Gọi vợ bằng mày, gã sửa xe nhận kết đắng hối hận cả đời
Tình yêu là một tình cảm thiêng liêng cao đẹp nhất trong các tình cảm của con người vì vậy nó đòi hỏi cung cách ứng xử cao đẹp thay vì cách xưng hô 'mày - tao'.
Từ cách xưng hô đến hò hẹn hay cả khi trách cứ giận hờn cũng phải mang màu sắc đặc thù của tình yêu. Nếu chúng ta xử sự với tình yêu một cách suồng sã thiếu văn hóa thì dù có yêu nhau đến đâu cũng sẽ lụi tàn.
Tại sao có mối tình bền lâu kéo dài suốt cả cuộc đời, cũng có mối tình "ba bảy hăm mốt ngày" đã phải chia tay? Có người cho là số phận hoặc may rủi nhưng thực ra nếu đúng là tình yêu thì bao giờ khởi đầu cũng đẹp, chỉ có chúng ta không biết cách cư xử với nó nên làm cho nó xấu đi và tàn lụi dần.
Khác với tất cả các mối quan hệ xã hội khác như quan hệ làm ăn chẳng hạn, người ta có thể thân mật đến mức xưng hô "mày tao" với nhau cũng được. Bởi mục đích của mối quan hệ này là hiệu quả công việc chứ không phải là tình cảm. Miễn là kết quả công việc thu được thắng lợi, kiếm được nhiều tiền.
Nhưng mục đích của tình yêu khác hẳn.
Một hôm tôi đi xa, xe hỏng phải vào sửa chữa ở một hiệu xe máy bên đường. Người đàn ông độ hơn 40 tuổi, mặc quần đùi, áo may ô màu cháo lòng, râu ria nhôm nhoam vừa chữa xe vừa quay vào nhà gọi to: "Mít ơi, ra tao bảo đây, mày làm gì chết dấp trong ấy thế?".
Tưởng anh ta gọi con nhưng hóa ra gọi vợ, một cô vợ thuộc vào loại "mỏng mày hay hạt". Về sau tôi hay đi lại con đường đó và trở thành khách quen của anh ta. Có lần tôi nói đùa: "Ai lại gọi vợ bằng "mày", hồi mới yêu cũng thế à?". Thấy anh ta cười, tôi được thể: "Lúc mới tỏ tình cũng bảo "Tao yêu mày" à?". Nhưng anh ta cho là chồng có quyền gọi vợ như thế.
Tiếc rằng năm sau tôi đi qua, chỉ còn người đàn ông lọm cọm ngồi chữa xe một mình, vợ anh ta đã bỏ đi theo một gã nhân tình vào tận phía Nam. Biết đâu người đàn bà quanh năm bị chồng gọi là "mày" ấy đã đi theo gã tình nhân kia chỉ vì khát khao tiếng "em" một cách ngọt ngào.
Có người cho rằng xưng hô chẳng quan trọng gì miễn là chân thành. Nhưng thật ra, mối quan hệ giữa hai người khác giới, một khi đã có tình cảm với nhau bao giờ cũng ngọt ngào. Người ta đã tổng kết rằng, kể cả những gã đàn ông nói năng với vợ thô bỉ nhất, khi đi tán gái bao giờ cũng "anh anh em em" ngọt xớt.
Nhưng xưng hô chỉ là một khía cạnh. Sự bình đẳng trong tình yêu ở thời đại ngày nay đòi hỏi giữa hai người phải có mối quan hệ tôn trọng nhau. Sự tôn trọng đó không chỉ biểu hiện bằng lời nói mà trong từng cử chỉ, trong cung cách giao tiếp.
Không thể nào một chàng trai biết tôn trọng người yêu mà lại đến chỗ hẹn với bộ râu cả tuần chưa cạo hoặc cái áo sơ mi đã "diện" đến chục ngày. Người ta có thể cho đó là tác phong xuề xòa nhưng điều đó phơi bày tình cảm thật của anh ta. Không một ai từng háo hức đến điểm hẹn, mong chờ từng giờ từng phút để được gặp nhau lại có thể thiếu tôn trọng chính mình như thế chứ chưa nói là cần biết tôn trọng người yêu.
