Gọi sếu về Đồng Tháp Mười
Không chỉ là 'lá phổi xanh' của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Tràm Chim còn là ngôi nhà hiếm hoi của loài sếu đầu đỏ quý hiếm, biểu tượng của sự hồi sinh sinh thái.
Kiểm soát từ xa bằng camera 360° và flycam
Giữa mênh mông vùng đất ngập nước Đồng Tháp Mười, Vườn Quốc gia Tràm Chim như một nốt lặng đẹp giữa bản hòa tấu của thiên nhiên và con người.
Ở đó, những cánh chim trời quý hiếm, đặc biệt là đàn sếu đầu đỏ đang dần trở về trên đồng cỏ năn kim, lúa ma. Người giữ rừng lặng thầm canh đất, giữ nước, gìn màu xanh và sự sống. Một Tràm Chim đang được hồi sinh bằng bàn tay, trái tim và khát vọng bảo tồn đầy bền bỉ.
Nằm tại vị trí tiếp giáp với 4 xã Tràm Chim, Tam Nông, An Hòa và Phú Thọ, tỉnh Đồng Tháp (mới),với diện tích hơn 7.300ha, Vườn Quốc gia Tràm Chim không chỉ là khu Ramsar quốc tế mà còn là mẫu chuẩn sinh thái đất ngập nước tiêu biểu của Đồng Tháp Mười, nơi hội tụ hơn 230 loài chim, hàng trăm loài cá và thực vật quý hiếm.
Trong đó, sếu đầu đỏ (Grus antigone sharpii), loài chim lớn nhất trong họ Hạc và nằm trong Sách đỏ thế giới, từng là biểu tượng sống động của nơi này.

Vườn Quốc gia Tràm Chim đã tiếp nhận thành công 6 cá thể Sếu đầu đỏ từ Thái Lan. (Ảnh: Trần Triết).
Để giữ lại những giá trị quý cho một chuẩn mẫu sinh thái đất ngập nước tiêu biểu của vùng Đồng Tháp Mười xưa thuộc vùng ĐBSCL, công tác bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy (PCCC) tại Tràm Chim được triển khai kiên trì, liên tục.
Thông tin với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Vườn Quốc gia Tràm Chim cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2025, hơn 400 cuộc tuần tra được tổ chức, xử lý hàng chục vụ vi phạm xâm nhập, săn bắt trái phép.
Đơn vị phối hợp với các ngành có liên quan triển khai kế hoạch quản lý vật liệu cháy, đường đê bao được mở rộng, các lớp tuyên truyền bảo vệ rừng, PCCC rừng lan tỏa tới từng cộng đồng dân cư vùng đệm.
Bên cạnh đó, Vườn Quốc gia Tràm Chim đã ứng dụng công nghệ hiện đại như hệ thống camera 360°, flycam, các trạm quan trắc môi trường để kiểm soát tình hình từ xa.
Mỗi mét vuông rừng, mỗi ao nước đều được theo dõi, bảo vệ như báu vật sinh thái.
Được xem là bước đi chiến lược của Tràm Chim đó là Đề án Bảo tồn và Phát triển sếu đầu đỏ giai đoạn 2022-2032.
Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2025, Vườn đã tiếp nhận thành công 6 cá thể sếu đầu đỏ từ Thái Lan, tạo khu nuôi dưỡng bán hoang dã đúng chuẩn quốc tế. Tổ chăm sóc Sếu được thành lập, áp dụng quy trình nuôi theo lời khuyên từ các chuyên gia, giám sát bằng hệ thống camera và phân công trực nhật nghiêm ngặt.
Song song với đó, các sinh cảnh tự nhiên như đồng lúa ma, năng kim, ao nước, bãi nghỉ, bãi uống của Sếu được phục hồi mạnh mẽ. Đây là điều kiện then chốt để gọi sếu về, giữ sếu ở lại.
Giữ Tràm Chim xanh hơn mỗi ngày
Không chỉ dừng lại ở bảo tồn, Tràm Chim còn kết nối bảo tồn với sinh kế người dân thông qua mô hình sản xuất lúa sinh thái. Hàng trăm hecta của những hộ dân đã tham gia trồng lúa không hóa chất, tạo vùng đệm an toàn cho các loài chim.
Thương hiệu "Gạo Sếu Tam Nông" đang dần được xây dựng như một minh chứng sống động cho mối liên kết giữa bảo tồn và phát triển.

