Gốm Bát Tràng thương hiệu hai trong một

Trải qua thăng trầm của lịch sử, đến nay thương hiệu gốm Bát Tràng (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội) đã khẳng định vị thế trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế. Giờ đây, gốm Bát Tràng không chỉ có mặt trên khắp mọi miền đất nước mà còn là thương hiệu của Việt Nam được khách hàng các nước yêu thích. Đặc biệt, nơi đây còn là điểm du lịch hấp dẫn níu chân du khách.

Vươn ra thế giới

Bát Tràng là một trong những làng nghề truyền thống nổi tiếng với nghề gốm sứ của nước ta. Bát Tràng ngày nay là một làng nghề phát triển sầm uất, là điểm du lịch của Thành phố, thu hút nhiều du khách tới thăm quan, trải nghiệm.

Nơi đây đã sản xuất ra nhiều sản phẩm độc đáo từ gốm như: Men ngọc, hoa nâu, men rạn, hoa lam…Những đặc trưng của các loại men cùng các họa tiết trang trí đã góp phần tạo nên thương hiệu nổi tiếng của làng.

Nghệ nhân Nguyễn Tuấn Minh đang hoàn thiện tác phẩm đôi chóe điêu khắc tích tứ cảnh cổ đồ.

Nghệ nhân Nguyễn Tuấn Minh đang hoàn thiện tác phẩm đôi chóe điêu khắc tích tứ cảnh cổ đồ.

Gốm Bát Tràng phong phú về chủng loại và kiểu dáng với 3 dòng chính: Đồ gốm gia dụng; đồ gốm dùng để thờ cúng; đồ trang trí được bán trong nước và xuất khẩu. Ngoài những mặt hàng truyền thống, các cơ sở sản xuất không ngừng tìm tòi, học hỏi, thiết kế nhiều mẫu sản phẩm phù hợp với xu hướng phát triển và thị hiếu của người tiêu dùng. Sản phẩm gốm của Bát Tràng không chỉ chiếm lĩnh được thị trường trong nước mà dần khẳng định được vai trò và thương hiệu trên trường quốc tế.

Hiện các sản phẩm gốm Bát Tràng đã đạt tới trình độ kĩ thuật chế tác cao, tính nghệ thuật và thẩm mỹ sâu sắc. Đặc biệt, nét đẹp và độ tinh xảo của gốm nơi đây được thể hiện ở quy trình sản xuất thủ công. Đề tài phổ biến trên các sản phẩm là hình rồng, phượng, thơ, câu đối, hoa văn, phản ánh thiên nhiên, đời sống tâm linh, sinh hoạt hàng ngày…

Nghề gốm làng Bát Tràng là kết tinh sự sáng tạo của con người qua nhiều thế hệ. Khi chế tác sản phẩm, nghệ nhân ngoài việc vận dụng những kỹ thuật được học từ cha ông còn phải mày mò, tìm hiểu, khám phá và sáng tạo ra những họa tiết, kỹ thuật, mẫu mã mới, để đáp ứng được yêu cầu của thị trường.

So với các làng nghề truyền thống khác, gốm Bát Tràng không gặp nhiều khó khăn trong việc truyền dạy nghề tới thế hệ trẻ. Được tiếp cận với nghề từ nhỏ, nhiều bạn trẻ trong làng đã yêu thích, chọn gắn bó với nghề cha ông để lại. Tại đây số lượng những người trẻ được công nhận nghệ nhân không phải là chuyện hiếm. Với tình yêu nghề, sự sáng tạo, tài năng của tuổi trẻ, thế hệ trẻ làng Bát Tràng đã và đang đưa nghề truyền thống vươn xa hơn trên thị trường trong nước và quốc tế.

Điển hình như, với lòng yêu nghề, sự tài năng và nhiệt huyết của tuổi trẻ, Nguyễn Tuấn Minh, đã được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội ngành nghề gốm sứ khi mới 25 tuổi.

Là người con của làng gốm Bát Tràng làm quen với đất sét, bàn xoay từ rất sớm nhưng để tạo sự khác biệt Minh đã chọn cho mình một lối đi riêng. Vẫn là xương, là men của gốm Bát Tràng nhưng toàn bộ sản phẩm của Minh đều được làm thủ công, vuốt bằng tay. Đó là nét riêng khi Bát Tràng đã có rất nhiều sản phẩm được sản xuất từ hệ thống máy công nghiệp.

Việc kết hợp các đường nét của nghệ thuật điêu khắc, Minh đã cho ra những sản phẩm gốm mang đậm nét truyền thống xen lẫn nét độc đáo của nghệ thuật điêu khắc hiện đại. Cứ vậy với lòng yêu nghề, những miếng đất vốn vô tri, vô giác qua bàn tay Minh đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật có sức hút.

