Gọi vốn phát triển mô hình quà tặng cá nhân hóa cùng chiến lược 'ở đâu rẻ nhất, bên em rẻ hơn 30%', startup Ranus khiến 2 Shark giành deal
Bán chiếc áo cá nhân hóa với mức giá thấp hơn thị trường, Phan Huy Hùng – Đồng sáng lập Ranus cho biết: 'Em định vị em là xưởng sản xuất. Em sẽ bán rẻ. Chiến lược của em là ở đâu rẻ nhất, bên em rẻ hơn 30%'. Quan điểm này của anh đã khiến các Shark vô cùng sửng sốt.
Xuất hiện tại Shark Tank Việt Nam mùa 7 tập 5, Phan Huy Hùng - Đồng sáng lập Ranus cho biết startup này phát triển một website tên là Ranus.vn, giúp người dùng dễ dàng mua sản phẩm cá nhân hóa như áo thun, bình nước, túi tote, ốp lưng điện thoại, sticker cũng như rất nhiều sản phẩm khác.
Đây là mô hình POD - print on demand. Theo đó, người dùng có thể tự thiết kế trên website với bất cứ hình ảnh gì và tiến hành đặt hàng, Ranus sẽ sản xuất và giao hàng trong ngày.
Thuyết phục các Shark rót vốn 2 tỷ cho 2% cổ phần, Huy Hùng nêu ra các điểm khác biệt của Ranus so với đối thủ: Thứ nhất thư viện để người dùng thiết kế trên web là do startup tự thiết kế. Ranus có năng lực viết firmware (phần mềm) và apply (kết nối) vào máy móc để sản xuất tự động hóa nên có thể scale up (nhân rộng) không giới hạn. Thêm nữa là tốc độ giao hàng nhanh, khách hàng đặt buổi sáng là buổi chiều nhận được hàng.
Chia sẻ về bức tranh tài chính, đồng sáng lập Ranus cho biết startup này đã dành 4 năm phát triển công nghệ, bao gồm giải quyết vấn đề website, sale và đơn hàng, sau đó giải quyết luôn vấn đề sản xuất.
4 năm phát triển cho công nghệ, đội ngũ sáng lập Ranus đã đầu tư tổng cộng 12 tỷ tiền mặt. Bắt đầu từ tháng 6 năm nay, Ranus mở bán và đến thời điểm lên Shark Tank đã đạt doanh thu 200 triệu.
Dự tính sự tăng trưởng doanh thu 6 tháng cuối năm 2024 tổng là 3 tỷ, lợi nhuận khoảng 400 triệu. Lợi nhuận gộp dự kiến là 35%, lợi nhuận ròng khoảng 12 – 15%. Huy Hùng hào hứng cho biết nếu doanh thu mỗi tháng khoảng 500 triệu là Ranus có thể đạt điểm hòa vốn và có dòng tiền dương trong 2 tháng tới. Ngoài ra, dự kiến doanh thu năm 2025 sẽ là 9 tỷ, tăng trưởng gấp 3 lần năm 2024.
Lộ trình của Ranus là năm 2025 xây dựng website để bán ở thị trường Mỹ. Startup dự kiến sản xuất tại Việt Nam và giao hàng sang Mỹ trong khoảng 5 ngày. Tuy nhiên Shark Bình đánh giá rằng mô hình này sẽ có thế mạnh cạnh tranh tại thị trường Việt Nam, còn ra nước ngoài thì startup thiếu đi thế mạnh bản địa hóa.
Với số vốn kêu gọi đầu tư là 2 tỷ cho 2% cổ phần, tương đương định giá doanh nghiệp pre-money là 98 tỷ, Shark Minh Beta không khỏi thắc mắc bởi định giá này gấp cả trăm lần mức lợi nhuận của năm sau.
Shark Minh cho rằng mô hình gọi vốn dựa trên tương lai đã qua rồi, bây giờ là phải dựa vào doanh thu và lợi nhuận thực.