Đề án “Bảo tồn và Phát triển Sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2022 -2032” được UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức công bố vào ngày 12/12/2024.
Với sự hỗ trợ từ ngành chức năng, các tổ chức quốc tế, chuyên gia,… Vườn Quốc gia Tràm Chim đang từng bước hiện thực hóa các giải pháp thuận thiên, phục hồi đất ngập nước, cải thiện sinh kế, nâng cao năng lực cộng đồng và bảo vệ đa dạng sinh học để giữ cho Tràm Chim xanh hơn mỗi ngày.
Theo đại diện Vườn Quốc gia Tràm Chim, để tiếp tục hành trình nêu trên, Tràm Chim cần thêm nguồn lực đầu tư, chính sách phát triển vùng đệm phù hợp, cũng như sự đồng hành của cộng đồng và chính quyền trong việc giữ đất, giữ nước, giữ chim.
Ở Tràm Chim, mỗi mùa nước nổi về là mỗi mùa sự sống khởi sinh. Từng bãi cỏ, từng ao lung, từng cánh chim… là chứng tích của sự hồi sinh, là phần hồn của Đồng Tháp Mười xưa đang trở lại.
Với quyết tâm "giữ rừng - giữ đất - giữ đàn Sếu", cán bộ, nhân viên Vườn Quốc gia Tràm Chim đang nỗ lực từng ngày để phục hồi hệ sinh thái, phát triển du lịch sinh thái bền vững, gắn kết với cộng đồng và khẳng định vai trò của Tràm Chim trong bản đồ bảo tồn thiên nhiên quốc gia và quốc tế.

Du khách trải nghiệm tham quan bằng xuồng kéo tại Vườn Quốc gia Tràm Chim.
Tràm Chim hôm nay không chỉ là nơi bảo tồn chim trời, cá nước mà còn là biểu tượng của quyết tâm "sống cùng thiên nhiên, thuận theo tự nhiên", nơi gắn bó mật thiết với đời sống cư dân miệt đầm lầy qua các mùa nước nổi. Tại đây, các hoạt động trải nghiệm như giăng câu, "săn" chuột, hái sen, bắt ốc… là phần hồn dân dã nhưng sâu sắc của miền Tây Nam bộ.
Giữ rừng, giữ đất, gọi sếu về, đó không chỉ là nhiệm vụ của những người làm bảo tồn, mà là sứ mệnh chung của cả cộng đồng, để Tràm Chim mãi là nơi hồi sinh của những mùa chim, mùa nước, mùa sự sống.
Sếu đầu đỏ từ lâu là biểu tượng của Vườn Quốc gia Tràm Chim nói riêng và tỉnh Đồng Tháp nói chung. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây do nhiều nguyên nhân như tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, sự thay đổi chế độ thủy văn và các yếu tố can thiệp của con người, hệ sinh thái Tràm Chim đã có nhiều biến đổi. Những thay đổi này làm suy giảm nguồn thức ăn và môi trường sống tự nhiên, ảnh hưởng trực tiếp đến sự quay trở lại và sinh tồn của loài Sếu đầu đỏ. Ngoài ra, việc canh tác nông nghiệp quá mức hiện nay cũng phần nào làm thu hẹp môi trường sinh sống của Sếu đầu đỏ, dẫn đến quần thể sếu về Tràm Chim ngày càng ít dần.
Theo thống kê của vườn quốc gia này, năm 2015 số lượng sếu về chỉ 21 con, 2016: 14 con, 2017: 9 con , 2018: 11 con, 2019: 11 con. Năm 2020, sếu không về, năm 2021 về 3 con rồi vắng bóng hai năm sau.
Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/goi-seu-ve-dong-thap-muoi-204250720185424809.htm