'Gom' CMND tại nhà nghỉ, hiệu cầm đồ lừa đảo hàng tỷ đồng

Nhóm đối tượng đã gom các CMND tại các nhà nghỉ, hiệu cầm đồ, sau đó làm giả CMND và đi mở tài khoản tại nhiều ngân hàng khác nhau để lừa đảo.

Một đường dây lừa đảo công nghệ cao vừa bị Phòng Cảnh sát hình sự (Công an TP. Hà Nội) phối hợp cùng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) triệt phá.

Đây là đường dây mạo danh cơ quan chức năng như Công an, Viện Kiểm sát nhân dân, gọi điện thoại cho người dân để lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền lên đến hàng tỷ đồng.

Các đối tượng bị bắt giữ trong đường dây gồm Đặng Thành Toại (SN 1995, trú tại Ea Drong, Buôn Hồ, Đắk Lắk), Lê Ngọc Quyền (SN 1995, trú tại An Lạc, Buôn Hồ, Đắk Lắk), Nguyễn Tấn Thắng (SN 1996, trú tại An Bình, Buôn Hồ, Đắk Lắk) và Lê Công Thái (SN 1995, trú tại An Lạc, Buôn Hồ, Đắk Lắk).

Tài liệu điều tra cho thấy, từ đầu năm 2020, do không có tiền tiêu sài, Đặng Thành Toại đã kết nối với một số đối tượng để tiến hành mở các tài khoản ngân hàng, mục đích là để chuyển tiền lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sau khi kết nối, Toại đã rủ Quyền, Thắng và Thái cùng tham gia.

Nhóm đối tượng chuyên đi "gom" CMND để thực hiện hành vi lừa đảo (Ảnh: CA)

Nhóm đối tượng chuyên đi "gom" CMND để thực hiện hành vi lừa đảo (Ảnh: CA)

Để tránh bị cơ quan chức năng phát hiện, các đối tượng đã đi gom các CMND tại các nhà nghỉ, hiệu cầm đồ, sau đó làm giả CMND và đi mở tài khoản tại nhiều ngân hàng khác nhau.

Chỉ trong 1 khoảng thời gian ngắn, hàng chục tài khoản ngân hàng đã được các đối tượng mở ra. Đây chính là các tài khoản mà nhóm đối tượng lừa đảo dùng để nhận tiền chiếm đoạt từ các nạn nhân.

Sau đó, các đối tượng sẽ tự xưng là nhân viên bưu điện, gọi điện cho nạn nhân thông báo có bưu phẩm gửi ở các bưu điện lâu ngày không đến nhận, liên quan đến khoản nợ ngân hàng và đã có lệnh bắt của cơ quan Công an, Viện Kiểm sát.

Tiếp đó, các đối tượng sẽ yêu cầu phải nghe điện thoại, liên tục nói chuyện với nhiều người tự xưng là cán bộ Công an, Kiểm sát viên thụ lý vụ án và dùng lời lẽ đe dọa, yêu cầu chuyển tiền vào các tài khoản ngân hàng để chiếm đoạt số tiền đó. Với thủ đoạn này, có những trường hợp nạn nhân bị lừa đến 2,2 tỉ đồng.

Lệnh bắt tạm giam giả mạo mà các đối tượng lừa đảo làm giả để gửi cho nạn nhân (Ảnh: TL)

Lệnh bắt tạm giam giả mạo mà các đối tượng lừa đảo làm giả để gửi cho nạn nhân (Ảnh: TL)

Trước đó, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) cũng lên tiếng cảnh báo một số phương thức, thủ đoạn chủ yếu của loại tội phạm dùng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản; đồng thời, khuyến cáo người dân cảnh giác trước những "cạm bẫy" mà bọn tội phạm thường xuyên sử dụng.

Thông qua kết nối mạng Internet (VoIP), các đối tượng gọi điện đến số điện thoại cố định thông báo chủ thuê bao đang nợ tiền cước, đang bị nhà mạng khởi kiện. Sau đó, chúng nối máy với các đối tượng tự xưng là cán bộ Công an, Viện kiểm sát để giải quyết.

Các đối tượng này thông báo với người bị hại đang liên quan đến vụ án rửa tiền, mua bán ma túy xuyên quốc gia, tiền trong tài khoản của bị hại liên quan đến các vụ án này, đã có lệnh bắt giam; để chứng minh sự trong sạch phải chuyển tiền đến tài khoản do chúng chỉ định hoặc tài khoản của bị hại nhưng lấy số điện thoại chúng cho trước để đăng ký Internetbanking.

Ngay khi người bị hại chuyển tiền theo yêu cầu, các đối tượng nhanh chóng rút tiền hoặc chuyển sang tài khoản khác rồi rút tiền và chiếm đoạt.

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/gom-cmnd-tai-nha-nghi-hieu-cam-do-lua-dao-hang-ty-dong-d158683.html