Gốm Chu Đậu: Ứng dụng công nghệ số để phục dựng, giữ gìn bản sắc văn hóa Việt
Trong không khí tưng bừng hướng đến ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, ông Nguyễn Hữu Thức - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Gốm Chu Đậu cho rằng, công nghệ số bùng nổ cũng đem đến nhiều điều tích cực cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, Gốm Chu Đậu vẫn hướng đến những giá trị truyền thống và gìn giữ văn hóa Việt.
Giữ gìn giá trị truyền thống
Nhắc lại lịch sử về Gốm Chu Đậu, ông Nguyễn Hữu Thức - Tổng giám đốc CTCP Gốm Chu Đậu chia sẻ: Gốm Chu Đậu là một dòng gốm cao cấp có niên đại khoảng thế kỷ XIII - XIV và phát triển rực rỡ vào thế kỷ XV - XVI. Nhưng sang thế kỷ XVII, gốm Chu Đậu bị thất truyền...phải đến năm 1980 mới được phục dựng.
Năm 2001, Tổng công ty Thương mại Hà Nội - Công ty cổ phần (Hapro), thành viên của Tập đoàn BRG đã quyết định thành lập CTCP Gốm Chu Đậu với sứ mệnh phục hưng dòng gốm cổ Chu Đậu đã bị thất truyền, xây dựng Chu Đậu thành một thương hiệu gốm cao cấp tiêu thụ ở thị trường trong nước và xuất khẩu.
Từ ngôi làng Chu Đậu không ai biết đã từng có một nghề gốm nổi tiếng, trải qua hơn 20 năm hình thành và phát triển, CTCP Gốm Chu Đậu đã phục hưng được hàng trăm mẫu mã cổ đồng thời nghiên cứu thành công nhiều dòng sản phẩm mới có giá trị và được khách hàng ưa chuộng.
Nghệ nhân ưu tú Hạ Bá Định (85 tuổi), người đã giành gần hết cuộc đời để gắn bó với làng gốm chia sẻ: Gốm Chu Đậu có đặc trưng là các đường nét hoa văn phản ánh đời sống, tín ngưỡng, triết lý và tâm hồn người Việt, trong đó chủ yếu là hình ảnh hoa sen, hoa cúc, chim Lạc Việt… được vẽ cách điệu. Đặc biệt, gốm Chu Đậu có sắc men riêng không nơi nào có được. Ngoài sắc men trắng truyền thống còn có sắc men hơi ngả vàng hoặc hơi ngả xanh.
Đặc biệt, gốm Chu Đậu còn có bản sắc riêng và đó chính là chất men gốm. Men gốm Chu Đậu được làm từ tro trấu. Vỏ trấu được tách ra từ hạt thóc vàng, sau đó đem đi đốt để chiết xuất thành men gốm. Bởi vậy, men gốm Chu Đậu mang màu trắng ngà từ vỏ trấu. Lớp men này đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận là dòng men độc bản. Ngoài ra, chất men này được làm hoàn toàn từ tự nhiên, không pha hóa chất nên rất an toàn khi sử dụng. Mặc dù được làm từ nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên, nhưng men gốm Chu Đậu lại vô cùng bền vững với thời gian.
Ngoài màu men, gốm Chu Đậu còn có hoa văn, họa tiết mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Nhiều mẫu hoa văn, họa tiết vốn có niên đại hàng trăm năm đang được các nghệ nhân Chu Đậu nghiên cứu, phục chế lại sinh động. Đặc biệt, họa tiết trên gốm Chu Đậu được thực hiện bằng phương pháp vẽ dưới men, tức là trang trí hoa văn trước rồi tráng men sau nên màu sắc của gốm Chu Đậu mang nét riêng biệt, không bị hòa lẫn với các dòng gốm khác. Sản phẩm tiêu biểu và đặc sắc nhất của gốm Chu Đậu cổ là chiếc bình Hoa Lam và bình Tỳ Bà còn được gọi là bình cha, bình mẹ.
Theo ông Nguyễn Hữu Thức, Gốm Chu Đậu mang tính nghệ thuật cao, giàu bản sắc dân tộc, rất đẹp về bố cục, phong phú về màu sắc, đa dạng về thể loại sản phẩm… Đặc biệt, Gốm Chu Đậu không chỉ đáp ứng được sở thích của mọi tầng lớp người dùng, mà còn rất hấp dẫn bởi những nét đặc trưng “rất riêng” không giống bất kỳ sản phẩm cùng loại nào trên thị trường. Đó là các họa tiết bài trí trên sản phẩm đều được họa theo phương pháp thủ công (bằng tay), hình ảnh, màu sắc nhẹ nhàng, tinh tế mang đậm nét văn hóa truyền thống Việt Nam.
