Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng dành riêng cho nhà ở xã hội: Không đạt hiệu quả như kỳ vọng
Trong nhiều giải pháp được Chính phủ thông qua nhằm tăng nguồn cung nhà ở xã hội, thì gói tín dụng 120.000 tỷ đồng được kỳ vọng rất cao. Tuy nhiên, hiệu quả của gói tín dụng này chưa được như kỳ vọng.
Sốt sắng tìm giải pháp tăng nguồn cung nhà ở xã hội
Trong 1 năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã liên tục đốc thúc các cơ quan Bộ, ngành, địa phương tìm ra giải pháp nhằm tăng nguồn cung nhà ở xã hội, nhằm an sinh xã hội, đồng thời việc triển khai các loại hình nhà ở có thể “phá băng” thị trường bất động sản, vừa thúc đẩy hiệu quả phát triển kinh tế xã hội.
Thông qua các chỉ đạo của Chính phủ, nhiều giải pháp nhằm tăng nguồn cung nhà ở xã hội đã được thông qua. Đơn cử, chủ đầu tư phát triển các dự án nhà ở xã hội được dành tối đa 20% tổng diện tích đất để xây dựng công trình, dịch vụ, nhà ở thương mại; được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với toàn bộ diện tích đất của dự án; chủ đầu tư không phải thực hiện thủ tục xác định giá đất;...
Nhằm tăng tốc độ giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, mới đây, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại nghiên cứu, xây dựng và cung cấp gói tín dụng cho người mua nhà với thời gian từ 10 - 15 năm, có lãi suất thấp hơn từ 3 - 5% so với cho vay thương mại; nghiên cứu, xem xét hạ mức lãi suất cho vay từ gói tín dụng 120.000 tỷ đồng.
Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu các Bộ Xây dựng, Tài nguyên Môi trường, Ngân hàng Nhà nước tập trung xây dựng, sớm ban hành các nghị định, văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn liên quan đến việc triển khai các dự án nhà ở xã hội. Tập trung tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính trong lựa chọn nhà đầu tư, triển khai dự án nhà ở xã hội để tiết kiệm thời gian, khuyến khích, huy động các nguồn lực xã hội.
Nổi bật nhất là gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, dành cho cả người mua nhà, lẫn chủ đầu tư được tiếp cận mức lãi suất thấp hơn thị trường khi mua, đầu tư nhà ở xã hội.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, dù đã có giải pháp song nguồn cung nhà ở xã hội vẫn được như kỳ vọng.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tính tới thời điểm hiện tại mới chỉ có 71 dự án hoàn thành, với số lượng gần 38.000 căn hộ đi vào hoạt động. Đồng thời, có 127 dự án với quy mô gần 108.000 căn hộ đang khởi công, xây dựng. Như vậy, khoảng cách tới 1 triệu căn hộ còn rất xa, mới chỉ đáp ứng 1/26 kế hoạch được Chính phủ đề ra.
Bộ Xây dựng còn nhấn mạnh, nhiều địa phương chưa quan tâm phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người lao động khu công nghiệp. Ngay cả những thành phố lớn, rất cần loại nhà ở này cũng đạt hiệu quả rất thấp. Đơn cử, Hà Nội mới chỉ có 1.181 căn, TP.HCM nhỉnh hơn 1 chút đạt 3.765 căn, Đà Nẵng đạt 1.880 căn,...
Dù vậy, vẫn có một số địa phương tích cực phát triển các dự án này, ví dụ như Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương, Hải Phòng, Đồng Nai,... Điều này chứng tỏ một điều rằng, nếu địa phương có quyết tâm, chắc chắn nguồn cung sẽ được cải thiện hơn hiện nay.
Trước thực trạng này, ngay từ đầu năm 2024, Chính phủ một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khuyến khích phát triển nhà ở xã hội. Chỉ trong chưa đầy 1 tháng qua, 3 sự kiện lớn liên quan tới vấn đề này đã diễn ra, thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc hoàn thành mục tiêu phát triển 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội.
Đơn cử, vào cuối tháng 2/2024, Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội nghị triển khai đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”.
Tiếp đến, vào sáng 12/3, Ngân hàng Nhà nước cũng tổ chức Hội nghị triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, dành cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng chung cư cũ.
Mới đây nhất, vào sáng 16/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội. Như vậy, có thể thấy, Chính phủ và các Bộ, ngành đang rất sốt sắng để tìm giải pháp hài hòa, đủ sức mạnh để tăng thêm các dự án nhà ở xã hội.
