Gốm Chu Đậu hồi sinh sau hơn 400 năm thất truyền

Gốm cổ Chu Đậu đang được lưu giữ tại 46 bảo tàng danh tiếng của 32 quốc gia trên thế giới. Đặc biệt, chiếc bình gốm hoa lam được trưng bày tại Viện Bảo tàng Takapisaray (Istanbul) là một trong bốn quốc bảo của Thổ Nhĩ Kỳ. Tại Mỹ, gốm Chu Đậu cổ được đấu giá. Đây là niềm tự hào của nghệ nhân Chu Đậu - những người đang kế tục tiền nhân tài hoa, đưa gốm Chu Đậu đến với bạn bè năm châu.

Tinh hoa văn hóa Việt

Nghệ nhân vẽ lên một sản phẩm gốm Chu Đậu. Ảnh: YÊN LAN

Nghệ nhân vẽ lên một sản phẩm gốm Chu Đậu. Ảnh: YÊN LAN

Làng Chu Đậu ở tả ngạn sông Thái Bình, nay thuộc huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Xưa kia, các gia đình trong làng đều có lò gốm và có “thương hiệu” riêng; mỗi lò đều ghi tên mình lên sản phẩm. Khi khai quật di tích Chu Đậu, các nhà khảo cổ học tìm thấy rất nhiều hiện vật gốm cổ và hơn 100 đáy lò gốm, mỗi chủ lò ghi một “thương hiệu” như Phúc, Chính, Sĩ, Hoa, Lâm… bằng chữ Hán. Đến khi trục vớt nhiều hiện vật gốm Chu Đậu cổ từ bên trong con tàu đắm ở vùng biển Cù Lao Chàm vào năm 1997, giới nghiên cứu lại thấy những cái tên đó có trên các hiện vật. Gốm Chu Đậu cổ được lưu giữ tại 46 bảo tàng danh tiếng trên thế giới cũng có tên và bút tích của các nghệ nhân. Trên chiếc bình gốm hoa lam cao 54cm được trưng bày tại Viện Bảo tàng Takapisaray (Istanbul) có ghi dòng chữ Hán: “Thái Hòa bát niên Nam Sách châu, tương nhân Bùi Thị Hý bút”, tạm dịch là “Năm Thái Hòa thứ tám (1450) thợ gốm họ Bùi, người châu Nam Sách vẽ chơi”.

Sau hơn 400 năm thất truyền, đến năm 2001, gốm Chu Đậu hồi sinh nhờ nỗ lực của một người con ở quê hương Nam Sách. Công ty CP Gốm Chu Đậu được thành lập với sứ mệnh phục hưng dòng gốm lừng danh này. Đến nay, sản phẩm gốm Chu Đậu đã xuất khẩu sang hơn 50 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

“Gốm Chu Đậu độc đáo ở chỗ được làm thủ công, hoa văn trên các sản phẩm đều được vẽ bằng tay rất tỉ mỉ, tinh tế. Mỗi một sản phẩm gốm Chu Đậu thật sự là một tác phẩm, không cái nào giống cái nào. Và gốm Chu Đậu thuần Việt, không “pha trộn” bất cứ văn hóa nào trong nét vẽ, họa tiết, chế tác”, ông Nguyễn Hữu Hiệp, Phó Giám đốc thường trực Công ty CP Gốm Chu Đậu tự hào nói với khách tham quan.

Sự hội tụ của đất - nước - lửa

Trong gian trưng bày, vẻ đẹp của hàng trăm sản phẩm gốm Chu Đậu khiến những ai lần đầu tiên đến đây cảm thấy ngỡ ngàng. Ông Hiệp cho biết Chu Đậu có hai dòng chính là gốm trang trí và gốm gia dụng. Ở dòng sản phẩm chủ lực: gốm trang trí, các nghệ nhân, thợ gốm đáp ứng mọi yêu cầu của khách hàng. Ở dòng sản phẩm gia dụng, gốm Chu Đậu không có tí hóa chất nào, men gốm được làm từ tro trấu. “Đấy là điều đặc biệt, là sản phẩm sạch, chúng tôi khẳng định như thế”, ông Hiệp nói.