Cũng theo lãnh đạo Công ty, Gốm Chu Đậu bao gồm 5 dòng sản phẩm chính như: sản phẩm truyền thống, sản phẩm truyền thống kết hợp với hiện đại, gia dụng, đồ thờ tâm linh, xuất khẩu. Công ty vinh dự 2 lần được trao danh hiệu Thương hiệu Quốc gia. Tăng trưởng trong những năm gần đây của công ty đạt 10%. Gốm Chu Đậu đang phấn đấu để năm 2024 sản xuất khoảng 3 triệu sản phẩm.
Ứng dụng công nghệ số trong nhiều hoạt động
Trong bối cảnh bùng nổ về công nghệ số như hiện, các doanh nghiệp đều phải chuyển đổi sao cho thích hợp. Tổng giám đốc CTCP Gốm Chu Đậu cho biết, là doanh nghiệp đặc thù bởi phương thức sản xuất là nghề truyền thống, mọi công đoạn từ khâu chế tác đến hoàn thiện sản phẩm đều làm bằng thủ công… Nhưng vẫn cần ứng dụng công nghệ số như các nghệ nhân thiết kế họa tiết, hình ảnh sản phẩm đều được thể hiện trên máy tính, chỉnh sửa hoàn chỉnh sẽ in ra đưa cho các nghệ nhân chế tác...
Theo Giám đốc CTCP Gốm Chu Đậu, thời gian qua, thông qua các trang mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử, gốm Chu Đậu đã được quảng bá sản phẩm ra thị trường trong và ngoài nước. Trong đó, lợi thế là của gốm Chu Đậu chính là đơn vị sản xuất trực tiếp, đảm bảo được chất lượng với giá thành hợp lý nhất. Nhờ đó, giúp sản phẩm gốm Chu Đậu được tiêu thụ tốt và được người tiêu dùng cả nước ưa chuộng.
Đặc biệt, những năm trở lại đây, phòng trưng bày và giới thiệu sản phẩm, các xưởng sản xuất của CTCP Gốm Chu Đậu trở thành điểm tham quan, trải nghiệm quy trình làm gốm hấp dẫn đối với khách du lịch và đã UBND tỉnh Hải Dương công nhận là "Điểm du lịch làng nghề Gốm Chu Đậu". Đây là nguồn động viên to lớn ghi nhận những đóng góp của CTCP Gốm Chu Đậu trong việc phục hưng dòng gốm cổ, xây dựng làng nghề gốm Chu Đậu.
Lãnh đạo Công ty Gốm Chu Đậu cho biết, cũng nhờ công nghệ số với những trang du lịch quảng bá, các sản phẩm hay địa danh tham quan du lịch của công ty cũng được nhiều người biết đến hơn và ngày càng đón thêm nhiều du khách đến thăm quan và mua sắm.
Hiện Gốm Chu Đậu đang phát triển trên quy mô diện tích gần 4 ha, 240 cán bộ nhân viên, trong đó có 30 nghệ nhân (công ty có số nghệ nhân đông nhất Việt Nam). Tính cả trực tiếp và gián tiếp, Gốm Chu Đậu đang tạo công ăn việc làm hơn 1 nghìn lao động. Gốm Chu Đậu đã khôi phục lại được dòng gốm tinh hoa văn hóa xưa, khôi phục lại những bảo vật Quốc gia. Nghệ nhân của Công ty đã tạo ra được những sản phẩm phù hợp với xu hướng thị trường hiện nay.
Gốm Chu Đậu không chỉ được ưa chuộng trong nước mà còn được xuất khẩu ra nhiều quốc gia, từ các nước trong khu vực Đông Nam Á đến châu Âu và Mỹ. Sản phẩm gốm của Chu Đậu được đánh giá cao về chất lượng và giá trị nghệ thuật.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là nghề gốm. Gốm Chu Đậu đã tạo dựng được thương hiệu với chất lượng và bản sắc riêng nhưng vẫn chịu sự cạnh tranh trong bối cảnh thị trường xuất hiện nhiều mặt hàng gốm, chưa kể có cả “hàng nhái gốm Chu Đậu” gây ảnh hưởng đến thương hiệu và danh tiếng của doanh nghiệp.
Với định hướng tiếp tục phát huy, giữ gìn bản sắc của dòng gốm cao cấp Chu Đậu, ông Nguyễn Hữu Thức mong muốn nhận được sự quan tâm sát sao hơn nữa của ngành Du lịch, các Bộ ngành liên quan, chính quyền địa phương để CTCP Gốm Chu Đậu ngày một phát triển và hội nhập. Xứng danh với 9 chữ vàng mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng: “Gốm Chu Đậu tinh hoa văn hóa Việt Nam”.