Đồng Tháp: Tích cực thực hiện Đề án Bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ
Chiều 18/7, Vườn quốc gia Tràm Chim, tỉnh Đồng Tháp tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện các nội dung Đề án Bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2022-2032.

Giám đốc Vườn quốc gia Tràm Chim Nguyễn Văn Lâm thông tin về công tác chăm sóc sếu đầu đỏ.
Đạt nhiều kết quả ban đầu
Đến nay, Đề án tại Vườn quốc gia Tràm Chim đã đạt được những kết quả ban đầu với tất cả 5 nội dung trọng tâm đề ra.
Theo đó, đối với công tác nhận, nuôi dưỡng sếu chuyển giao, đồng thời nghiên cứu sinh sản và tái thả sếu đầu đỏ về tự nhiên tại Vườn quốc gia Tràm Chim, tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức các chuyến học tập, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ kỹ thuật.
Trong năm 2024, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp cùng nhóm cán bộ kỹ thuật của vườn đã có chuyến tham quan học tập mô hình nuôi, bảo tồn sếu tại Hội Sếu quốc tế (ICF)-Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Tham quan mô hình nuôi dưỡng 15 loài sếu trên thế giới, tham quan các điều kiện sinh thái các vùng lân cận và các phương pháp chăm sóc các loài sếu.
Cũng trong năm qua, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp quyết định cử đoàn cán bộ kỹ thuật sang vương quốc Thái Lan để học tập mô hình nuôi dưỡng, chăm sóc sếu và thả về thiên nhiên. Thông qua chuyến tập huấn, nhóm chăm sóc cũng đã xây dựng quy trình chăm sóc tạm thời để có thể thực hiện bước đầu về chăm sóc sếu tại đơn vị.
Sau những chuyến học tập, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ và thực hiện kỹ lưỡng các khâu chuẩn bị, từ ngày 8/4 đến 19/4/2025, tỉnh đã hoàn thành công tác tiếp nhận lần 1 gồm từ Thái Lan về Việt Nam.
Các bên liên quan đã phối hợp thực hiện tốt và tuân thủ công tác cách ly, kiểm dịch tại Thảo Cầm Viên Sài Gòn. Sau đó, các cá thể sếu được vận chuyển về Vườn quốc gia Tràm Chim để tiếp tục chăm sóc, nuôi dưỡng tại phân khu A3.
Giám đốc Vườn quốc gia Tràm Chim Nguyễn Văn Lâm cho biết: Đội ngũ kỹ thuật đã thực hiện theo quy trình chăm sóc sếu và tuân thủ đúng các quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng hằng ngày. Bước đầu cho thấy, 5/6 cá thể sếu đã thích nghi tốt với điều kiện tại .
Có 5/6 sếu đầu đỏ khỏe mạnh
Sau khi tiếp nhận 6 cá thể sếu, Vườn quốc gia Tràm Chim đã thành lập Tổ quản lý và chăm sóc sếu đầu đỏ, thành phần gồm 9 thành viên: 1 tổ trưởng và thư ký tổ; 2 bác sĩ thú y và các thành viên chăm sóc sếu hằng ngày.
Về thiết kế khẩu phần ăn cho sếu,vườn thực hiện theo đúng quy trình tạm thời đã được ban hành từ kinh nghiệm các lớp tập huấn tại Thái Lan và Hội sếu quốc tế (ICF). Hằng tuần, Tổ chăm sóc có nhiệm vụ thiết kế khẩu phần ăn cho các cá thể sếu. Ngoài khẩu phần thức ăn viên, các thức ăn tự nhiên kèm theo bao gồm: cá nhỏ, dế, ếch con, sâu gạo và củ năng có sẵn ngoài tự nhiên.
Ngoài ra, vườn còn thành lập nhóm hỗ trợ chăm sóc sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim. Nhóm được thành lập để hỗ trợ trong quá trình chăm sóc sếu đầu đỏ, chia sẻ thông tin hữu ích trong quá trình chăm sóc.
