Golf và văn hóa ứng xử người 'ngoại đạo' không biết
Golf là môn thể thao đặc thù, mang hơi hướng quý tộc. chính vì thế, người chơi golf cũng có sự quý phái và những cách cư xử đặc trưng. Tuy nhiên cư xử thế nào là đúng thì vẫn còn là những sự tranh cãi không hồi kết.
Golf có những quy tắc ứng xử riêng mà không môn thế thao nào có được. Đấy là những quy tắc ứng xử giữa golfer với nhau, golfer với caddie, golfer với sân golf. Để học cách chơi golf đã khó, nhưng để trở thành một golfer đúng nghĩa lại càng khó hơn. Trước hết phải có quá trình quan sát, học hỏi những quy tắc hành xử chung như tôn trọng bạn chơi, giữ an toàn cho bạn chơi…
Cũng như những môn thể thao khác, tuy không trực tiếp đối kháng nhưng golf cũng mang đến cho người chơi sự ăn thua nên không tránh được những va chạm. Cũng chính vì lẽ đó, ngoài học luật chơi, các golfer còn phải học những quy tắc ứng xử trên sân (Golf Etiquette).
Một số ý kiến cho rằng, những người mới chơi golf thường quá phụ thuộc vào caddie, từ việc cắm tee, nhặt bóng, lấy nước… họ cho rằng khi đã bỏ tiền ra thuê caddie để mang gậy cho họ thì những việc như vậy là bình thường. Khi người chơi đã quá quen với sự phụ thuộc đó, họ đã quên hoặc cố tình quên đi vai trò thực sự của caddie, họ chẳng cần hỗ trợ về địa hình sân bãi, độ dốc green, khoảng cách các bẫy cát... họ chỉ cần một người phục vụ đúng nghĩa mà thôi.
Đã đến lúc thay đổi, thay đổi từ ý thức của người chơi. Tại Việt Nam hiện nay, golf vẫn là một môn thể thao non trẻ, người chơi golf thường là những người có tiền, việc học chơi cũng chỉ đơn giản là thuê người hướng dẫn hoặc tham gia các khóa học của học viện. Chính vì thế, các thầy dạy golf, người hướng dẫn nên trang bị cho học viên những kiến thức cơ bản và cách cư xử đúng mực trước khi lên sân.
Cho dù mục đích chơi golf của mỗi người là khác nhau, chơi để rèn luyện sức khỏe, chơi để giao lưu, đối ngoại, chơi theo phong trào hay chơi chuyên nghiệp thì các “quy tắc ứng xử” cơ bản cũng nên được phổ cập, được phổ biến cho tất cả mọi người.