Golden Gate thu hơn 12 tỷ đồng/ngày nhờ bán lẩu, bia tươi, thịt nướng

Golden Gate thu về 4.559 tỷ đồng trong năm 2020, nhưng không đạt mục tiêu đề ra. Do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, doanh nghiệp có năm tăng trưởng âm đầu tiên trong một thập niên.

Công ty cổ phần Thương mại Dịch vụ Cổng vàng (Golden Gate) - chủ sở hữu một loạt hệ thống nhà hàng như Kichi-Kichi, Sumo BBQ, Ashima, GoGi House, Vuvuzela, Hutong hay Manwah - vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2020.

Theo đó, Golden Gate ghi nhận 4.559 tỷ đồng doanh thu, giảm 4,6% so với năm 2019. Trung bình mỗi ngày, các nhà hàng của Cổng Vàng thu về 12,5 tỷ đồng từ lẩu, bia tươi, thịt nướng.

Dù nguồn thu giảm nhẹ, chi phí bán hàng lại tăng gần 100 tỷ đồng, lên mức 2.317 tỷ khiến lợi nhuận sau thuế của Golden Gate còn 65 tỷ đồng, giảm 79% so với năm trước. Đây cũng đánh dấu là năm tăng trưởng âm đầu tiên của chuỗi nhà hàng lẩu nướng, bia tươi này trong một thập niên gần nhất.

Nếu so với kế hoạch doanh thu 4.708 tỷ đồng và lãi ròng 150 tỷ đặt ra hồi tháng 7, ông lớn ngành F&B này (kinh doanh thực phẩm và đồ uống) không đạt được kỳ vọng.

Thực tế, trong tháng đầu tiên của năm 2020, các cửa hàng của Golden Gate vẫn ghi nhận sự tăng trưởng mạnh với doanh thu và lợi nhuận thuần tăng lần lượt 32% và 54% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, dịch Covid-19 ập đến khiến doanh thu sụt giảm nhanh chóng từ cuối tháng 2 và cao điểm nhất là toàn hệ thống đóng cửa từ cuối tháng 3 đến hầu hết tháng 4.

Ban lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết công ty buộc phải cắt giảm chi phí, quản lý chặt dòng tiền, triển khai dịch vụ giao hàng tận nơi và lên kế hoạch đảm bảo việc mở cửa trở lại suôn sẻ. Trong những tháng cuối năm, Golden Gate đặt mục tiêu có thêm 61 nhà hàng mới và đóng cửa 18 nhà hàng hoạt động không hiệu quả.

Trong cơ cấu chi phí của Cổng Vàng năm 2020, chi phí nhân công lên tới 1.052 tỷ đồng (chiếm 25% tổng chi phí), chi phí thuê cửa hàng 534 tỷ đồng (chiếm 13%), chi phí sửa chữa và nâng cấp nhà hàng là 240 tỷ đồng (chiếm 6%).

 Độ phủ các cửa hàng thuộc Golden Gate là rất lớn, do vậy mức bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cũng hết sức nặng nề. Ảnh: Chí Hùng.

Độ phủ các cửa hàng thuộc Golden Gate là rất lớn, do vậy mức bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cũng hết sức nặng nề. Ảnh: Chí Hùng.

Tại thời điểm 31/12/2020, tổng tài sản của Golden Gate tăng nhẹ lên gần 2.300 tỷ đồng, trong đó có 180 tỷ tiền mặt và 207 tỷ tiền gửi ngân hàng. Công ty tăng mạnh vay ngắn hạn từ 366 tỷ đồng lên 451 tỷ.

Golden Gate được thành lập năm 2008 với số vốn 32 tỷ đồng, sau khi mua Công ty Dịch vụ Thương mại Hoàng Thành. Trước dịch, chuỗi nhà hàng lớn nhất Việt Nam này có hơn 20 thương hiệu, độ phủ gần 400 nhà hàng tại 45 tỉnh, thành.

Tuy nhiên, tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 khiến Golden Gate phải đóng hàng loạt cửa hàng. Mới nhất ngày 9/3, thương hiệu thịt nướng Sumo Yakiniku của Golden Gate phát đi thông báo dừng hoạt động kinh doanh tại cơ sở Huỳnh Thúc Kháng, giảm còn 7 cửa hàng tại Hà Nội. Trong khi đó, hơn một năm trở lại đây, chuỗi nhà hàng Nhật Bản Daruma đã phải đóng một nửa cơ sở tại Hà Nội.

Hồi giữa năm 2020, lãnh đạo Golden Gate từng tuyên bố tập đoàn hoàn toàn có khả năng hoạt động bình thường trong 12 tháng tới, ngoại trừ ảnh hưởng của các sự kiện bất khả kháng, mệnh lệnh hành chính do Chính phủ ban hành và các yếu tố vĩ mô.

Văn Hưng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/golden-gate-thu-hon-12-ty-dongngay-nho-ban-lau-bia-tuoi-thit-nuong-post1205336.html