Gọi tên hòa bình – Bài 1: Nỗi ám ảnh kinh hoàng

Tháng 8/2025 đánh dấu tròn 80 năm kể từ khi hai quả bom nguyên tử hủy diệt các thành phố Hiroshima và Nagasaki, cướp đi sinh mạng của hàng trăm nghìn người và để lại nỗi đau âm ỉ kéo dài qua nhiều thế hệ.

Những hibakusha – người sống sót sau thảm họa – đang dần rời xa cõi trần, mang theo cả ký ức sống động về một trong những bi kịch đen tối nhất của nhân loại. Khi thời gian không còn đợi, Nhật Bản bước vào một cuộc chạy đua gìn giữ ký ức, không chỉ bằng lời kể, sách vở, mà cả bằng công nghệ hiện đại.

Chùm 3 bài viết "Gọi tên hòa bình" (Bài 1: Nỗi ám ảnh kinh hoàng, bài 2: Di sản ký ức, bài 3: Thông điệp của hibakusha) của phóng viên TTXVN tại Nhật Bản đưa độc giả trở lại với những buổi sáng định mệnh và theo chân những nỗ lực không ngơi nghỉ nhằm gìn giữ tiếng nói cuối cùng của lịch sử cũng như kể lại hành trình thúc đẩy hòa bình từ quá khứ tới tương lai của những người dân hai thành phố này.

Bài 1: Nỗi ám ảnh kinh hoàng

Ông Ikeda Matsuyoshi, một hibakusha tại Nagasaki, vẫn nhớ rõ từng khoảnh khắc đau thương trong ngày 9/8/1945. Ảnh: Nguyễn Tuyến/PV TTXVN tại Nhật Bản

Ông Ikeda Matsuyoshi, một hibakusha tại Nagasaki, vẫn nhớ rõ từng khoảnh khắc đau thương trong ngày 9/8/1945. Ảnh: Nguyễn Tuyến/PV TTXVN tại Nhật Bản

Ông Ikeda Matsuyoshi, một hibakusha (nạn nhân sống sót sau thảm họa bom nguyên tử) tại Nagasaki, vẫn nhớ rõ từng khoảnh khắc đau thương trong ngày 9/8/1945. “Vào lúc đó, chúng tôi chỉ thấy một tia sáng lóe lên, rồi là tiếng nổ kinh hoàng và sau đó là cảm giác như trần nhà sụp đổ” - ông hồi tưởng. Sau vụ nổ, cả thị trấn Urakami chìm trong biển lửa và không còn gì ngoài đống hoang tàn và những thi thể nằm la liệt trên phố. Trong số các nạn nhân, cha và bà của ông đã qua đời trong những hoàn cảnh thảm khốc. Ông nhớ lại hình ảnh cha mình, một công nhân tại nhà máy vũ khí, đã xin nước và uống trước khi ngã quỵ và qua đời, và bà của ông, khi đi nhổ cỏ khoai tây, đã bị trúng bom và chết ngay lập tức.

Ký ức về cảnh tượng đổ nát, những thi thể không thể hỏa táng kịp và những đau khổ của những người sống sót vẫn ám ảnh ông đến tận ngày nay. Matsuyoshi chia sẻ rằng, đối với ông, cùng với nỗi đau lớn nhất là cái chết của người thân, cảnh tượng "hỏa táng người chết không kịp” mãi ám ảnh ông - một đứa trẻ 7 tuổi vào thời điểm đó.

Câu chuyện của cụ bà Matsuo Tomoko, một nạn nhân của bom nguyên tử tại Nagasaki, cũng chứa đựng những đau thương không thể nào quên. Khi bom nguyên tử nổ, cô bé Tomoko khi đó chỉ biết đến một cảm giác kinh hoàng mà không thể diễn tả bằng lời. "Lúc đó, tôi không hiểu gì về bom nguyên tử, tôi chỉ nghĩ rằng bom đã rơi đâu đó gần đấy" - cụ bà nói.

Cụ Matsuo Tomoko, hibakusha tại Nagasaki, day dứt khi nhớ lại những ngày cuối cùng của chị gái 16 tuổi qua đời do bom nguyên tử. Ảnh: Nguyễn Tuyến/PV TTXVN tại Nhật Bản

Cụ Matsuo Tomoko, hibakusha tại Nagasaki, day dứt khi nhớ lại những ngày cuối cùng của chị gái 16 tuổi qua đời do bom nguyên tử. Ảnh: Nguyễn Tuyến/PV TTXVN tại Nhật Bản

Chị gái của cụ Tomoko, khi đó là một cô gái 16 tuổi, đã mất tích ba ngày sau vụ nổ. Khi trở về, người chị gái trong tình trạng kiệt sức, với những vết bầm tím khắp cơ thể. Mặc dù bề ngoài dường như không có vết thương nghiêm trọng nhưng sức khỏe hoàn toàn suy kiệt. "Chúng tôi đã cố gắng hết sức để đút cho chị ăn, nhưng chị không ăn được"- cụ bà Tomoko nhớ lại. Người chị gái cuối cùng không thể qua khỏi. Với ánh mắt buồn bã, cụ tâm sự luôn cảm thấy ân hận vì đã không thể hiểu được nỗi đau mà người chị gái phải chịu đựng.