Kết quả thực hiện chăm sóc sếu thời gian qua, Giám đốc Vườn quốc gia Tràm Chim Nguyễn Văn Lâm cho biết: Qua thời gian tiếp nhận và chăm sóc, các cá thể sếu đã thích nghi rất tốt với điều kiện chăm sóc tại đơn vị.
“Sau bữa ăn, các cá thể sếu thường nhảy múa, bay lượn và tìm kiếm những thức ăn chung quanh chuồng. Đây là các hành vi quan trọng để đánh giá sức khỏe, tâm lý và khả năng thích nghi của loài”, Giám đốc Vườn quốc gia Tràm Chim Nguyễn Văn Lâm thông tin.

Sếu đầu đỏ được chăm sóc tại Vườn quốc gia Tràm Chim. (Ảnh chụp màn hình từ camera giám sát)
Sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim được nuôi nhốt, thực hiện đúng theo hướng dẫn của các chuyên gia tại Thái Lan cũng như tư vấn của Hội Sếu quốc tế.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Lâm cho biết, trong quá trình nuôi, có 1 cá thể sếu không thích nghi được nên đã tử vong. Đối với 5 cá thể sếu còn lại hiện đang được chăm sóc tốt, cơ bản thích nghi với môi trường khu bảo tồn của Vườn quốc gia Tràm Chim và khỏe mạnh.
Để xác định nguyên nhân sếu tử vong, (tại khu A3, Vườn quốc gia Tràm Chim), các chuyên gia Thảo Cầm Viên, phối hợp với ngành thú y tỉnh Đồng Tháp, chuyên gia Thái Lan và Hội Sếu quốc tế đã khám tử cá thể sếu. Kết quả không ghi nhận bất kỳ dấu hiệu nào liên quan đến chấn thương, viêm nhiễm, ký sinh trùng nội tạng hay dị vật đường tiêu hóa.
Kết quả khám tử cho thấy, cá thể sếu không phải chết do các nguyên nhân liên quan đến quá trình vận chuyển từ Thái Lan về Việt Nam hay nuôi cách ly tại Thảo Cầm Viên Sài Gòn, Vườn Quốc gia Tràm Chim.
Nguyên nhân tử vong có thể là không thích nghi được, dẫn đến suy nhược cơ thể. Quá trình suy nhược cơ thể đã làm giảm sức đề kháng và khả năng thích nghi với môi trường mới. Quan sát trong thời gian nuôi cách ly cho thấy, cá thể này đã có biểu hiện ít vận động và ăn uống kém hơn nhiều so với các cá thể khác.
Tiến sĩ Trần Triết, Hội Sếu quốc tế, giảng viên Trường đại học Khoa học tự nhiên Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Đây là lần đầu tiên có hợp tác song phương giữa hai quốc gia (Việt Nam-Thái Lan) trong việc chuyển giao các cá thể Sếu đầu đỏ phục vụ công tác bảo tồn, phục hồi quần thể loài và cũng là lần đầu tiên vận chuyển sếu đã lớn (7 tháng tuổi).
Quá trình vận chuyển từ Thái Lan về Việt Nam thực sự rất khó khăn cho các cá thể sếu, kéo dài 16 giờ, bằng phương tiện đường bộ và đường hàng không, trong điều kiện thời tiết nắng nóng, các cá thể sếu lại không được ăn và uống do phải ở trong thùng cách ly.
Việc vận chuyển động vật, nhất là những loài chim có kích thước lớn như sếu, luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trong quá trình chuẩn bị, Bác sĩ Diana Boon, trưởng bộ phận thú y của Hội Sếu quốc tế, đã tư vấn cho nhóm công tác Thái Lan và Việt Nam cần chuẩn bị tinh thần cho những tình huống xấu nhất.
Theo bác sĩ Diana Boon, những chấn thương như gãy chân, gãy cánh, hay chấn thương ở vùng cổ rất dễ xảy ra và có thể dẫn đến tử vong. Do vậy, việc toàn bộ 6 cá thể sếu về đến Việt Nam an toàn là một thành công rất lớn, tạo tiền đề cho những lần vận chuyển sắp tới.