Đồng quan điểm, Shark Bình cho biết: “sau Covid-19 thị trường vốn đã khác hẳn hoàn toàn. Bây giờ toàn bộ ngành công nghệ vốn bị hút hết vào AI chứ có vào chuyển đổi số các mô hình kinh doanh cũ này đâu”.
Tiếp đó, các Shark tiếp tục đặt ra câu hỏi về việc giá vốn sản xuất cao, chiếm đến 65%. Huy Hùng giải thích: “Ví dụ như cái áo này ở ngoài họ bán 300 – 400 ngàn nếu là áo cá nhân hóa. Trong khi đó, Ranus bán chỉ 160 ngàn, freeship toàn quốc. Nếu Shark mua 3 áo giá chỉ còn 145 ngàn/chiếc”.
Anh cũng lý giải cặn kẽ hơn: “Vì em định vị em là xưởng sản xuất. Em sẽ bán rẻ. Chiến lược của em là ở đâu rẻ nhất, bên em rẻ hơn 30%” và khẳng định mình không bán phá giá bởi bán phá giá là khi người bán hàng chịu lỗ để lấy thị trường hoặc khách hàng. Trong khi đó, Ranus vẫn có lợi nhuận.
Shark Thái khuyên startup nên chọn một trong hai phương hướng, hoặc là bán giá rẻ hẳn như một chiến lược marketing để tạo sự đột phá, hoặc là bán giá cao hơn vì nếu không bán giá cao thì sẽ không có chi phí để làm marketing. Vì không quá am hiểu về lĩnh vực của Ranus nên Phó Chủ tịch Thái Hương từ chối đầu tư.
Không cảm thấy bị thuyết phục, đồng thời mức gọi vốn của startup cao hơn so với quỹ đầu tư của bà nên Shark Lê Mỹ Nga không đầu tư.
Tiếp đó, Shark Hưng cũng từ chối đầu tư.
Dựa trên kết quả kinh doanh của startup, Shark Bình đề nghị đầu tư 6 tỷ cho 20% cổ phần, tương đương pre-money 24 tỷ, post-money 30 tỷ.
Shark Minh cho biết chuỗi rạp chiếu phim Beta Cinemas có tập khách hàng trẻ, hợp với mô hình của Ranus nên hai bên có thể collab (hợp tác) với nhau. Chủ tịch Beta Group đề nghị đầu tư in-kind, nghĩa là đổi các giá trị như thuê mặt bằng miễn phí, sử dụng công cụ truyền thông của Beta Group với tổng giá trị là 6 tỷ đồng, đổi lấy 20% cổ phần.
Đàm phán với các Shark, Huy Hùng cho biết, định giá doanh nghiệp 24 tỷ pre-money là khá thấp so với kỳ vọng của startup. Anh cũng chia sẻ mục tiêu gọi vốn của Ranus trong vòng này là không quá 5%.
Với quan điểm “phải làm bạn trước khi đầu tư số tiền lớn”, đồng sáng lập Ranus mong muốn định giá post-money của doanh nghiệp là 40 tỷ. Theo đó, anh đưa ra đề nghị các Shark đầu tư 2 tỷ cho 5% cổ phần.
Shark Minh Beta cho biết anh có thể đầu tư 2 tỷ in-kind đổi lấy 5% cổ phần, chuyển đổi bằng mặt bằng, nhân lực, truyền thông marketing. Ngay lập tức Shark Bình cũng bày tỏ rằng ông có thể đầu tư 1 tỷ đồng tiền mặt cho 5%, phần còn lại chuyển đổi bằng in-kind.
Với mục tiêu chia sẻ 5% ở vòng gọi vốn này, Huy Hùng nhận thấy Ranus chỉ có thể chốt deal với một nhà đầu tư. Cuối cùng anh đồng ý đề nghị đầu tư của Shark Minh là 2 tỷ in-kind đổi lấy 5% cổ phần.