Gói thuốc nổ như bánh chưng để phá thác
Để chuẩn bị cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, bộ đội vận tải phải vận chuyển lương thực, đạn dược theo nhiều hướng, trong đó có hướng chính theo sông Nậm Na. Sông dài 120km nhưng có tới gần 100 ngọn thác, trong đó có hàng chục thác lớn, nguy hiểm.
Để công tác vận chuyển thuận lợi, cấp trên đã giao Tiểu đoàn 555, Trung đoàn 151 (Đại đoàn 351) tìm cách phá thác trên đoạn sông này.
Nhận nhiệm vụ, chỉ huy đơn vị nghĩ mãi chưa ra cách đưa bộc phá xuống chân thác vì nước lớn, chảy xiết, trong khi nguyên vật liệu để gói thuốc nổ chống thấm nước lại không có. Thời điểm ấy đúng vào dịp Tết, vì vậy, chiến sĩ Phan Tư, một “chuyên gia đánh bộc phá” của đơn vị đã nghĩ ra ý tưởng: Gói thuốc nổ trong lá dong như cách gói bánh chưng rồi buộc thật chặt, ngâm xuống suối, thuốc nổ sẽ không bị ngấm nước. Nghe Phan Tư trình bày, cả đơn vị hò reo, chia nhau vào rừng chặt lá chuối, nứa, vầu để gói bộc phá. Tuy nhiên, khi gói xong thuốc nổ, đến công đoạn dùi lỗ để nối dây cháy chậm thì mọi người lại gặp vấn đề khó vì không biết làm cách nào để hàn kín lỗ, tránh nước ngấm vào. Đang bế tắc, nhìn thấy anh nuôi mang cơm nếp lên, Phan Tư lại nghĩ ra sáng kiến nhào kỹ cơm nếp nát thành hồ để hàn rồi phơi khô.
Khi đến thác Hang, thác có tiếng hung dữ trên sông Nậm Na, Phan Tư xung phong lặn xuống xác định vị trí, sau đó cùng hai chiến sĩ khác tìm cách đặt khối bộc phá để phá. Hồi đó, dây cháy chậm rất hiếm nên các anh đo đạc, tính toán rất tỉ mỉ, triệt để tiết kiệm. Đợi Phan Tư ôm khối bộc phá lặn xuống, chiến sĩ châm lửa và cầm sào định hướng được lệnh chạy lên bờ. Phan Tư có 40 giây để đặt khối bộc phá và thoát ra khỏi khu vực này. Tuy nhiên, do nước chảy quá xiết nên mọi tính toán ban đầu bị sai lệch. Thời gian đã sắp hết nhưng anh vẫn bình tĩnh đặt khối nổ đúng vị trí được xác định rồi đạp mạnh chân vào tảng đá để ngoi lên. Vừa lúc đó, tiếng nổ long trời lở đất vang lên, đất, đá, nước bắn tung tóe, dòng thác Hang bị đánh sập. Trên bờ, mọi người đều nghĩ Phan Tư đã hy sinh nên cúi đầu mặc niệm. Đột nhiên, đồng đội phát hiện phía hạ lưu, cách chân thác vài chục mét có bóng người dập dềnh. Phan Tư không hy sinh mà chỉ bị sức ép của khối bộc phá làm bắn ra xa, bị thương khá nặng.
Sau đó, sáng kiến đánh bộc phá của Phan Tư đã được phổ biến tới toàn đơn vị. Chỉ trong thời gian ngắn, 120km chiều dài sông Nậm Na được thông dòng, giúp lực lượng vận chuyển giảm được 1/3 công sức và thời gian, bảo đảm đầy đủ, kịp thời vũ khí, vật chất, hậu cần cho bộ đội chiến đấu thắng lợi.