Golden Gate muốn kinh doanh cửa hàng tiện lợi

Việc bổ sung ngành nghề cửa hàng tiện lợi cho thấy tham vọng của Golden Gate trong việc vực lại hoạt động kinh doanh, khi bán lẻ vốn là thế mạnh của doanh nghiệp F&B hàng đầu này.

Công ty Thương mại Dịch vụ Cổng Vàng (Golden Gate) vừa công bố thông tin lấy ý kiến cổ đông về việc bổ sung 4 ngành nghề kinh doanh bao gồm: Hoạt động tư vấn quản lý; Bán lẻ nhiều loại mặt hàng trong cửa hàng tiện lợi (minimarket); Bán lẻ lương thực, thực phẩm, đồ uống, đồ tổng hợp khác qua website và ứng dụng điện thoại; Bán lẻ hình thức khác chưa được phân vào đâu.

Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng dự kiến đổi tên từ Công ty Thương mại Dịch vụ Cổng Vàng thành Tập đoàn Golden Gate.

Đáng chú ý, việc bổ sung ngành nghề cửa hàng tiện lợi cho thấy tham vọng của Golden Gate trong việc vực lại hoạt động kinh doanh, khi bán lẻ vốn là thế mạnh của doanh nghiệp F&B hàng đầu này.

Thời gian gần đây, thị trường cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam được đánh giá là "sáng cửa" khi chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng về số lượng của nhiều thương hiệu như: Circle K, FamilyMart, GS 25, 7- Eleven, Ministop...

Cuối năm ngoái, GS25 - liên doanh giữa Tập đoàn Sơn Kim và GS Retail, vận hành hệ thống chuỗi cửa hàng tiện lợi theo mô hình của Hàn Quốc được cân nhắc đầu tư khoảng 20 triệu USD từ Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) thuộc Ngân hàng Thế giới.

Sau 4 năm kể từ ngày ra mắt, GS25 là chuỗi có số lượng cửa hàng tiện lợi đứng thứ hai tại Việt Nam - khoảng 200 cửa hàng. Với việc Golden Gate có thể tham gia vào thị trường này, tới đây "cuộc đua" cửa hàng tiện lợi sẽ trở nên rất hấp dẫn.

Chuỗi lẩu, nướng lớn nhất Việt Nam muốn kinh doanh cửa hàng tiện lợi

Chuỗi lẩu, nướng lớn nhất Việt Nam muốn kinh doanh cửa hàng tiện lợi

Golden Gate được cho là đang nằm trong giai đoạn tái cấu trúc, sau khi có thêm sự xuất hiện của cổ đông ngoại với gần 33% vốn góp của nhà đầu tư cũ Prosperity Food Concepts và một phần nhỏ vốn góp của hai nhà đồng sáng lập công ty đã chuyển đổi sang cho nhóm cổ đông mới bao gồm Temasek; SeaTown Private Capital và Periwinkle.

Năm 2021, Golden Gate thu về 3.318 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 1.241 tỷ, tương ứng giảm 27,2% so với năm 2020. Công ty lỗ sau thuế hơn 430 tỷ đồng, trong khi năm 2020 có lãi hơn 64 tỷ. Đây cũng là lần đầu tiên công ty thua lỗ kể từ năm 2008.

Năm ngoái, Golden Gate đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất là 7.002 tỷ đồng, hơn gấp đôi năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế kỳ vọng đạt 375 tỷ đồng và có lãi trở lại.

Trong đó, việc mở rộng quy mô các chuỗi cửa hàng ăn uống được xem là chiến lược cốt lõi. Ngoài các thương hiệu đã thành danh như: Kichi Kichi, Manwah, Gogi House..., Golden Gate đã bước chân vào một ngách thị trường mới là cơm suất bệnh viện với cụm dịch vụ Căng tin - Cà phê - Siêu thị tiện ích Benhvientot.vn.

Golden Gate hiện sở hữu hơn 22 thương hiệu cùng hơn 400 nhà hàng ở hơn 45 tỉnh thành. Lãnh đạo Golden Gate từng cho biết có kế hoạch mở thêm 600 nhà hàng, nâng con số tổng cộng lên trên 1.000 điểm và hướng tới doanh thu 1 tỷ USD.

Việt Hưng

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/golden-gate-muon-kinh-doanh-cua-hang-tien-loi-1676530770919.htm