Minh đã cho ra đời nhiều tác phẩm nhận được sự đánh giá cao của các nghệ nhân gốm cũng như của khách hàng. Tiêu biểu trong số đó là tác phẩm “Đôi bình vuốt tay men rạn cổ”; “Đôi chóe men rạn đắp rồng” hiện đang được lưu giữ và trưng bày tại Chùa Kim Trúc Tự (làng Bát Tràng, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm).

Năm 2021, từ sự tích “Cá chép vượt vũ môn hóa Rồng”, Minh cho ra sản phẩm “Khát vọng”. Hiện nay sản phẩm đang được trưng bày tại Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm). Các tác phẩm: “Đôi chân đèn màu lam sẫm”; “Đôi lộc bình đắp tứ linh”, “Đôi chóe men rạn vẽ rồng màu chàm cổ” hiện đang lưu giữ và trưng bày tại Chùa Tiêu Dao (làng Giang Cao, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm).

Chia sẻ về hành trình theo nghề, nghệ nhân Nguyễn Tuấn Minh cho biết: “Sự trang trí phong phú, đa dạng trong cách tạo hình của bố đã truyền cảm hứng cho tôi theo đuổi nghề. Để tạo ra một tác phẩm gốm thủ công mất rất nhiều thời gian. Công việc làm gốm thật sự không hề đơn giản, nó đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại. Thêm vào đó người thợ muốn giỏi nghề cần phải có tố chất nghệ thuật, biết cảm nhận cái đẹp, có vậy các sản phẩm làm ra mới có hồn”.

Điểm du lịch hấp dẫn của Thủ đô

Từ một làng nghề truyền thống mang đậm nét văn hóa cổ, trải qua thời gian ngày nay làng gốm Bát Tràng có sự đan xen hài hòa giữa nét đẹp truyền thống và hiện đại. Ghé thăm làng gốm Bát Tràng, từ trục chính vào làng chạy song song với kênh Bắc Hưng Hải, nằm ngay tại cửa ngõ của làng là Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt, hay còn gọi là Bảo tàng gốm Bát Tràng với lối kiến trúc độc đáo, thể hiện nét đẹp truyền thống của nghề gốm nhưng vẫn mang trong mình hơi thở thời đại.

Với mong muốn tôn vinh nghề gốm, vinh danh quê hương, quảng bá các giá trị văn hóa của làng gốm, nhiều năm qua, Trung tâm luôn là “cầu nối” đưa những tinh hoa văn hóa nghề gốm tới du khách trong và ngoài nước. Đây còn là nơi đào tạo, truyền nghề cho thế hệ trẻ của làng, giúp họ duy trì và phát triển bền vững nghề gốm của cha ông.

Tại Bảo tàng gốm sứ, du khách và các em nhỏ được trải nghiệm các công đoạn sản xuất gốm sứ

Tại Bảo tàng gốm sứ, du khách và các em nhỏ được trải nghiệm các công đoạn sản xuất gốm sứ

Tại Bảo tàng gốm Bát Tràng có một khu trại sáng tác để thu hút các nghệ nhân, nghệ sĩ, họa sĩ, những người yêu gốm và sân chơi này là nơi để họ tạo nên những tác phẩm gốm độc đáo. Không chỉ vậy, để truyền nghề, truyền trải nghiệm làm gốm cho giới trẻ, nơi đây còn có khu ươm tạo các ý tưởng thiết kế gốm dành cho sinh viên và tất cả du khách muốn được tham gia khám phá về nghề gốm Bát Tràng.

Với những nét đẹp, ý nghĩa mà làng nghề đã và đang có, năm 2019, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã có quyết định công nhận Bát Tràng là điểm du lịch của Thủ đô; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận “Nghề truyền thống gốm làng Bát Tràng, xã Bát Tràng là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”.

Đến nay, Bát Tràng vẫn là điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước mỗi khi ghé thăm Thủ đô. Bát Tràng đã ứng dụng các công nghệ hiện đại, đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của du khách trong và ngoài nước bằng cách xây dựng cổng thông tin điện tử Bát Tràng, lắp đặt wifi miễn phí, sử dụng máy thuyết minh tự động, ứng dụng du lịch Bát Tràng, kính trải nghiệm thực tế ảo, xe điện thông minh... để phục vụ khách du lịch

Ngoài áp dụng các ứng dụng công nghệ để phát triển du lịch thông minh theo đúng xu hướng của du lịch hiện đại, Bát Tràng còn thực hiện chỉnh trang đường phố, xây dựng nhà tiếp đón, hướng dẫn du khách; tạo những không gian đậm chất văn hóa thu hút giới trẻ “check in”.

N.Hoa

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/gom-bat-trang-thuong-hieu-hai-trong-mot-180574.html