Gom đủ tiền, Elon Musk vẫn có khả năng không mua được Twitter
Kế hoạch nhận đầu tư nước ngoài của Elon Musk để thâu tóm Twitter có thể khiến giới chức Mỹ điều tra thương vụ, với những lo ngại an ninh quốc gia tương tự TikTok cách đây 2 năm.
Ngày 5/5, Elon Musk Musk tiết lộ một số nhà đầu tư góp hơn 7 tỷ USD cho thương vụ thâu tóm Twitter. Trong danh sách này có một số cái tên gây tranh cãi như hoàng tử Saudi Arabia Alwaleed bin Talal, quỹ đầu tư quốc gia Qatar và sàn giao dịch tiền mã hóa Binance do Changpeng Zhao, người gốc Trung Quốc sáng lập.
Trả lời Reuters, 6 luật sư nhận định danh sách nhà đầu tư mà Musk vừa công bố có thể khiến Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) xem xét kỹ thương vụ thâu tóm Twitter.
CFIUS là cơ quan trực thuộc Bộ Tài chính Mỹ, chuyên đánh giá các hoạt động mua bán, sáp nhập để xác định mối đe dọa tiềm ẩn với an ninh nước này. Việc cơ quan này can thiệp để ngăn thương vụ mua công ty Mỹ từng xảy ra trong quá khứ.
"Trong phạm vi hồ sơ mua lại Twitter của Musk, việc xuất hiện nhà đầu tư nước ngoài có thể khiến thương vụ rơi vào tầm ngắm của CFIUS", Chris Griner, Chủ tịch công ty luật Stroock & Stroock & Lavan LLP cho biết.
Phát ngôn viên Bộ Tài chính Mỹ từ chối bình luận khả năng điều tra thương vụ. Trong khi đó, đại diện của Musk, hoàng tử Alwaleed, Qatar và Binance đều chưa phản hồi.
Dù có thể bị điều tra, khả năng CFIUS ngăn chặn thỏa thuận được đánh giá rất nhỏ bởi Musk sẽ trực tiếp kiểm soát Twitter, còn các nhà đầu tư chỉ mua lại số ít cổ phần. Tất nhiên, rủi ro an ninh vẫn tiềm tàng bởi lượng dữ liệu cá nhân mà Twitter kiểm soát thường được CFIUS xem là cơ sở hạ tầng quan trọng.
"Một trong các dữ liệu được xem là nhạy cảm gồm thông tin liên lạc điện tử không công khai. Đó là email, tin nhắn hoặc đoạn chat giữa người dùng. Twitter cho phép bạn làm điều đó", Richard Sofield, đại diện công ty luật Vinson & Elkins LLP nhận định.
Theo Reuters, mối đe dọa khác gồm các giao dịch của Musk với chính phủ nước ngoài nhằm đẩy mạnh tự do ngôn luận hoặc muốn vượt Mỹ về mặt công nghệ. Ví dụ như Tesla, hãng xe điện do Musk làm CEO đang phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc để sản xuất ôtô.
Trung Quốc đã chặn Twitter vào năm 2009, tuy nhiên nhiều quan chức nước này vẫn hoạt động trên mạng xã hội. "Một trong những yếu tố được cân nhắc là khả năng Trung Quốc tận dụng hoạt động kinh doanh của Twitter để đạt mục đích nào đó", Sofield nói thêm.
Năm 2020, chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump buộc CFIUS điều tra TikTok về khả năng gửi dữ liệu của người dùng Mỹ về chính phủ Trung Quốc. Động thái này nhằm ép ByteDance thoái vốn khỏi TikTok. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ kế nhiệm, ông Joe Biden đã từ bỏ kế hoạch sau khi ByteDance đồng ý thay đổi cách lưu trữ và gửi dữ liệu.
Từng có trường hợp CFIUS ngăn chặn thỏa thuận vì lo ngại an ninh quốc gia. Đó là thương vụ của Broadcom, công ty Singapore muốn mua lại Qualcomm vào năm 2018 với giá 117 tỷ USD. Cơ quan này cho rằng Broadcom hợp tác với "nhiều thực thể bên thứ ba của nước ngoài", có khả năng khiến Mỹ tụt hậu trước Trung Quốc về mặt công nghệ.
Nevena Simidjiyska, luật sư tại Fox Rothschild LLP nhận định khả năng CFIUS sẽ đánh giá xem Musk hoặc các nhà đầu tư (cả Mỹ và nước ngoài) có thể chịu ảnh hưởng bởi các công ty nước ngoài theo cách tương tự hay không.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/twitter-co-the-bi-my-dieu-tra-giong-tiktok-post1315271.html