Gợi ý những địa điểm đi chơi, tham quan trong dịp lễ Quốc khánh 2/9 tại Hà Nội

Dịp lễ Quốc khánh 2/9 năm nay được nghỉ 4 ngày là thời gian đủ dài để người dân và du khách có thể tận hưởng kỳ nghỉ ý nghĩa. Dưới đây là những địa điểm tham quan vui chơi ở Thủ đô Hà Nội mà bạn không thể bỏ lỡ.

Quảng trường Ba Đình, lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Nằm ở trung tâm Thủ đô, Quảng trường Ba Đình là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập vào ngày 2/9/1945. Vì thế quảng trường có ý nghĩa lớn với người dân Việt Nam. Dịp này, thăm Quảng trường Ba Đình và vào Lăng viếng Bác là cách để mỗi người thể hiện lòng biết ơn và kính trọng đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhớ lại giờ phút lịch sử thiêng liêng của dân tộc.

Sau khi thăm Lăng Bác, du khách có thể tham quan Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh; Bảo tàng Hồ Chí Minh. Dịp Quốc khánh 2/9, bảo tàng tổ chức nhiều triển lãm, hoạt động trải nghiệm giúp khách tham quan có cơ hội học hỏi, tìm hiểu về vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. Đây cũng là nơi giúp bạn hiểu thêm những giá trị của ngày Quốc khánh Việt Nam.

Phố đi bộ Hồ Gươm

Hồ Gươm (hay hồ Hoàn Kiếm) là địa điểm vui chơi không nên bỏ lỡ vào dịp Quốc khánh 2/9. Đến đây, bạn có thể vừa trải nghiệm văn hóa, các hoạt động vui chơi và còn kết hợp trải nghiệm ẩm thực tại phố Tạ Hiện, Cầu Gỗ, Mã Mây, Lương Ngọc Quyến...

Năm nay, Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội phối hợp các đơn vị, cá nhân tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện văn hóa đa dạng.

Cụ thể, Trung tâm Giao lưu Văn hóa phố cổ Hà Nội (số 50 phố Đào Duy Từ, phường Hàng Buồm) tổ chức trang trí không gian Tết Trung thu truyền thống. Trung tâm Thông tin di sản phố cổ (đền Quan Đế) diễn ra chương trình trải nghiệm làm đèn trung thu truyền thống.

Tại các không gian đi bộ quận Hoàn Kiếm có nhiều hoạt động ngoài trời hấp dẫn, như: Chương trình đạp xe diễu hành, trình diễn áo dài kết nối du lịch với di sản Hà Nội; biểu diễn văn hóa nghệ thuật vào buổi tối.

Tham quan các di tích lịch sử, cách mạng

Hà Nội có rất nhiều di tích lịch sử, cách mạng kháng chiến nổi tiếng. Trong đó có những di tích gắn với các sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc.

Một số “địa chỉ đỏ” nên tham quan vào dịp nghỉ lễ là: Di tích nhà số 48 Hàng Ngang - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Bản Tuyên ngôn Độc lập; di tích nhà số 90 Thợ Nhuộm - nơi Tổng Bí thư Trần Phú dự thảo bản Luận cương Chính trị đầu tiên của Đảng; di tích quốc gia “Nhà Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tháng 12/1946” tại làng Vạn Phúc (Hà Đông) - nơi Bác viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến...

Bên cạnh đó, du khách nên kết hợp trải nghiệm tham quan di tích Nhà tù Hỏa Lò, nơi chứng kiến sự gian khổ, hy sinh cũng như khí tiết sáng ngời của hàng nghìn chiến sĩ cách mạng Việt Nam trong thời kỳ đấu tranh đánh đuổi thực dân Pháp; tham quan Quảng trường Cách mạng Tháng Tám và Nhà hát Lớn Hà Nội.

Hoàng Thành Thăng Long kết hợp với Văn Miếu – Quốc Tử Giám

Kỳ nghỉ lễ 2/9, du khách có thể đến thăm Hoàng thành Thăng Long, hòa mình vào chuyến đi trở về cội nguồn và khám phá những công trình kiến trúc đồ sộ được xây dựng qua các triều đại.

Với những du khách yêu thích chụp ảnh với phong cách cổ xưa, không thể bỏ lỡ cơ hội khoác lên mình những bộ áo dài, việt phục và phụ kiện, thỏa thích check-in tại Đoan Môn (cổng chính dẫn vào Cấm thành), con đường đèn lồng rực rỡ sắc màu. Đặc biệt, dịp lễ 2/9, du khách có thể xem trình diễn múa rối nước miễn phí trong 2 ngày 1/9 và 2/9, buổi sáng từ 9 giờ - 10 giờ, buổi chiều từ 15 giờ - 16 giờ.