Đồ gốm là sự hội tụ của đất - nước và lửa. Đất dùng để làm gốm Chu Đậu được khai thác từ một nơi đặc biệt của vùng đất thiêng Chí Linh và từ Phú Thọ, đất Tổ vua Hùng (sử dụng loại đất cao lanh khác thì không làm được sản phẩm như gốm Chu Đậu). Nước được lấy từ Lục Đầu giang - nơi hội tụ 6 dòng sông: sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam, sông Đuống, sông Kinh Thầy và sông Thái Bình.

Đất cao lanh mua về, ải lắng từ 6 tháng đến một năm. Người thợ gốm ngâm đất trong bể và bơm nước vào nhiều lần, lọc cho kỳ hết các tạp chất lẫn trong đất. Nếu còn tạp chất thì trong quá trình nung, sản phẩm sẽ bị rỗ, phải loại ra. “Vì vậy, trong quá trình nghiền đất, ngâm ủ, người thợ gốm phải tuyệt đối tuân thủ quy định của các kỹ sư, phải làm đúng ngay từ đầu, không được sai sót ở bất cứ công đoạn nào”, chị Nguyễn Thị Hương - người làm việc tại gian trưng bày, cho biết.

Ngày xưa, nghệ nhân Chu Đậu dùng đôi tay tài hoa để tạo hình các sản phẩm gốm trên chiếc bàn xoay. Bây giờ, khuôn thạch cao thay thế bàn xoay. Thợ gốm rót hỗn hợp cao lanh trắng và nước vào khuôn thạch cao. Khuôn thẩm thấu hơi nước, còn nguyên liệu cứng sẽ bám vào thành khuôn. Sau 3 tiếng trong mùa hè, 4 tiếng trong mùa đông, thợ gốm rút phần hồ lỏng, chưa đông đặc trong khuôn ra thì sẽ được một sản phẩm bám vào thành khuôn theo mong muốn. Để vài tiếng đồng hồ rồi mở miếng ghép khuôn ra, họ có một sản phẩm đã tạo hình, sau đó đem chuốt và đánh bóng.

Sau khi đất đã được “luyện” và tạo hình, họa sĩ sẽ vẽ lên sản phẩm. Công việc tỉ mỉ này cần nhiều thời gian và sự tinh tế của đôi tay, đôi mắt người cầm cọ. Vẽ xong thì phủ một lớp men lên sản phẩm. Theo lời chị Hương, đặc trưng của gốm Chu Đậu là màu men hanh vàng được làm từ nước tro trấu, nước vẽ xanh lam - màu cổ truyền từ xa xưa. Vẽ xong thì đưa vào lò nung ở nhiệt độ khoảng 9000C. Trong quá trình nung, sự co giãn không bình thường của men và đất cao lanh tạo thành những đường rạn đặc trưng của gốm Chu Đậu. Men nóng chảy và những họa tiết được vẽ, ẩn dưới lớp men hiện lên vô cùng sinh động, đẹp mắt.

Để có những sản phẩm được trang trí bằng vàng, người làm gốm tốn công hơn, bởi phải vẽ 2 lần và nung 2 lần, để vàng và men gốm gắn kết. Dùng để vẽ phải là vàng có chất lượng; nếu vẽ bằng vàng kém chất lượng thì nét vẽ không nổi bật trên màu men hanh vàng.

*

Gốm Chu Đậu đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng 9 chữ vàng “Gốm Chu Đậu - Tinh hoa văn hóa Việt Nam”. Từ năm 2015, gốm Chu Đậu được chọn là một trong những quà tặng tiêu biểu của quốc gia bởi sản phẩm hội tụ được các yếu tố truyền thống, mang đậm bản sắc văn hóa Việt. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng 10 chữ vàng “Gốm Chu Đậu - Bản sắc Việt, tỏa sáng năm châu”.

Chu Đậu thuộc dòng gốm cổ cao cấp của Việt Nam, có niên đại vào khoảng thế kỷ XII-XIII, phát triển rực rỡ vào thế kỷ XV-XVI trong suốt thời kỳ Lý - Trần - Lê - Mạc. Nét đặc trưng của gốm Chu Đậu được thể hiện ở kiểu dáng, màu men và các hoa văn họa tiết tinh xảo, thuần Việt, phản ánh nền văn minh của đồng bằng châu thổ sông Hồng. (Chudauceramic)

YÊN LAN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/93/246061/gom-chu-dau-hoi-sinh-sau-hon-400-nam-that-truyen.html