Golden Gate giờ của ai?
Tính đến cuối năm 2022, ba nhà đầu tư ngoại đã sở hữu 35,67% cổ phần Golden Gate – chủ sở hữu hơn 20 thương hiệu chuỗi nhà hàng nổi tiếng như Vuvuzela, Sumo BBQ, Kichi-Kichi. Song, tỷ lệ sở hữu thực tế có thể lớn hơn nhiều.
CTCP Tập đoàn Golden Gate (Golden Gate) – tên cũ: CTCP Dịch vụ thương mại Cổng Vàng) – vừa công bố tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 (AGM 2023).
Theo đó, năm 2023, Golden Gate đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 6.887 tỉ đồng, giảm 1,1% so với cùng kỳ năm trước. Mục tiêu lợi nhuận sau thuế chỉ là 167,2 tỉ đồng, giảm 74,6% so với năm 2022.
Kế hoạch lợi nhuận đi lùi của Golden Gate đã phần nào phản ánh tình hình khó khăn của ngành F&B. Trước đó, nhiều ông lớn ngành này cũng đặt mục tiêu khá khiêm tốn trong năm 2023.
Năm ngoái, Golden Gate ghi nhận doanh thu thuần đạt 6.965 tỉ đồng, gấp 2,1 lần so với năm 2021. Lợi nhuận sau thuế ngược dòng từ lỗ 430 tỉ đồng vào năm 2021 thành lãi kỷ lục 658,7 tỉ đồng vào năm 2022, vượt 75,3% kế hoạch.
Với kết quả này, ban lãnh đạo Golden Gate đề xuất AGM 2023 phương án chia cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt với tỷ lệ 257%, tương ứng 25.700 đồng/cp. Trước đó, công ty đã tạm ứng cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 65%, tương ứng 6.500 đồng/cp. Số cổ tức còn lại phải chi trả là 19.200 đồng/cp.
Với 7,69 triệu cổ phiếu đang lưu hành (tại thời điểm 31/12/2022), theo tính toán của VietTimes, Golden Gate sẽ phải chi thêm khoảng 147,7 tỉ đồng để trả nốt số cổ tức còn lại cho cổ đông.
Cơ cấu cổ đông của Golden Gate
Được thành lập từ năm 2005 bởi 3 doanh nhân người Việt là ông Đào Thế Vinh, ông Nguyễn Xuân Tường và ông Trần Việt Trung, đến nay, một lượng lớn cổ phần của Golden Gate đã được các nhà đầu tư nước ngoài thâu tóm.
Tính đến cuối năm 2022, CTCP Golden Gate Partners (Golden Gate Partners) là cổ đông lớn nhất ở Golden Gate với tỷ lệ sở hữu 43,88% vốn điều lệ, tương đương 3,37 triệu cổ phần; các ông Đào Thế Vinh, Nguyễn Xuân Tường và Trần Việt Trung - cổ đông sáng lập của Golden Gate, đồng thời cũng là cổ đông của Golden Gate Partners - lần lượt nắm giữ 400.537 cổ phần (5,21%); 235.439 cổ phần (3,06%) và 176.020 cổ phần (2,29%).
Tại ngày 31/12/2022, nhóm ba nhà đầu tư ngoại gồm Seletar Investments Pte Ltd (một quỹ đầu tư có quan hệ mật thiết với Temasek Holdings), SeaTown Private Capital Master Fund và Periwinkle Pte Ltd nắm giữ tổng cộng 2,74 triệu cổ phần, tương đương 35,67% vốn điều lệ Golden Gate.
Họ mua số cổ phần này vào tháng 3/2022 từ Prosperity Food Concepts Pte Ltd, ông Trần Việt Trung và ông Nguyễn Xuân Tường. Trong đó, Seletar Investments Pte Ltd mua 1,539.608 cổ phần, SeaTown Private Capital Master Fund mua 768.431 cổ phần và Periwinkle Pte Ltd mua 436.358 cổ phần.
Lưu ý rằng, tầm ảnh hưởng của ba cổ đông ngoại nêu trên ở Golden Gate có thể không chỉ dừng lại ở số cổ phần được thể hiện trong các tài liệu mà ‘ông trùm’ chuỗi nhà hàng tại Việt Nam đã công bố.
Dữ liệu của VietTimes cho thấy, vào tháng 3/2022, Golden Gate Partners đã thế chấp 1,4 triệu cổ phần, tương đương 18,34% tổng số cổ phần đã phát hành của Golden Gate tại Seletar Investments Pte Ltd, SeaTown Private Capital Master Fund và Periwinkle Pte Ltd.
Hiện tại, những vị trí chủ chốt nhất ở Golden Gate vẫn do những cổ đông nội đảm nhiệm.
Theo đó, HĐQT của Golden Gate hiện có 6 thành viên, bao gồm: Ông Trần Việt Trung (Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc thương mại); ông Đào Thế Vinh (Tổng giám đốc); ông Nguyễn Xuân Tường (Phó Tổng giám đốc); ông Dickson Loo Tit Choon; bà Đào Phương Lan; ông Thomas Lanyi.
Tại AGM 2023, HĐQT Golden Gate sẽ trình cổ đông thông qua phương án mua lại 1.190 cổ phiếu ESOP của người lao động đã nghỉ việc từ ngày 3/6/2022 – 26/5/2023, đồng thời phát hành 76.341 cổ phiếu ESOP với giá 10.000 đồng/cp. Thương vụ có thể giúp Golden Gate tăng vốn điều lệ lên 77,6 tỉ đồng./.
Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/golden-gate-gio-cua-ai-post167494.html