Gói tín dụng 120 nghìn tỷ cho nhà ở xã hội: Liều 'thuốc bổ' giá trị cho thị trường

Chính phủ 'chốt' phương án đề xuất triển khai Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng dành cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội. Tuy nhiên, gói tín dụng 120 nghìn tỷ chỉ giải ngân cho những dự án đảm bảo tính pháp lý tốt và có tính thanh khoản, giá cả phù hợp với thị trường...

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Trong đó, giao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chủ trì triển khai gói tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội vay với lãi suất thấp hơn 1,5-2% so với thị trường.

Ai hưởng lợi?

Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết, NHNN đã bàn với 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước là Vietcombank, Agribank, BIDV, VietinBank. Bốn ngân hàng đã thống nhất gói tín dụng quy mô 120 nghìn tỷ đồng (mỗi ngân hàng sẽ dành khoảng 30 nghìn tỷ đồng cho 2 đối tượng là nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân). Trường hợp có thêm các ngân hàng thương mại đủ điều kiện tham gia thì quy mô gói này có thể tăng lên.

Vietinbank là một trong 4 ngân hàng cam kết dành 30.000 tỷ đồng cho vay mua nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân.

Vietinbank là một trong 4 ngân hàng cam kết dành 30.000 tỷ đồng cho vay mua nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân.

Về lãi suất, xuất phát từ mong muốn giải quyết khó khăn cho thị trường bất động sản, các ngân hàng đã dự kiến mức lãi suất cho vay gói này sẽ thấp hơn từ 1,5 - 2% so với mức cho vay thông thường của các ngân hàng.

Nhận xét về gói tín dụng dành cho bất động sản, chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh, khẳng định tín dụng cho bất động tăng tới 24%, tăng gần gấp đôi so với tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế và chiếm tới 20% trong tổng tín dụng cho nền kinh tế "Cứ 5 đồng bỏ ra, đã có 1 đồng vào bất động sản. Vì vậy, việc có thêm gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng là một sự nỗ lực rất lớn của các ngân hàng", TS Ánh nói, đồng thời cho rằng gói 120.000 tỷ đồng lãi suất sẽ không cố định, chỉ thấp hơn lãi suất thị trường.

Trao đổi với VnBusiness, PGS.TS. Phạm Thị Hoàng Anh, Phó giám đốc Học viện Ngân hàng nhận xét, gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng là một trong những giải pháp có thể hỗ trợ cho sự phát triển lành mạnh hơn của thị trường bất động sản. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là tín dụng phải hướng tới phân khúc an toàn của thị trường bất động sản như: nhà ở xã hội, nhà cho công nhân ở khu công nghiệp, hoặc những dự án đảm bảo tính pháp lý tốt và có tính thanh khoản và giá cả phù hợp với thị trường. Đồng thời những dự án đó chủ đầu tư có tình hình tài chính tốt mới đáp ứng nhu cầu để vay được gói tín dụng này.

Còn chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, thị trường bất động sản sẽ được hưởng lợi từ gói tín dụng này, cụ thể là chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ và người có thu nhập thấp.

Có nên giảm bớt tiêu chí để người thu nhập thấp tiếp cận khoản vay?

Trước ý kiến cho rằng, cho vay mua nhà ở xã hội hiện nay tiêu chí để xem xét rất phức tạp, vậy có nên giảm bớt các tiêu chí để người mua nhà có thể tiếp cận được gói vay?

Theo PGS.TS. Phạm Thị Hoàng Anh, gần 10 năm trước đã có gói tín dụng 30 nghìn tỷ cho vay mua nhà ở xã hội. Tại thời điểm đó ngân hàng cũng đưa ra tất cả các điều kiện và gói tín dụng đó giải ngân khá hiệu quả, đáp ứng nhu cầu, giúp thị trường bất động sản đi đúng hướng, góp phần phục hồi thị trường.

“Hiện nay gói tín dụng đã tăng gấp 4 lần, với những yêu cầu mà cơ quan quản lý đặt ra từ chủ đầu tư bất động sản, người đi vay và cả các ngân hàng thương mại sẽ giúp đảm bảo gói tín dụng bất động sản đi đúng hướng và phát triển lành mạnh, theo đúng hướng của Chính phủ”, bà Hoàng Anh nói.

Đồng tình, ông Thịnh cũng cho rằng, gói tín dụng này dành 50% (khoảng 60 nghìn tỷ) cho vay các chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, còn lại là dành cho người mua nhà ở xã hội vay. Vì vậy, khi vay vốn khách hàng phải tuân thủ theo quy định của các ngân hàng thương mại.

“Ngân hàng phải xem xét điều kiện vay nợ, trả nợ. Nếu khách hàng không có khả năng trả nợ thì tính thực tiễn của khoản vay không có. Tuy nhiên, ngân hàng có thể xem xét ở khía cạnh, đưa ra các điều kiện vay nợ trả nợ phù hợp, đảm bảo thu hồi nợ cho ngân hàng và phù hợp với điều kiện hiện nay của xã hội để có thời gian vay dài ra, hoặc khoản vay lớn hơn để từ đó đáp ứng nhu cầu mua nhà của người dân”, ông Thịnh nói.

Tuy nhiên, các chuyên gia khẳng định, gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng chỉ là một trong những giải pháp hỗ trợ thị trường bất động sản phục hồi. Để thị trường phát triển lành mạnh, bền vững còn rất nhiều vấn đề cần xử lý.

Từ đó, ông Ánh lưu ý: Nếu doanh nghiệp tập trung sang nhà ở xã hội rất cần chú ý bởi còn nhiều vấn đề phải xử lý để làm sao phát triển phân khúc này bền vững. Nghị quyết 08 “mở lối thoát” trong vấn đề trái phiếu doanh nghiệp đến hạn đáo hạn và sắp đáo hạn quy mô vài trăm ngàn tỷ trong năm 2023 và 2024. Tuy nhiên, lại không giúp cho các doanh nghiệp bất động sản trong việc phát hành các trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ mới.

“Chưa có một nội dung nào giúp cho các doanh nghiệp bất động sản trong việc biến trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ trở thành một kênh quan trọng, ổn định, bền vững bên cạnh những kênh tài chính hiện nay. Đây là một bài toán mà các doanh nghiệp bất động sản cần chú ý”, ông Ánh nhấn mạnh.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/goi-tin-dung-120-nghin-ty-cho-nha-o-xa-hoi-lieu-thuoc-bo-gia-tri-cho-thi-truong-1091329.html