Ngày 6/8/1945, Yoshiko Kajimoto, khi ấy mới 14 tuổi, bắt đầu buổi sáng oi ả như mọi ngày tại nhà máy sản xuất phụ tùng máy bay ở Hiroshima. Đêm hôm trước, tiếng còi báo động không kích đã khiến cô bé không ngủ được. Cùng bạn bè tán gẫu, cô bé than thở: “Mình buồn ngủ quá” mà không ngờ rằng chỉ vài phút sau, cuộc đời sẽ rẽ sang một ngã rẽ kinh hoàng.

Cụ Yoshiko Kajimoto, một hibakusha của Hiroshima, cùng với phiên bản AI của mình, trong buổi trình diễn hệ thống AI đối thoại dựa trên ký ức thật. Ảnh: Nguyễn Tuyến/PV TTXVN tại Nhật Bản

Cụ Yoshiko Kajimoto, một hibakusha của Hiroshima, cùng với phiên bản AI của mình, trong buổi trình diễn hệ thống AI đối thoại dựa trên ký ức thật. Ảnh: Nguyễn Tuyến/PV TTXVN tại Nhật Bản

Lúc 8h15, một tia sáng xanh lóe lên qua cửa kính – khoảnh khắc vừa đẹp kỳ lạ, vừa là điềm báo chết chóc. Theo phản xạ, cô chui xuống gầm máy, lấy tay che mặt, nhưng không gì chuẩn bị nổi cho tiếng nổ kinh hoàng tiếp theo – cơ thể bị hất tung, rồi bóng tối nuốt chửng.

Tỉnh lại, Yoshiko bị chôn vùi từ cổ trở xuống trong đống đổ nát, máu chảy đầm đìa, bạn bè kêu cứu khắp nơi. Hiroshima khi ấy chỉ còn là địa ngục – những “bóng ma sống” đi trong tro bụi, da cháy rộp, mắt nhắm nghiền, tay giơ ra phía trước, áo quần rách tả tơi.

Một cậu học sinh trung học ôm theo cánh tay bị đứt, bước tới rồi ngã xuống chết ngay trước mắt cô. “Hẳn cậu ấy cũng từng có bao mộng tưởng,” Yoshiko nghẹn ngào. Bà may mắn sống sót, nhưng mất cha vì nhiễm phóng xạ, bản thân cũng mang bệnh tật suốt đời. Cùng với hàng nghìn hibakusha, bà không chỉ chịu đau đớn thể xác mà còn bị phân biệt, kỳ thị. Dẫu vậy, Yoshiko vẫn nuôi mẹ, chăm em, vượt qua những năm tháng khốn khó. “Tôi hy vọng con người ngày nay sẽ không bao giờ phải trải qua những điều như chúng tôi từng trải qua” – ký ức của bà là lời nhắc nhở không bao giờ nên quên: về chiến tranh, về hòa bình, và về lòng nhân ái.

Lịch sử đau thương của những nạn nhân bom nguyên tử tại Hiroshima và Nagasaki vẫn sống mãi trong lòng người dân Nhật Bản. Những ký ức về thảm họa bom nguyên tử năm 1945 không chỉ là những hồi tưởng cá nhân, mà là những bài học lịch sử đầy đau đớn, nhắc nhở sự tàn phá của chiến tranh. Những gì hibakusha đã trải qua, những mất mát to lớn đó là lời nhắc nhở mạnh mẽ về những tàn phá mà chiến tranh và vũ khí hạt nhân có thể gây ra. Với những ký ức không thể xóa nhòa trong lòng người dân Nagasaki và Hiroshima, họ đã và đang không ngừng đấu tranh cho hòa bình và kêu gọi thế giới hãy hành động để xóa bỏ vũ khí hạt nhân, tạo dựng một tương lai hòa bình cho các thế hệ mai sau.

Bài 2: Di sản ký ức

Nguyễn Tuyến - Xuân Giao (PV TTXVN tại Nhật Bản)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/goi-ten-hoabinh-bai-1-noi-am-anh-kinh-hoang-20250718170412697.htm