Đồng bộ các giải pháp
Tỉnh Đồng Tháp xác định Đề án Bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2022-2032 là nhiệm vụ trọng tâm về bảo tồn của tỉnh, do đó đã tạo mọi điều kiện thuận lợi về cơ chế, nguồn lực để đề án triển khai. Lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành liên quan thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện.
Đề án có sự tham gia của nhiều tổ chức, chuyên gia uy tín. Hội Sếu quốc tế (ICF) và Hiệp hội Vườn thú Việt Nam hỗ trợ kỹ thuật; Tổ chức ZPOT của Thái Lan cam kết cung cấp sếu non và đào tạo nhân lực.
Bên cạnh đó, các viện nghiên cứu, trường đại học trong nước (Đại học Cần Thơ, Đại học Khoa học tự nhiên Thành phố Hồ Chí Minh…) cũng phối hợp nghiên cứu, tư vấn khoa học cho đề án. Sự hợp tác này mang lại nguồn tri thức và kinh nghiệm quý báu, nâng cao tính khả thi cho chương trình.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Minh Tuấn cho biết: “Đề án Bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ đạt được nhiều kết quả tích cực cũng là nhờ sự đồng thuận của cộng đồng địa phương”.
Chính quyền và người dân các xã chung quanh rất ủng hộ Đề án. Người dân quanh vùng Tràm Chim xem loài sếu như một biểu tượng và thể hiện tự hào khi sếu quay về. Nhiều hộ dân sẵn sàng tham gia các mô hình lúa sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn sếu. Sự ủng hộ và tham gia tích cực từ cộng đồng là tiền đề quan trọng giúp đề án triển khai thuận lợi và bền vững.
Theo Vườn quốc gia Tràm Chim, khó khăn trong thời gian tới đó là nguy cơ rủi ro thiên tai, dịch bệnh. Do phạm vi thực hiện đề án kéo dài nhiều năm, không thể tránh khỏi các biến cố thiên tai (hạn hán, lũ lụt) hoặc dịch bệnh có thể xảy ra, ảnh hưởng đến tiến độ và kết quả thực hiện. Đặc biệt, dịch bệnh trên đàn sếu nuôi (thí dụ cúm gia cầm) là mối lo ngại lớn, đòi hỏi phải có phương án phòng, chống nghiêm ngặt.
Song song đó, việc thách thức trong phục hồi sinh cảnh và xây dựng vùng đệm an toàn; thiếu hụt nhân lực chuyên môn (như công tác nuôi, huấn luyện, chăm sóc sếu đòi hỏi kỹ thuật cao và kinh nghiệm sâu trong ngành bảo tồn động vật hoang dã); Yêu cầu cao về năng lực quản lý… cũng là những khó khăn trong thực hiện đề án.
Định hướng triển khai thực hiện đề án, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Minh Tuấn cho biết, trong giai đoạn tiếp theo, tỉnh kiện toàn Ban điều hành đề án và các tổ chuyên môn thuộc Ban Điều hành đề án; Hoàn thiện các phương án vận chuyển sếu đầu đỏ về Vườn quốc gia Tràm Chim đợt 2 năm 2026. Vườn tiếp nhận sếu và khởi động tái thả sếu về thiên nhiên.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Minh Tuấn phát biểu định hướng triển khai thực hiện đề án thời gian tới.
Cùng với đó, Vườn quốc gia tiếp tục nâng cao năng lực chuyên môn: Cử thêm nhân viên kỹ thuật sang tập huấn tại Thái Lan về kỹ thuật ấp trứng, nuôi dưỡng sếu non, ghép đôi sinh sản và theo dõi sếu sau thả.
Đồng thời, mời các chuyên gia quốc tế tiếp tục sang Tràm Chim đào tạo tại chỗ cho toàn bộ ê-kíp. Mục tiêu trong 2 năm tới, đội ngũ cán bộ Tràm Chim có thể làm chủ hoàn toàn quy trình chăm sóc, nhân nuôi và bảo vệ đàn sếu ngoài tự nhiên.