dọc theo tuyến lửa 1C.
Có đến hai phần ba là nữ trong hơn 800 người làm nên lịch sử hào hùng con đường này. Từ năm 1966 đến 1975, các nữ thanh niên xung phong tuyến đường 1C tuổi mười tám, đôi mươi đói ăn, thiếu mặc; mùa khô cõng trên lưng số hàng hóa gấp đôi trọng lượng cơ thể; mùa mưa lội sình, bùn, đẩy, kéo, bơi xuồng... chuyên chở vũ khí, phương tiện chiến tranh về các tỉnh miền Tây Nam Bộ, đưa đường cho cán bộ, bộ đội ngược xuôi khắp các chiến trường Khu 8, Khu 9; đồng thời chiến đấu chống địch, bảo vệ kho tàng, căn cứ...
Không chỉ đối mặt với sức mạnh chiến tranh hủy diệt của địch, những nữ thanh niên xung phong trên con đường huyết mạch đồng bằng Nam Bộ còn phải chiến đấu kiên cường với bệnh tật, thiên tai, hiểm họa rình rập nơi con đường họ bám trụ. Chỉ nói về việc vệ sinh tắm rửa hay quần áo, các chị em phụ nữ khi ấy cũng có nhiều câu chuyện khiến thế hệ hôm nay nghe được phải kìm nén cảm xúc. Những cô gái tuổi thanh xuân không dám chải đầu vì mỗi lần chải, tóc rụng thành từng nắm, không dám soi gương, cũng không dám nhìn mình dưới mặt nước, bởi vì thân thể quá xơ xác, tàn tạ…
Để cắt đứt tuyến đường huyết mạch, địch dùng nhiều loại vũ khí lợi hại đánh phá suốt ngày đêm, dùng chất độc da cam hủy hoại sự sống... Ở nơi "sắt thép còn tan chảy" ấy, những người con gái, con trai tuyến đường 1C đã trụ lại và chiến thắng. Hơn 400 thanh niên xung phong 1C đã hy sinh, rất nhiều trong số đó đã gửi xương máu của mình vùi lại trên con đường huyết mạch, không tìm thấy thi thể. Rất nhiều người trở về sau chiến tranh mang thương tật, những di chứng vết thương chiến tranh nhức nhối, nuôi những đứa con nhiễm chất độc da cam với cuộc sống khó khăn thiếu thốn...
Dù vậy, những gian truân của một thời đạn lửa lẫn thời hậu chiến không khuất phục được ý chí của những con người cao đẹp dấn thân vào cuộc chiến tranh năm xưa. Trong hòa bình, họ vẫn vẹn ngời phẩm giá, kiên cường vượt qua những ngày hậu chiến khó khăn, chống đói nghèo, tràn ngập tình yêu thương đồng đội, tìm lại hài cốt những liệt sĩ còn nằm lại trên tuyến đường máu lửa năm xưa... Bằng kinh nghiệm nhiều năm theo đuổi đề tài lịch sử, sự nhạy cảm, tinh tế của một người phụ nữ, nhà văn Trầm Hương đã tái hiện thành công những câu chuyện, phận đời gắn với con đường huyền thoại, góp phần giành lại hòa bình.
Hai cuốn sách vừa ra mắt ngay trong dịp hướng tới kỷ niệm những ngày tháng Tư lịch sử. Nói như nhà văn Bích Ngân, Ủy Viên Ban Thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam, ngày tháng đang trôi qua rất nhanh, hơn nửa thế kỷ đã ở lại phía sau lưng. Sự hiến dâng, lòng quả cảm, những mất mát và sự hy sinh to lớn rồi cũng trở thành quá khứ. Thế nhưng, chúng ta, thế hệ được thụ hưởng cuộc sống yên bình, chúng ta không được lãng quên. Và nợ ân tình, nợ máu xương, với người cầm bút lại càng không được phép lãng quên!