Gom kinh nghiệm vào con chip

Nhiều năm đắm chìm trong nông nghiệp, anh Nguyễn Đức Huy (36 tuổi, TP Đà Lạt) đã phát triển hệ thống sản xuất nông nghiệp theo hướng tự động hóa cao. Dù rằng hướng đi này 'chỉ riêng anh' nhưng anh đã biến nông nghiệp 'phức tạp' thành đơn giản dựa trên nền tảng số.

Nguyễn Đức Huy với mô hình đơn giản hóa phương pháp trồng rau thủy canh để áp dụng đại trà. Ảnh: ĐOÀN KIÊN

Nguyễn Đức Huy với mô hình đơn giản hóa phương pháp trồng rau thủy canh để áp dụng đại trà. Ảnh: ĐOÀN KIÊN

Khác với khung cảnh tất bật vun xới, tưới nước từng luống rau, thửa vườn của người nông dân, trang trại trồng rau thủy canh của anh Nguyễn Đức Huy, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Thủy canh Việt, không cần đến lao động cơ bắp. Lấy bằng Thạc sĩ Sinh học thực vật, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM) năm 2013, sau hơn 1 năm làm việc tại Phòng Kinh tế TP Đà Lạt, Huy quyết định rời “bàn giấy”, đầu tư vào nông nghiệp.

Thời gian đầu, anh cùng bạn tập trung đưa công nghệ ứng dụng hiện đại trong sản xuất nông nghiệp trên 2ha đất trồng cà chua, dâu tây, rau xà lách, dưa leo bằng phương thức trồng thủy canh, giá thể; chăm sóc, kiểm soát dịch bệnh trên cây trồng thông qua từng con “chip” kết nối với máy tính... Lúc đó, Huy kích hoạt sử dụng thành công hệ thống Vietponics Control System do anh nghiên cứu lập trình. Hệ thống này kết nối internet với điện thoại thông minh, máy tính giúp người nông dân canh tác chuẩn xác, hiệu quả với các lệnh điều khiển từ xa được thiết lập để hoạt động hàng phút, hàng giờ, hàng ngày. Dữ liệu sau đó được thu thập và tích lũy theo thời gian, niên vụ. Thông qua thuật toán, Huy có thể tính toán được chính xác loại cây trồng nào cần phải chăm sóc ra sao, khi nào cần châm thêm phân bón, khi nào cần điều chỉnh độ ẩm không khí…. Bằng cách ứng dụng công nghệ số vào trồng, năng suất rau thủy canh cao gấp 5 lần so với cách canh tác thông thường.

Từng đi tham quan, tìm hiểu mô hình sản xuất ở nước ngoài, anh Nguyễn Đức Huy cho rằng tại một số nước với điều kiện tự nhiên tương đồng Việt Nam như Thái Lan, Malaysia... có nền nông nghiệp phát triển bởi chi phí vận chuyển thấp và nhất là đã có hệ thống công nghệ phụ trợ tốt. Do vậy, từ năm 2019, HTX Thủy canh Việt đã nghiên cứu và đầu tư giàn ép khuôn (nhựa) với 32 bộ, có thể tạo ra đủ các loại hình dáng từ đường ống dẫn nước, chậu chứa, giỏ đựng giá thể, gioăng nhựa… đáp ứng mọi hình thái canh tác liên quan đến trồng rau thủy canh. “Sau mấy năm làm nông nghiệp thông minh, tôi thấy rằng để áp dụng đại trà nông nghiệp hiện đại, đồng bộ, tự động hóa với tất cả mọi người dân là điều bất khả thi vì đòi hỏi quá nhiều yếu tố, ngoài vốn ra thì điều quan trọng là cần đội ngũ rành công nghệ”, Huy chia sẻ.

Trên nền tảng ứng dụng quản lý nhà vườn đã gây dựng từ nhiều năm với dữ liệu chăm sóc từng loại cây trồng đã được tối ưu ở mức cao nhất, Huy tiếp tục phát triển kỹ thuật trồng rau thủy canh hồi lưu (động). Với kỹ thuật này, mỗi giỏ giá thể trồng cây sẽ được dòng nước (chứa dinh dưỡng) bơm tuần hoàn liên tục, rễ cây cũng không phải ngâm nước như trồng thủy canh thông thường (tĩnh) nên tránh bị úng rễ.

Qua những lần thử nghiệm, Huy nhận thấy trước đây hệ thống tưới nhỏ giọt vốn đã tiết kiệm nhưng nước sau đó thường sẽ xả bỏ (trung bình mỗi ngày phải dùng tới 10-20m3 nước/1.000m2), nhưng áp dụng phương pháp “luân hồi” nước sẽ được tái sử dụng, chỉ phải châm thêm nước với lượng chỉ khoảng 500 lít/1.000m2, vừa tiết kiệm nước vừa giảm chi phí vận hành. “Với phương thức này, người trồng không cần mất thời gian chăm sóc cây, các chỉ số về nhiệt độ, phân bón, nồng độ pH… sẽ được ghi chú, người dùng chỉ việc theo dõi và điều chỉnh duy trì ở mức tương đối là có thể canh tác được. Nông nghiệp thông minh không nhất thiết phải có chip điện tử trong cả khu vườn, quan trọng nhất là người điều khiển khu vườn một cách đơn giản nhất, dễ dàng nhất, nông dân nào cũng có thể làm được. Sau nhiều năm thử nghiệm và ứng dụng, chúng tôi nhận thấy mô hình này phù hợp với việc trồng ngay trong không gian nhỏ hẹp như ban công, sân thượng nhà phố, tại những nơi nguồn nước hạn chế hay mô hình trang trại”, Huy cho biết thêm.

ĐOÀN KIÊN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/gom-kinh-nghiem-vao-con-chip-post675321.html