Giải pháp hỗ trợ được kỳ vọng, nhưng giải ngân chưa hiệu quả
Trong nhiều giải pháp được Chính phủ thông qua nhằm tăng nguồn cung nhà ở xã hội, thì gói tín dụng 120.000 tỷ đồng được kỳ vọng rất cao.
Về bản chất, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng không phải là gói tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội, mà chỉ là gói tín dụng thương mại với lãi suất thấp hơn 1,5 - 2% so với lãi suất cho vay thông thường dành cho chủ đầu tư và người mua nhà tại các dự án nhà ở xã hội.
Trong đó, chỉ có 4 ngân hàng thương mại nhà nước được giao nhiệm vụ giải ngân gói hỗ trợ này, bao gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank.
Tuy nhiên, hiệu quả của gói tín dụng này chưa được như kỳ vọng. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tính đến đầu tháng 3/2024, tức là sau gần 1 năm triển khai gói tín dụng này, mới chỉ có 6 dự án nhà ở xã hội tại 5 địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 415 tỷ đồng.
Theo nhận định của Bộ Xây dựng, các chủ đầu tư, cùng nhiều chuyên gia khác, có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng giải ngân gói tín dụng 120.000 chưa được như kỳ vọng.
Đơn cử, tại Hội nghị triển khai 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội diễn ra vào cuối tháng 2/2024, ông Nguyễn Thanh Nghị - Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết: Việc giải ngân gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng còn chậm so với mong muốn và nhu cầu thực tiễn của các doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.
“Vẫn còn vướng mắc, khó khăn của các doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân trong tiếp cận đất đai, thủ tục đầu tư xây dựng, tín dụng, chính sách ưu đãi…” - Bộ trưởng Bộ Xây dựng nói.
Vì vậy, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đề nghị cần rà soát lại việc triển khai gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ để có giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy việc tiếp cận, giải ngân gói tín dụng này.
Bên cạnh đó, mức lãi suất thấp hơn 1,5 - 2% so với lãi suất cho vay thông thường vẫn còn cao, chưa thật sự hấp dẫn, trong khi lợi nhuận bị giới hạn ở mức 10% tổng mức đầu tư.
Bộ Xây dựng phân tích, dù Ngân hàng Nhà nước đã 2 lần hạ lãi suất nguồn vốn 120.000 tỷ đồng, tuy nhiên với lãi suất áp dụng trong nửa đầu năm 2024 là 8%/năm đối với chủ đầu tư và 7,5% đối với người mua nhà và thời hạn được hưởng lãi suất ưu đãi ngắn (3 năm đối với chủ đầu tư, 5 năm đối với khách hàng cá nhân) khiến gói tín dụng này chưa thực sự thu hút người vay.
Do đó, Bộ Xây dựng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, xem xét hạ mức lãi suất cho vay nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng phù hợp với điều kiện thực tiễn trong từng giai đoạn; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc triển khai hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, không phải tất cả doanh nghiệp xây nhà ở xã hội đều có nhu cầu vay vốn. Nhiều dự án chưa có đầy đủ điều kiện để triển khai hoặc đang sử dụng vốn tự có.
Ông Nguyễn Xuân Bắc - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến nay mới có 28/63 UBND tỉnh gửi văn bản hoặc công bố trên Cổng thông tin điện tử về danh mục dự án tham gia Chương trình với 68 dự án.
Trong 68 dự án thuộc 28 tỉnh, thành phố thì có 30 dự án có nhu cầu vay vốn, các dự án còn lại không có nhu cầu vay vốn do đã hoàn thành hoặc đã thu xếp nguồn vốn khác.
Trong số 30 dự án có nhu cầu vay vốn, các ngân hàng thương mại đã cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án với số tiền cam kết là khoảng 7.000 tỷ đồng.
Định hướng trong thời gian tới, ông Bắc cho rằng, chương trình 120.000 tỷ đồng được triển khai trong gần 10 năm nhằm thực hiện Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội.
“Vì vậy, để đẩy mạnh Chương trình 120.000 tỷ đồng, cần có sự vào cuộc đồng bộ của hệ thống chính trị, các Bộ, ngành, địa phương quyết liệt đẩy nhanh tiến độ triển khai Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ, từ đó tạo ra các dự án nhà ở để các ngân hàng thương mại xem xét cho vay” - ông Bắc nói.