Ngay trong cách trò chuyện, âu yếm nhau cũng vậy. Người có văn hóa không bao giờ chỉ biết nói về mình mà không thèm nghe người khác nói về họ, thậm chí cắt phăng câu nói của người yêu để nói cho "đã" mồm.
Có người tự cho mình cái quyền "sở hữu" bạn tình đến mức muốn làm gì thì làm không cần biết người kia có thích hay không. Nên nhớ rằng bao giờ tình yêu cũng là quan hệ hai chiều. Cho càng nhiều thì nhận càng nhiều, khiến càng yêu thì tinh thần càng sung mãn, tình yêu làm cho họ đẹp hơn, tràn đầy sức sống hơn.
Các vua chúa ngày xưa có hàng trăm cung tần mỹ nữ và họ thường là những kẻ đoản thọ. Nguyên nhân chủ yếu không phải họ "yêu" quá nhiều mà là họ chỉ cho đi mà không nhận lại được nguồn năng lượng đáp lại của các cung tần mỹ nữ và chính vì thế mà họ suy kiệt.
Văn hóa trong tình yêu còn thể hiện ở tính lành mạnh của nó. Ngày nay có những người "đong đếm" tình yêu bằng số lượng bạn tình. Có người quan niệm yêu chỉ đơn giản là quan hệ thân xác với nhau. Cho nên hôm nay "yêu" người này, ngày mai lại "yêu" người khác. Họ thay người yêu như thay áo, dẫn tới lối sống đồi bại, trụy lạc.
Theo công an thành phố Hà Nội, khi bất ngờ ập vào bắt quả tang các "động lắc", một điều kinh khủng đến khó tin, có những đôi nam nữ đang quan hệ tình dục một cách ngang nhiên trước mặt đồng bọn. Khi tình yêu đã không có văn hóa thì cái mãnh lực hấp dẫn giữa người con trai và người con gái mất đi vẻ đẹp muôn thuở của nó, chỉ còn lại thứ quan hệ bệnh hoạn, đưa người ta đến tàn đời.
Đặc biệt, tính văn hóa thể hiện rõ nhất ngay khi người ta bắt đầu bày tỏ tình yêu, thường gọi là tỏ tình. Trong văn hóa truyền thống của dân tộc ta, người con trai có thể tỏ tình bằng lời nói hay bằng thư hoặc nhát quá phải nhờ người khác mai mối nhưng cung cách bao giờ cũng lịch sự, hào hoa nó trở thành những phút giây mà người ta ghi nhớ suốt đời.
Thế nhưng ngày nay có người bộc lộ sự thiếu văn hóa ngay từ lúc ban đầu. Một cô gái dở cười dở khóc kể với chuyên gia tư vấn rằng cô "bị" một anh chàng tỏ tình như sau: "Em đang đứng với mấy người bạn gái thì anh ta đi xe máy đến phanh kít lại cách mấy bước và gọi hách dịch "Lan, ra anh bảo". Em xấu hổ quá nhưng cũng đành phải ra gần đến nơi, anh ấy ngồi trên cái xe máy dạng hai chân hỏi :"Có yêu anh không. Trả lời ngay bây giờ, nói đi". Có lẽ từ thượng cổ đến nay, đến cả Chí Phèo tỏ tình với Thị Nở cũng còn "lịch sự" hơn.
Sự vô văn hóa không chỉ làm tình yêu xuống cấp mà có khi khiến cho có kẻ cuồng si giết người vì bị từ chối tình yêu.
Có thể nói, yêu là một trong những bản năng của con người, đã sinh ra làm người ai cũng có lần yêu nhưng văn hóa trong tình yêu thì không phải ai cũng biết. Khi xã hội càng văn minh, tự do yêu đương càng nảy nở thì ứng xử văn hóa trong tình yêu càng cần phải được coi trọng. Nếu không, chúng ta sẽ không còn thấy sự hào hoa thanh lịch của thứ tình cảm này nữa mà chỉ còn lại sự trao đổi những nhu cầu một cách thô thiển.