Gom góp cho 'của để dành'

Không chỉ chăm lo cuộc sống thường nhật và tương lai của con cái, nhiều ông bố, bà mẹ đã dành dụm, tiết giảm các khoản chi tiêu để tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện cho con, với mong muốn sau này các con sẽ nhận lương hưu để đảm bảo cuộc sống khi về già.

Tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện đến người dân

Tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện đến người dân

Vợ chồng ông Trần Thuận, bà Nguyễn Thị Khuyên ở phường Kim Long, TP. Huế đều là cán bộ hưu trí, lương hàng tháng của 2 ông bà gần 20 triệu đồng. Với số tiền đó ông bà khá thoải mái trong chi tiêu hàng ngày và chăm sóc bản thân. Tuy nhiên, điều 2 vợ chồng ông Thuận luôn trăn trở và lo lắng đó là tương lai của cậu con trai út không có nghề nghiệp ổn định hiện đang đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc.

“Sau khi đi xuất khẩu lao động trở về sợ không xin được việc làm hoặc công việc không ổn định thì sau này làm sao có thể lo cho bản thân và con cái, hay những lúc trái gió trở trời. Vì vậy tôi quyết định tham gia BHXH tự nguyện cho con với mức 1,8 triệu đồng/tháng với mong muốn sau này 2 vợ chồng trăm tuổi cũng yên lòng khi con cái đã có “cuốn sổ hưu” và được tặng thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) để chăm sóc sức khỏe như mình”, bà Khuyên chia sẻ.

Cùng nỗi lo như bà Khuyên, bà Hoàng Thị Lan ở phường Hương Sơ có 2 cô con gái, cô chị là giáo viên mầm non nên khá an nhàn, cô em buôn bán ngoài chợ cuộc sống có phần vất vả hơn. Lo cho con khi về già, sau khi được cán bộ BHXH tỉnh tư vấn và cân nhắc các khoản chi tiêu, bà Lan quyết định bỏ số tiền 1.067.000đ/ tháng để tham gia BHXH tự nguyện cho con.

Theo chia sẻ của bà Lan, bản thân bà không có lương hưu, mọi việc trang trải cuộc sống đều bằng tiền thu được từ dãy phòng trọ cho thuê. Bởi vậy, khi biết đến chính sách BHXH tự nguyện, bà quyết định đăng ký tham gia ngay cho con gái út với suy nghĩ “mỗi ngày mình tích góp một chút, đến khi con về già có đồng lương hưu cuộc sống cũng đỡ vất vả và ổn định hơn; ốm đau cũng đã có thẻ BHYT miễn phí”.

Theo quy định của BHXH Việt Nam, người tham gia BHXH tự nguyện là người từ 15 tuổi trở lên, không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; mức đóng hằng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn. Theo đó, mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng.

Theo Phó Giám đốc BHXH tỉnh, bà Bùi Thị Thu Lý, BHXH tự nguyện là chính sách bảo hiểm ưu việt, nhân văn của Đảng và Nhà nước, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận. Tham gia BHXH tự nguyện, người dân không chỉ được Nhà nước hỗ trợ mức đóng mà còn được hưởng nhiều quyền lợi thiết thực, như: Có cơ hội được hưởng lương hưu hàng tháng và được cấp thẻ BHYT miễn phí để đảm bảo cuộc sống và chăm sóc sức khỏe khi hết tuổi lao động; người thân được nhận chế độ tử tuất khi chẳng may người tham gia qua đời.

Bà Lý cho rằng, để gia tăng số người tham gia, thời gian tới BHXH tỉnh tiếp tục triển khai nhiều giải pháp, trong đó đẩy mạnh truyền thông cao điểm gắn với các chủ đề, chủ điểm; tổ chức các đợt truyền thông chiến dịch hướng tới phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình với nội dung truyền thông ngắn gọn, súc tích về quyền, lợi ích và giá trị nhân văn của chính sách; thông điệp truyền thông gần gũi, dễ nhớ, góp phần làm thay đổi nhận thức, thói quen của người dân, thúc đẩy họ tích cực, tự giác tham gia nhằm tự đảm bảo an sinh cho chính mình và gia đình.

Bài, ảnh: Huy Thắng

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/chinh-tri-xa-hoi/an-sinh-xa-hoi/gom-gop-cho-cua-de-danh-146827.html