Ngoài Hoàng Thành Thăng Long, di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám cùng trục đường rất tiện cho người dân và du khách kết hợp tham quan trải nghiệm.

Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam

Từ 31/8 – 3/9, tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) sẽ tổ chức nhiều hoạt động hấp dẫn mừng Lễ Quốc khánh 2/9.

Các hoạt động nhân dịp Quốc khánh 2/9 tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ có sự tham gia của gần 300 nghệ nhân, đồng bào, nghệ sĩ, diễn viên quần chúng.

Hoạt động điểm nhấn của những ngày này có chủ đề “Vui Tết độc lập”: Tái hiện chợ phiên vùng cao “Sắc màu vùng cao” gồm có có hoạt động như: Chợ phiên vùng cao – Vui Tết độc lập; Giới thiệu nghệ thuật múa khèn của dân tộc Mông, tỉnh Thái Nguyên; Trình diễn giã bánh dày của dân tộc Mông, tỉnh Thái Nguyên; Chương trình dân ca, dân vũ “Vui Tết độc lập”; Tái hiện lễ cấp sắc của đồng bào dân tộc Nùng, tỉnh Thái Nguyên; Tái hiện nghi lễ gội đầu của dân tộc Thái, tỉnh Sơn La.

Bên cạnh đó, du khách đến Làng còn được trải nghiệm “Không gian văn hóa, du lịch tỉnh Bắc Ninh giữa lòng Hà Nội” gồm các hoạt động như: Trình diễn trò chơi dân gian “Kéo co làng Hữu Chấp” – Di sản văn hóa phi vật thể đa quốc gia; Nghệ thuật múa Rối nước Đồng Ngư; Trưng bày, giới thiệu hiện vật gốc pháo Đồng Kỵ; Giới thiệu Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại – Dân ca Quan họ Bắc Ninh; Trưng bày, giới thiệu kiến trúc, hình ảnh làng quê Quan họ, sản phẩm đặc trưng, trải nghiệm nghề thủ công truyền thống…

Bảo tàng gốm Bát Tràng

Bảo tàng gốm Bát Tràng được xây dựng trên một khu đất rộng thuộc địa phận số 28, thôn 5, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội, cách trung tâm Hà Nội khoảng 15 km. Nơi đây thu hút du khách bởi kiến trúc được lấy cảm hứng từ bàn xoay- một dụng cụ làm gốm của người dân làng Bát Tràng. Không gian bảo tàng được chia thành 6 tầng (6 khu trải nghiệm khác nhau) với những tác phẩm gốm bắt mắt, những trải nghiệm thú vị khi hóa thân thành nghệ nhân gốm, tự tay nhào nặn một sản phẩm gốm của riêng mình… Dịp nghỉ lễ 2/9 này, du khách có thể cùng bạn bè, người thân đến trải nghiệm làm gốm và lưu giữ nhiều kỷ niệm bên nhau.

Làng cổ Đường Lâm

Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây), cách Hà Nội khoảng 45 km, là một ngôi làng cổ lâu đời, vẫn giữ trọn vẹn những đặc trưng cơ bản của làng quê Bắc Bộ, với giếng nước, gốc đa, sân đình, con đường gạch, tường đá ong… Dịp nghỉ lễ năm nay, du khách có thể cùng gia đình đến thăm làng cổ, khám phá những nét kiến trúc cổ xưa, thưởng thức những món ăn đặc sản của xứ Đoài.

Cùng với đó trải nghiệm sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật trên những viên ngói, chỉ với bột màu, đất nặn; trải nghiệm các nghề thủ công truyền thống… Đáng chú ý từ tối 31/8, tại cổng làng cổ sẽ trưng bày những chiếc đèn Trung thu khổng lồ được tạo hình theo các nhân vật lịch sử, con vật. Du khách đến dịp này có thể chiêm ngưỡng và check- in cùng những chiếc đèn khổng lồ này.

Vui chơi tại các công viên giải trí

Công viên Thủ Lệ là một trong những công viên lâu đời và nổi tiếng nhất Thủ đô, là địa điểm vui chơi dịp Quốc khánh 2/9 tại Hà Nội được nhiều gia đình lựa chọn. Vào dịp 2/9, công viên thường tổ chức nhiều hoạt động giải trí như xiếc, trò chơi dân gian và các khu vực ẩm thực đa dạng. Khu vườn thú của công viên hiện đang là nơi sinh sống của hơn 100 loài động vật khác nhau trong đó có hơn 50 loài chim, 35 loài thú và hơn 40 loài cá nước mặn khác nhau. Các khu nuôi voi, khỉ, đà điểu... luôn nhận được sự yêu thích các gia đình khi đưa trẻ nhỏ đến trải nghiệm.

H.A

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/goi-y-nhung-dia-diem-di-choi-tham-quan-trong-dip-le-quoc-khanh-29-tai-ha-noi-92601.html