Golf kích cầu du lịch và thể thao

Khi đất nước mở cửa đón đầu tư nước ngoài và chào đón khách du lịch, bộ môn golf cũng dần hồi sinh tại nước ta. Ban đầu, các sân golf được coi là chỉ dành riêng cho giới thượng lưu, nhưng khi nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển, nhu cầu chơi golf cũng tăng theo.

Phó Tổng Biên tập Phụ trách Báo SGGP Nguyễn Khắc Văn phát biểu tại họp báo công bố "Lễ hội golf Việt Nam - Nha Trang". Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Phó Tổng Biên tập Phụ trách Báo SGGP Nguyễn Khắc Văn phát biểu tại họp báo công bố "Lễ hội golf Việt Nam - Nha Trang". Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Sau giai đoạn mà golf là chỉ dấu cho sự thịnh vượng về kinh tế, với tầng lớp trung lưu ngày càng mở rộng dẫn đến việc tăng chi tiêu cho các hoạt động giải trí, bao gồm cả chơi golf, thì golf phát triển nhiều hơn để trở thành con đường xúc tiến du lịch. Chính phủ Việt Nam đã tích cực quảng bá du lịch golf như một phương tiện để thu hút khách du lịch cao cấp.

Với mục tiêu này, nhiều khu nghỉ dưỡng chơi golf được thành lập và các đơn vị trong nước cũng thúc đẩy hợp tác với các hiệp hội chơi golf quốc tế để nâng tầm trình độ và vị thế golf Việt Nam.

Việt Nam được đánh giá là điểm đến du lịch golf lý tưởng trong khu vực châu Á, liên tục nhiều năm được bầu chọn là điểm đến golf châu lục, nhờ lợi thế địa hình đa dạng, từ đồi núi tới đường bờ biển trải dài, tạo ra cảnh quan hùng vĩ; cộng thêm khí hậu nhiệt đới, ánh nắng chan hòa tại các vùng miền hầu như quanh năm. Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã xác định, du lịch golf là loại hình du lịch mới, có tiềm năng cần được ưu tiên đầu tư phát triển.

Đến nay, Việt Nam có khoảng trên 60.000 người chơi. Theo điều tra của Viện Nghiên cứu phát triển du lịch tại 20 sân golf ở Việt Nam vào năm 2018, trung bình có gần 40.000 lượt khách tới chơi tại một sân golf. Dự kiến tới năm 2025, số người chơi golf tại Việt Nam sẽ vào khoảng 300.000 người. Đây là thị trường tiềm năng để các hãng hàng không, doanh nghiệp hướng tới khách du lịch đam mê môn golf.

Điều này cũng đặt ra vấn đề tăng cường liên kết giữa các địa phương để tạo thêm các sản phẩm mới bổ trợ phát triển loại hình du lịch golf, sẽ tạo thêm lợi thế cho ngành du lịch các địa phương. Để phát triển bền vững, du lịch golf vẫn cần phải dựa trên nguyên tắc du lịch có trách nhiệm từ quá trình lập quy hoạch, quản lý và hoạt động, phù hợp với quy hoạch du lịch của quốc gia và từng địa phương.

Nói cách khác, cần có sự điều phối chung, quảng bá hình ảnh nhất quán về golf nước ta ra thị trường quốc tế, khai thác thế mạnh từng địa phương trong các tour trọn gói để mang đến trải nghiệm đầy đủ về golf mà vẫn đảm bảo tính đặc thù của du lịch địa phương. Qua đó, tạo điều kiện để các sự kiện thi đấu golf chuyên nghiệp, nổi tiếng sẽ chọn Việt Nam là điểm đến. Những sự kiện này sẽ bù đắp đặc tính theo mùa của du lịch truyền thống.

Nhận định về vấn đề này, Phó Tổng Biên tập phụ trách Báo SGGP Nguyễn Khắc Văn khẳng định, Lễ hội Golf Việt Nam - Nha Trang 2024 được tổ chức nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa, kinh tế của môn golf Việt Nam trong cộng đồng người chơi golf nói riêng và trong tiến trình phát triển, hội nhập thời đại mới của cả nước nói chung; đưa golf và văn hóa chơi golf trở nên đại chúng, gần gũi hơn với người Việt Nam trong thời đại hội nhập; kích cầu du lịch địa phương thông qua các hoạt động lồng ghép, quảng bá về lịch sử, văn hóa, vùng đất và con người nơi chương trình diễn ra; tạo ra một lễ hội mang giá trị gắn kết những người yêu thích môn thể thao golf cũng như du lịch golf đến Việt Nam.

ĐĂNG LINH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/golf-kich-cau-du-lich-va-the-thao-post767164.html